Nghệ An: Lễ Cầu siêu các Thanh niên tử nạn tại Cống Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương

14:00 12/06/2018     708

3 Phong trào   Web.ĐTN: Được sự cho phép của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, tối 9/6, tại di tích Cống Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, Huyện Đô Lương, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các “Thanh niên hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/01/1978”.
Sau ngày chiến thắng mùa Xuân năm 1975, khắp nơi vang dậy phong trào xây dựng quê hương. Phát huy khí thế trong phong trào xây dựng công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ và chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh tiếp tục phát động xây dựng, cải tạo các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cuối năm 1977, Tỉnh chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào thuộc đầu mối hệ thống nông giang Đô Lương và mở rộng khai thông Cống Hiệp Hòa (Thuộc địa phận xã Hòa Sơn) do bom Mỹ đánh phá hư hỏng nặng, dòng chảy bị thu hẹp, lưu lượng nước không đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Để kịp có nước tưới cho vụ chiêm xuân, Tỉnh đã huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện, cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 4 tham gia cải tạo công trình trong thời gian 01 tháng.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ cầu siêu


Tuy nhiên, khi công trình gần hoàn thành thì tai nạn đau lòng đã xảy ra vào trưa ngày 3/1/1978, hàng nghìn khối đất đá bất ngờ đổ sập làm 98 người tử nạn, hơn 100 người khác bị thương. Các anh, các chị ngã xuống chỉ mới mười sáu, đôi mươi, đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với biết bao ước mơ, hoài bão. Những ngày sau đó, công trường làm việc trở lại trong không khí trầm lắng và đau thương. Những người còn may mắn sống sót, lau nước mắt để tiếp tục hoàn thành công việc trước Tết Nguyên đán. Cống Hiệp Hòa được hoàn thành, những cánh đồng lúa ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu rồi cũng đón được những dòng nước mát. Đó là những dòng nước của sự hi sinh, mất mát được đánh đổi bởi xương máu của những chàng trai, cô gái ở tuổi thanh xuân.

“Sự kiện Cống Hiệp Hòa” để lại cho Đảng bộ, Nhân dân Nghệ Tĩnh và những người thân, gia quyến của những người đã ngã xuống nơi đây nỗi đau day dứt vô bờ bến. Hơn 40 năm đã qua, Cống Hiệp Hòa vẫn còn đó, dòng nước mát vẫn ngày đêm cuộn chảy, tưới tắm cho những cánh đồng thêm những mùa màng bội thu, đã góp phần tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình an cho quê hương.
Khu vực Cống Hiệp Hoà được thắp sáng trong đêm Đại lễ cầu siêu
Khu vực Cống Hiệp Hoà được thắp sáng trong đêm Đại lễ cầu siêu


Chương trình diễn ra trong không khí thiêng liêng, xúc động với những nghi lễ: Nguyện hương, Chiêu hồn tử sỹ, bát nhã, vãng sinh, niệm phật, tứ thánh hiệu, phục nguyện, tam tự quy. Tham dự chương trình, các đại biểu và người dân đã thắp những nén tâm hương kính dâng lên các anh các chị để tưởng nhớ công lao cũng như nguyện cầu cho linh hồn các anh, các chị được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

Cũng tại chương trình, đồng chí Phạm Tuấn Vinh - Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân chung tay góp sức, ủng hộ triển khai xây dựng bia chứng tích để tưởng nhớ và ghi danh những con người đã ngã xuống nơi mảnh đất này vào ngày 3/01/1978.