Sức trẻ ở Thành phố mang tên Bác

08:25 02/05/2015     1059

3 Phong trào   Nhìn lại chặng đường 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, dấu ấn của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác đã thể hiện rất đậm nét trong sự đổi mới mạnh mẽ của đô thị đầu tàu phía Nam…
Theo Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, sau khi đất nước vừa thống nhất, thành phố Sài Gòn-Gia Định được mang tên Bác Hồ kính yêu. Giới trẻ, đặc biệt là lớp sinh viên, trí thức đã nhanh chóng thích nghi với công cuộc tái thiết mới. Chính sức trẻ đã góp công rất lớn cho sự phát triển nhanh, mạnh của TPHCM trong những năm tháng đầy khó khăn khắc phục hậu quả chiến tranh.

Động lực nào để hun đúc hoài bão ấy? Đã rất nhiều người đặt câu hỏi như vậy khi TPHCM tổng kết 40 năm sau giải phóng. Nhiều nhà nghiên cứu đã có những cách giải thích khác nhau, nhưng họ đều chung nhận định trước hết là phải kể đến dấu ấn của các đồng chí lãnh đạo Thành phố vào giai đoạn đó, từ đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp đến các thế hệ lãnh đạo kế cận tiếp theo…

f
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tại buổi gặp mặt trí thức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước

GS Chu Phạm Ngọc Sơn kể về những kỷ niệm tại Trường Đại học Tổng hợp TPHCM khi mình còn là chàng thanh niên Chu Phạm Ngọc Sơn đang hăm hở hoài bão cống hiến, cùng với các nhà khoa học trẻ khác ngày đêm cật lực trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu.

Không chỉ GS Sơn, vào giai đoạn ấy, lớp lớp trí thức trẻ ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp đã bắt tay ngay vào những công việc xây dựng Thành phố. Đó là chuyện các giáo viên Khoa Địa chất, Khoa Hóa của trường những năm 1976-1977, với ba lô trên vai lặn lội xuyên rừng, vượt suối cùng bộ đội Quân khu 7 tháo gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Đó là hình ảnh những nhóm nhà khoa học trẻ đêm ngày trong phòng thí nghiệm để tìm tòi phương pháp khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất… Giai đoạn đó đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ, là thành quả của họ khi làm ra được những mẻ nhựa ankit sáng màu từ dầu hạt cao su tại Nhà máy Sơn Á Đông. Thậm chí, những mẻ nhựa ankit 2 tấn/lần đã liên tiếp ra lò trong thời điểm mà công nghệ lúc đó mỗi lần mẻ sản xuất được 500 gram.

“Tôi vẫn còn nhớ niềm vui khi cho ra những mẻ hàng trăm kilogam vecni tổng hợp cách điện dùng tráng dây đồng, vecni tráng thiếc cho các lon nước trái cây...; những mẻ sơn màu từ dầu hạt điều thay thế sơn nhập từ nước ngoài”, GS Sơn kể lại.

Trong ngành Y tế, một sự kiện đã khiến cả thế giới thán phục là ca mổ tách rời cặp song sinh Việt-Đức vào ngày 4/10/1988, gắn với tên tuổi của các trí thức tài năng, như các bác sĩ Dương Quang Trung, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trần Thành Trai, Trần Đông A…

Đó thực sự là những tập thể trí thức trẻ đầy hoài bão cống hiến trong những năm đầu sau giải phóng còn nhiều thiếu thốn.

TPHCM hôm nay được nhắc đến như một đầu tàu kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục… của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố cũng nuôi tham vọng trở thành trung tâm của khu vực về công nghệ cao, cơ khí chính xác, vi mạch và tin học.

Với lợi thế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lực lượng lao động trẻ, môi trường đầu tư thông thoáng, Thành phố đã có thành công ban đầu trong sản xuất vi mạch, vật liệu mới như composite, nano, nanocomposite… Hiện nay, Thành phố cũng có những cơ sở giáo dục, khoa học và công nghệ tiên tiến, bao gồm các trường ĐH, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trung tâm công nghệ cao, hệ thống các phòng kiểm nghiệm hiện đại ngang tầm khu vực.

Trong bước tiến vượt bậc về công nghệ cao ấy, rất khó có thể kể hết tên hết những nhà khoa học trẻ điển hình.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (37 tuổi, Trưởng Khoa Kỹ thuật hóa học của ĐH Bách khoa TPHCM) là giáo sư trẻ nhất Việt Nam, là đại diện trí thức trẻ trong buổi gặp mặt lãnh đạo Thành phố dịp kỷ niệm 40 năm đầy ý nghĩa này. Anh cho biết, đã rất vinh dự và xúc động khi nhận được lời mời từ lãnh đạo TPHCM. Càng vinh dự hơn khi GS Sơn Nam sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, được đại diện cho những nhà khoa học trẻ của TPHCM bày tỏ lòng biết ơn đến các thế hệ cha anh.

“TPHCM đã dang rộng vòng tay đón tôi đến học tập và làm việc hơn 20 năm qua. Khoảng thời gian ấy không dài đối với một đời người, nhưng cũng đủ dài để tất cả những con đường, những góc phố, những con người nơi đây đã trở thành một phần trong trái tim tôi”, GS Sơn xúc động chia sẻ.

Với chương trình học bổng 322 của Chính phủ, GS Sơn Nam đã lần lượt hoàn tất nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Sheffield (Vương quốc Anh), sau đó là thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) và anh trở về cống hiến tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Cho đến trước thời điểm được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước quyết nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, GS Sơn đã có 62 bài báo khoa học đăng trong nước và 37 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế.

Góp ý với lãnh đạo Thành phố, anh cho rằng, nếu TPHCM có thêm nhiều chính sách phù hợp thì nguồn nhân lực Thành phố sẽ được bổ sung nhiều cán bộ trẻ có năng lực.

“Họ, những trí thức trẻ, nếu được tạo điều kiện tốt, chắc chắn sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của TPHCM nói riêng và sự phát triển của nền khoa học nước nhà nói chung”, GS Sơn Nam khuyến nghị, đồng thời bày tỏ tin tưởng: “Với truyền thống luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, TPHCM sẽ tiếp tục đi đầu cả nước về đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ và quản lý tài chính”.

Ngoài chương trình học bổng 322 của Chính phủ, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, lãnh đạo Thành phố luôn coi đầu tư cho trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Trước mắt, bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, Thành phố đang tạo điều kiện cũng như khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đóng góp cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố, gồm: Cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm hiện còn phát triển còn chậm. Ông Hải cũng động viên đội ngũ trí thức tiếp tục góp ý cho các chính sách của Thành phố đối với nhiều vấn đề/lĩnh vực mà dư luận, người dân Thành phố đang bức xúc hiện nay, như ô nhiễm môi trường; cải cách hành chính; quá tải bệnh viện; tình trạng ngập nước; chất lượng nguồn nhân lực…

40 năm phát triển, với sự quan tâm đặc biệt dành cho nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, từ 20.000 người vào năm 1975, đến nay TPHCM đã có trên 1 triệu trí thức, nhà khoa học đang sinh sống và cống hiến cho Thành phố.