Thanh hóa: Đồng hành hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm

20:10 25/02/2013     2897

3 Phong trào   Web.ĐTN: Nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh luôn nỗ lực, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm.

 Anh Lê Đình Hiền, Xã Vĩnh Thịnh - Huyện Vĩnh Lộc chủ doanh nghiệp sản xuất đá. Nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012
Anh Lê Đình Hiền, Xã Vĩnh Thịnh - Huyện Vĩnh Lộc chủ doanh nghiệp sản xuất đá (giữa) nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012

Trách nhiệm của Đoàn Thanh niên

Chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên được triển khai sâu rộng, với nhiều cách làm sáng tạo, coi việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nội dung trong tâm, thường xuyên hàng năm của công tác đoàn, phong trào TTN. Hàng năm Đoàn TN đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục đào tạo đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, hàng năm tổ chức nhiều đợt tư vấn mùa thi, chọn trường, chọn nghề cho học sinh và các bậc phụ huynh; phối hợp với sở LĐTBXH, hội dạy nghề - việc làm tổ chức các đợt tư vấn lưu động cho thanh niên vùng sâu, vùng xa. Thực hiện phương châm “Mỗi cơ sở đoàn là địa chỉ tư vấn việc làm, mỗi cán bộ đoàn là tư vấn viên”, hàng năm đã tư vấn cho trên 50 ngàn lượt thanh niên về hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm. Từ năm 2010 đến nay, Đoàn TN đã phối hợp với các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho gần 10 ngàn lao động làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, các doanh nghiệp may mặc, giầy da. Bên cạnh đó, Đoàn TN luôn chú trọng việc khai thác, vận dụng tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lao động, dạy nghề, giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ thanh niên. Thực hiện đề án 103 của Chính phủ, Tỉnh đoàn đã tham mưu triển khai các dự án lớn như: Truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên và xã hội về nghề nghiệp, việc làm; dự án hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp. Trong các năm từ 2008 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 2.011 đợt truyền thông, chương trình tư vấn qua mạng trực tuyến cho trên 70 ngàn lượt thanh niên; cùng với Hội doanh nghiệp trẻ tổ chức 26 đợt tư vấn trực tiếp giúp thanh niên tiếp cận nhiều thông về khởi sự doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình “Thắp sáng ước mơ doanh nhân”, giúp nhiều thanh niên lập nghệp. Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên được khởi công xây dựng với hơn 60 tỷ đồng đã được khánh thành vào tháng 9 năm 2012. Với cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ, hiện đại, Trung tâm sẽ là thiết chế quan trọng để Đoàn TN tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, góp phần hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm. Triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm GTVL thanh niên đã tư vấn, giới thiệu nhiều thanh niên tham gia học nghề, mở trên 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 thanh niên, phối hợp với trường CĐ nghề Lilama tuyển 1.200 thanh niên vùng dân tộc thiểu số, thanh niên hộ nghèo đi học nghề từ sơ cấp đến cao đẳng nghề. Công tác hỗ trợ thanh niên tham gia các chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng được Đoàn TN quan tâm bằng các việc làm cụ thể như: Tuyên truyền tư vấn, tổ chức ngày hội về xuất khẩu lao động, dạy kỹ năng văn hoá, định hướng nghề; phối hợp với ngành Lao động TBXH, Bộ CHQS, các doanh nghiệp, hàng năm đưa gần 10 ngàn lao động trẻ đi làm việc tại các thị trường Trung đông, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…

Để giúp thanh niên tự giải quyết việc làm, Đoàn TN đã chủ động phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội, quỹ quốc gia giải quyết việc làm tạo nguồn vốn cho thanh niên vay, với số vốn 460 tỷ đồng (xếp thứ 2 cả nước), có hơn 25 ngàn hộ thanh niên được vay vốn sản xuất kinh doanh. Cùng với việc tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, hàng năm Đoàn TN đã tích cực phối hợp mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hàng năm cho trên 30 ngàn thanh niên, thành lập CLB thanh niên với kỹ thuật nghề nông, CLB thanh niên giúp nhau làm kinh tế, CLB trang trại trẻ, thanh niên làm kinh tế giỏi…Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều thanh niên có mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Năm 2012, toàn tỉnh có 32 ngàn hộ thanh niên có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 90 ngàn lao động tại chỗ.

Giải pháp trong thời gian tới

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 – 2015, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XVII, Đoàn TN các cấp cần tập trung, tiếp tục đống hành, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm.

Trước hết về công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên; trong khối trường học, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành GD –ĐT tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, sinh hoạt chi đoàn, chi hội gắn với việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, nhu cầu thị trường lao động đề mỗi học sinh xác định ngành nghề theo học cho phù hợp. Trong đó cần làm tốt việc phân luồng học sinh ngay từ bậc Trung học phổ thông để có định hướng cho học sinh trong học tập, chọn trường, chọn nghề, không chạy theo phong trào. Mặc khác cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để thay đổi nhận thức, quan niệm “phải cho con em vào đại học”, “học để làm quan”; phải xem “thầy” hay “thợ” cũng đều là nghề bình đẳng trong xã hội.

Đối với thanh niên trong độ tuổi lao động cần đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp theo phương châm “nếu người nào có khả năng trong học tập thì chọn trường đi thi, nếu không thì chọn việc đi học nghề”, có tay nghề sẽ tìm kiếm được việc làm; khắc phục tình trạng nhiều thanh niên nông thôn đi làm ăn xa  không có tay nghề, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định.

Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo nghề mới chỉ quan tâm đến dạy nghề cho đủ trình độ thực hành trong lao động mà chưa quan tâm đến đào tạo, kỹ năng văn hoá nghề. Hiện nay lao động trẻ đang rất yếu về kỹ năng, văn hoá nghề, ứng xử với người sử dụng lao động còn kém, thiếu chuyên nghiệp, tác phong lao động tuỳ tiện, nhiều lao động trẻ thiếu kiến thức pháp luật, tham gia đình công, lãn công thiếu cơ sở, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Do vậy, với “khoảng trống” trong vấn đề dạy nghề, Đoàn TN cần quan tâm tổ chức nhiều các hoạt động giúp thanh niên hiểu biết về pháp luật, kỹ năng ứng xử có văn hoá, tác phong công nghiệp, đảm bảo chất lượng lao động, tạo niềm tin cho người sử dụng lao động khi có nhu cầu.

Tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn trong việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, tự tạo việc làm. Cần tăng cường hơn nữa các hoạt động phối hợp tạo nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên vay, phổ biến việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Thành lập, nhân rộng các mô hình khuyến khích thanh niên giúp nhau làm kinh tế như: CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi, mô hình trang trại, hộ gia đình trẻ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm…Tiếp tục đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch, ngày hội việc làm, công tác tư vấn xuất khẩu lao động để giúp thanh niên tham gia vào thị trường lao động, tự tìm kiếm cho mình việc làm phù hợp với nhu cầu của xã hội./.