Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

14:31 24/12/2015     1768

3 Phong trào   Web.ĐTN: Sáng 23/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011- 2015.
Các đồng chí: Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án và Nguyễn Long Hải - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Đề án 2160 là chính sách đầu tiên được ban hành nhằm triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên mà Chỉ thị số 32-CT/TW, Nghị quyết số 45/NĐ-CP đề ra.

Đ/c Nguyễn Long Hải mong muốn, thời gian tới, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên cần phải đi vào thực chất hơn, cả chiều rộng lẫn bề sâu, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tiếp tục hướng mạnh về cơ sở.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải- Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam cho biết: Trong quá trình thực hiện Đề án, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Đề án và triển khai đồng bộ, rộng khắp trong cả nước. Công tác phối hợp lồng ghép triển khai thực hiện Đề án với các chương trình, Đề án khác về phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã được xây dựng, áp dụng và nhân rộng mang lại kết quả quan trọng. Chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên được nâng lên, gắn kết chặt chẽ hơn với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và chương trình phát triển phát triển thanh niên, qua đó, vừa vận dụng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, góp phần giáo dục toàn diện, giúp thanh thiếu niên tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị


Tại Hội nghị, các đơn vị đã tập trung, trao đổi thảo luận, chia sẻ về những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong 05 năm triển khai thực hiện Đề án; Những tác động, hiệu quả của Đề án mang lại cho thanh thiếu niên và xã hội; Những chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên qua việc triển khai thực hiện Đề án; Qua đó, cũng đánh giá những thuận lợi, khó khăn, đề xuất giải pháp nâng cao công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên giai đoạn 2016- 2020…

Từ năm 2011 đến nay, việc ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án được xác định là một chỉ tiêu trong tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng Sở Tư pháp, qua đó tạo nên phong trào thi đua và góp phần nâng cao kết quả công tác PBGDPL. Các nhiệm vụ của Đề án cơ bản đáp ứng yêu cầu; một số hoạt động đã tạo nên điểm sáng cho Đề án, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh thiếu niên, qua đó đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, chủ động phòng ngừa, loại bỏ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Tiêu biểu ở tỉnh Thừa Thiên Huế, số lượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật giao thông đường bộ năm sau giảm hơn năm trước: Năm 2013 xảy ra 693 vụ, giảm 51 vụ so với cùng kỳ (6,58%), năm 2014 giảm 3,15%. Tại Long An, Đề án có tác động mạnh mẽ đối với địa bàn thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm của Đề án, xã Khánh Hưng năm 2012 có 11 thanh niên vi phạm pháp luật giảm xuống còn 02 thanh niên vi phạm pháp luật, xã Tân Lân năm 2013 có 07 trường hợp đến nay giảm còn 02 trường hợp vi phạm pháp luật…

39/49 tỉnh, thành phố trên cả nước có thống kê đạt và vượt mục tiêu 80% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền;

41/48 tỉnh, thành phố trên cả nước có thống kê đạt mục tiêu 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi của các em. 44/50 địa phương có thống kê đạt mục tiêu 80% thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

Có 29/43 tỉnh, thành phố có thống kê giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là thanh thiếu niên, số vụ vi phạm pháp luật có thanh thiếu niên tham gia, trong đó có nhiều địa phương giảm được tỷ lệ cao: Thái Bình (100%), Yên Bái (90%), Đắk Nông (72%), Nam Định (70%), Bắc Kạn (60%).

Mục tiêu nâng cao năng lực của người làm công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên, cán bộ Đoàn thực hiện PBGDPL được thực hiện tốt; nhiều địa phương vượt hoặc đạt tỷ lệ 70% được bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới và nghiệp vụ PBGDPL. Trong đó, 44/46 tỉnh, thành phố trên cả nước có thống kê đạt tỷ lệ này , trong đó có nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100%: Bắc Kạn, Cà Mau, Cao Bằng, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Trà Vinh.
ff
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu- Trưởng ban Chỉ đạo Đề án và Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án giai đoạn 2011- 2015

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đề nghị giai đoạn 2016- 2020, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL thanh thiếu niên nói riêng; đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh thiếu niên phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện địa bàn; Xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống tổ chức Đoàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn đánh giá công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên thời gian qua chưa thực sự đi vào chiều sâu, đôi lúc còn dàn trải hình thức, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể chưa thường xuyên, liên tục; hguồn lực đảm bảo Đề án còn hạn hẹp; việc huy động, triển khai chính sách xã hội hóa để thực hiện PBGDPL cho thanh thiếu niên vẫn còn hạn chế.

Để thực hiện tốt nhiệm nhiệm vụ trong giai đoạn tới, trong năm 2016, cần đánh giá một số mô hình, cách làm hay qua tổng kết, chọn điểm chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL cho thanh thiếu niên; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản liên tịch giữa bốn Bộ, ngành nhằm phối hợp triển khai nhiệm vụ PBGDPL cho thanh thiêu niên theo Chỉ thị số 42- CT/TW… đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT và các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động PBGDPL, ưu tiên hỗ trợ cho địa bàn khó khăn, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm.