Sứ giả môi trường trẻ

14:07 07/08/2015     964

3 Phong trào   Xen kẽ các chuyến tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương và vịnh Hạ Long là những buổi thảo luận nhóm sôi nổi của 72 bạn trẻ các nước tham gia Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2015, như những sứ giả môi trường thật sự.
Ở đó, họ đã đem những kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ môi trường của nước mình chia sẻ và thảo luận với bạn bè các nước, trong đó có những nhận xét về môi trường của VN rất đáng suy ngẫm.

Sôi nổi kiểu sinh viên

Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, sau khi tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường ĐH Quốc gia Hà Nội, trình bày về công tác bảo tồn các động vật linh trưởng, rùa, gấu, các hoạt động phát triển kinh tế trong vùng.

TS Hà cho biết công tác bảo tồn vẫn còn gặp nhiều thách thức, trong đó nổi cộm là vấn nạn săn bắt trộm, buôn lậu động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép.

Bạn Hasumi Nemani từ ĐH Waseda (Nhật Bản) đặt câu hỏi Việt Nam đã áp dụng những biện pháp gì để ngăn chặn nạn săn bắn và khai thác trái phép động thực vật quý hiếm.
t5
Sinh viên nhận xét những điều mắt thấy tai nghe để cùng tạo ra các buổi thảo luận sôi nổi

TS Hà cho biết cách phổ biến nhất là tăng cường tuần tra và giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân nhưng các biện pháp này chưa hiệu quả vì nguồn lực Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.

Ngay lập tức, Yali Peng đến từ ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) đặt câu hỏi về vai trò của luật pháp trong việc ngăn chặn tình trạng săn bắt, khai thác động vật hoang dã trái phép.

TS Hà nói Việt Nam có rất nhiều quy định và luật lệ nhưng vấn đề lớn nhất là do Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên chưa có đủ nguồn lực để thực thi luật pháp và tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của người dân.

Sau khi tham gia khu bảo tồn rùa và linh trưởng ở Vườn quốc gia Cúc Phương, đoàn gồm sinh viên sáu nước châu Á tiếp tục di chuyển đến vịnh Hạ Long để tìm hiểu công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học, giá trị môi trường, những thách thức giữa bảo tồn và phát triển ở kỳ quan thiên nhiên này.

Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên rằng điều khó khăn nhất trong công việc bảo tồn là gì, GS Nguyễn Hoàng Trí - tổng thư ký Ủy ban con người và sinh quyển, cho biết đó là công tác di dân và tạo công ăn việc làm cho những người dân này.

GS Trí nói đây là một công việc vô cùng tốn kém. Ông dẫn ví dụ Vườn quốc gia Cúc Phương là một ví dụ rất thành công trong việc bảo tồn tính đa dạng sinh vật nhưng lại không thành công trong công tác di dân.

Tìm hiểu và bảo vệ
 môi trường: sao lại là người trẻ?

Với câu hỏi này, Sreyleak, đang học ngành khoa học môi trường ĐH Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), cho biết: “Tôi nghĩ người trẻ phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai, trong đó có người thân của họ.

Ngoài ra môi trường cũng là một phần cuộc sống của họ. Con người không thể sống nếu không có môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tuổi thọ cũng sẽ không kéo dài nếu sống trong một môi trường ô nhiễm và sẽ rất khó phát triển kinh tế nếu không có môi trường và tài nguyên thiên nhiên”.

Trong khi đó, Kwon Ji-hae (đến từ Hàn Quốc) cho biết Hàn Quốc là quốc gia phát triển kinh tế mạnh nhưng nhiều công ty và người dân chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Do vậy thế hệ trẻ chúng tôi ý thức rằng chúng tôi phải có trách nhiệm thay đổi việc này, làm sao để hài hòa được phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Hàn Quốc có sự khác biệt lớn về vấn đề môi trường ở nông thôn và thành thị. Vì thế Chính phủ Hàn Quốc đang có chính sách thúc đẩy du lịch đến các vùng quê.

Trong những chuyến đi trải nghiệm thực tế này, trẻ em đến các nông trại, tiếp xúc với động vật để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường.

Nhận xét về vấn đề môi trường của Việt Nam, Kwon Ji-hae nói rằng theo quan sát và kiến thức của bạn ấy, tính đa dạng sinh học của Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, nhiều người sống gần thiên nhiên hơn và vì thế lại nảy sinh một khác biệt là nhiều người ở Việt Nam kiếm sống từ tài nguyên thiên nhiên hơn. Kwon Jihae cho rằng đây là một trong những thách thức lớn của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường.

Yuta Matsumura, ngành thương mại ĐH Waseda (Nhật Bản), cũng cho biết hiện anh và các bạn vẫn thường tham gia những chương trình tình nguyện như trồng cây, nhặt rác tại đất nước mình. Ví dụ, khách du lịch vứt rác rất nhiều trên núi Phú Sĩ nên sinh viên và người trẻ tình nguyện được huy động để dọn dẹp.

Những hoạt động tình nguyện này giúp anh hiểu nhiều về môi trường hơn và có ý thức giữ gìn, phục hồi môi trường và giữ môi trường xanh sạch đẹp cho thế hệ tương lai. Về những gì đã thấy, Yuta Matsumura nói anh cảm thấy danh thắng vịnh Hạ Long rất đẹp, “nhưng sao có nhiều rác quá?”!

Ông Shinya Wako, phó chủ tịch Tập đoàn AEON, đơn vị thành lập Quỹ môi trường AEON - nhà tài trợ cho ASEP, cho biết mục đích chính của ASEP là hướng các nhà lãnh đạo tương lai về các vấn đề bảo tồn môi trường.

Ông Wako nói qua thảo luận, các sinh viên có thể nhận ra có những vấn đề môi trường mà một nước không thể giải quyết mà cần sự hợp tác của nhiều nước.

Sinh viên Việt Nam tiếp thu được gì?

Bạn Nguyễn Phương Nhung, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, tiết lộ trước khi khai mạc ASEP 2015, mỗi sinh viên nhận được một bài tập lớn chủ đề “Làm thế nào để cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội ở nước bạn?”.

Phương Nhung nói bài thuyết trình của nhóm sinh viên Việt Nam nhấn mạnh thực tế Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú song việc khai thác và sử dụng vẫn còn lãng phí...

Phương Nhung chia sẻ qua thảo luận với sinh viên các nước, cô học được những bài học kinh nghiệm khá hay và có thể áp dụng đối với Việt Nam.

Chẳng hạn như ở Nhật, chính phủ cấp giấy chứng nhận môi trường cho các công ty đạt chuẩn và người tiêu dùng chỉ tin tưởng những công ty nào có giấy chứng nhận này hay ở Trung Quốc, chính quyền áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với các công ty, tổ chức sử dụng tài nguyên quá quy định.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Khánh Toàn, sinh viên ngành khoa học quản lý ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết Toàn ấn tượng nhất với chia sẻ của một người bạn Nhật về việc phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Người bạn Nhật của Toàn cho biết Chính phủ Nhật chú trọng sản xuất những công nghệ mới thân thiện với môi trường giúp tăng năng suất cho nông dân.

Ngoài ra, nông dân được trả công cao để không nghĩ đến việc sử dụng những hóa chất gây hại cho môi trường. Toàn hi vọng Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm này.