Nông thôn mới ghi dấu ấn thanh niên

10:43 14/07/2013     1804

3 Phong trào   Không cần phải tốn quá nhiều tiền của, phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới” đang được triển khai ngay giữa Thủ đô bởi bàn tay, khối óc của thanh niên.

Góp sức làm đường

Nhớ lại những ngày nắng thì nếm đủ bụi đất, đầy những “ổ trâu, ổ bò”, mưa thì không thể nhấc chân bởi bùn lầy đặc quánh khi phải đi qua tuyến đường liên thôn, liên xóm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) Nguyễn Thị Đông lộ rõ vẻ ngao ngán.

Vậy nên ngày 13/7, khi được mời tới dự lễ khởi công Công trường thanh niên tình nguyện “Đường Thanh niên” biến con đường “đau khổ” xưa kia thành con đường bê tông thẳng tắp dài gần 700m, rộng 5m, không chỉ bà Đông mà rất nhiều người dân xã Phùng Xá đều rất vui mừng.

“Chỉ nay mai thôi, ô tô sẽ không phải vòng vèo thêm 3 km nữa. Công cuộc hiện đại hóa cũng vì thế mà đến vùng quê chúng tôi nhanh hơn. Bà con đi lại sẽ thuận tiện hơn. Thời buổi khó khăn, khủng hoảng, trông chờ vào ngân sách của Nhà nước hỗ trợ chắc sẽ rất khó và rất lâu nhưng khi lớp trẻ góp sức thì chả mấy mà xuất hiện con đường to, đẹp”, bà Đông nói.

Để biến con đường như mơ ước của bà con Phùng Xá thành hiện thực, gần 3.500 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên, sinh viên tình nguyện Thủ đô phối hợp với đoàn viên thanh niên, nhân dân địa phương và các chiến sĩ trẻ đã tình nguyện đóng góp ngày công lao động.


Không ngại nắng nóng, sinh viên Đại học Công nghiệp Việt – Hung góp sức làm đường
Không ngại nắng nóng, sinh viên Đại học Công nghiệp Việt – Hung góp sức làm đường

Sinh ra trong một gia đình khá giả có người giúp việc, lại là con một, không phải đụng tay đụng chân bất cứ việc gì nhưng giữa cái nắng oi ả bốn bề của công trường, Đào Ngọc Tâm Anh, sinh viên Đại học Công nghiệp Việt  Hung lại đang mải mê xúc cát, chuẩn bị cho công đoạn trộn bê-tông.

Vừa là sinh viên tình nguyện trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2013, cô gái tròn 20 tuổi này thấy không cần thiết phải xả hơi mà quay ngay sang tham gia làm tình nguyện viên cho công trường bởi với Tâm Anh, “làm tình nguyện là đam mê mà em theo đuổi từ khi bước vào cấp 3 tới giờ. Là con gái, biết làm đẹp để giữ dáng, giữ da cũng tốt nhưng với em sẽ tốt hơn nếu như làm được những việc giúp ích cho cộng đồng”.

Cũng năng nổ trong các hoạt động tình nguyện, Nguyễn Đắc Hưng, người đóng vai trò đôn đốc, quản lý 100 sinh viên của trường tham gia làm đường cho biết, trước khi tham gia công trường này, anh đã làm đường giúp bà con xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) rồi dựng nhà cho đồng bào dân tộc ở Yên Châu, Sơn La…

Những nơi ghi dấu bước chân của Hưng đều là những nơi đầy rẫy những khó khăn. Khó khăn từ giao thông đi lại đến thiếu thốn cả điện, đường, trường, trạm. Lớn lên ở một huyện thuần nông của Thanh Hóa, dù gia đình không ai làm nông nghiệp mà đi theo kinh doanh, buôn bán nhưng chứng kiến cuộc sống của người nông dân, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp Việt  Hung Nguyễn Đắc Hưng nhận xét: “Người nông dân quá đỗi vất vả để làm ra hạt lúa, củ khoai, quá nhọc nhằn để duy trì cuộc sống. Những vùng nông thôn càng khó khăn bao nhiêu thì càng cần chúng ta phải quan tâm bấy nhiêu bởi ở đó dân vẫn là những người nghèo. Góp sức để xây dựng nông thôn mới, để thay đổi bộ mặt nông thôn với em là một niềm tự hào”.

Nói về công trình giàu ý nghĩa này, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà cho biết, để có căn cứ xây dựng và triển khai, Ban Thường vụ Thành đoàn đã tiến hành khảo sát việc thực hiện tại một số huyện trên địa bàn thành phố. Qua đó, Thành đoàn thống nhất phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Thạch Thất lựa chọn tuyến đường liên thôn, liên xóm, giao thông nội đồng xây dựng Công trường Thanh niên tình nguyện “Đường Thanh niên” tại xã Phùng Xá.

Hai đơn vị đã tổ chức khảo sát, lập dự toán, thiết kế chi tiết, phương án thi công xây dựng đảm bảo đúng quy hoạch và các quy định về xây dựng cơ bản đồng thời, triển khai phương án huy động các nguồn lực về con người, kinh phí, vật tư, máy móc, trang thiết bị cần thiết khác.

Sau khi hoàn thành, Đường Thanh niên không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân địa phương trong việc đi lại, canh tác, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và du khách đến tham quan di tích lịch sử Đền thờ Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) cũng thuận lợi hơn.

Với nhiệt huyết của những người như Tâm Anh, Đắc Hưng, của người lính trẻ Tạ Viết Mười, Tiểu đoàn 47, Bộ tư lệnh Thủ đô đầu tóc, áo mũ ướt đầm vì xách nước trộn bê-tông hay như chiến sỹ Lê Tiến Quyền không nhớ nổi đã làm bao nhiêu con đường giúp dân thì chỉ 3 ngày nữa thôi, công trình trị giá 1,5 tỷ đồng mang tên Đường Thanh niên, thỏa mong chờ của người dân Phùng Xá, chắc chắn sẽ thành hiện thực.

 

Cuộc sống của bà con Phùng Xá sẽ có nhiều đổi thay khi một ngày không xa, Đường Thanh niên được đưa vào sử dụng


Lập đội hình tỏa về địa phương

Cùng thời điểm với lễ khởi công Công trường thanh niên tình nguyện “Đường Thanh niên”, từ sân Đại học Quốc Gia Hà Nội (144 Xuân Thủy, Cầu Giấy), 9 đội hình tham gia “Xây dựng nông thôn mới” cũng tỏa về 9 xã bao gồm các xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ; Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ; Trung Châu, huyện Đan Phượng; Liên Châu, huyện Thanh Oai; Thuần Mỹ, huyện Ba Vì; Yên Viên, huyện Gia Lâm; Thụy Phương, huyện Từ Liêm; Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức và Tân Hưng, huyện Sóc Sơn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến thông tin, mỗi đội hình có 20 tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên, sinh viên tiêu biểu có chuyên ngành phù hợp với các nội dung xây dựng nông thôn mới được tuyển chọn từ các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội.

Trong thời gian 20 ngày tại địa phương, các tình nguyện viên sẽ tổ chức các hoạt động theo 3 nhóm chủ đề lớn. Đó là tham gia tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, của thành phố và của địa phương; tham gia xây dựng đời sống văn hóa, cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và tổ chức các hoạt động xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn dân cư, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng dẫn sinh hoạt hè cho thiếu nhi.

Ngoài 9 đội hình cấp thành phố, Thành đoàn đã chỉ đạo cấp huyện, thị xã chủ động phối hợp với các đơn vị khối trường thành lập các đội tình nguyện xây dựng nông thôn mới tại các xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.