Mô hình hiệu quả của thanh niên góp phần xây dựng nông thôn mới
11:26 25/02/2014 2644
3 Phong trào Thành lập năm 2011, Câu lạc bộ thanh niên Khmer xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang là một mô hình hiệu quả, góp phần tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thành viên của câu lạc bộ là 20 thanh niên Khmer từ 18 - 35 tuổi. Anh Võ Minh Mạnh, Phó Chủ tịch xã Định Hòa kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên Khmer cho biết: Câu lạc bộ tập hợp, đoàn kết thanh niên Khmer sinh hoạt định kỳ hàng tháng xoay quanh hai nội dung chính là học tập kỹ năng phát triển kinh tế gia đình và thực hiện nếp sống văn minh. Sau 3 năm hoạt động khá hiệu quả, câu lạc bộ được cộng đồng xã hội đánh giá cao và thu hút nhiều thanh niên Khmer trong xã đăng ký tham gia.
Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được trang bị kiến thức các bước lập phương án sản xuất kinh doanh, tạo nguồn vốn khởi nghiệp; đào tạo tin học, hướng dẫn tìm kiếm thông tin hữu ích trên Internet phục vụ sản xuất và đời sống; tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm hay của một số mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được trang bị kiến thức các bước lập phương án sản xuất kinh doanh, tạo nguồn vốn khởi nghiệp; đào tạo tin học, hướng dẫn tìm kiếm thông tin hữu ích trên Internet phục vụ sản xuất và đời sống; tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm hay của một số mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
ảnh minh họa - nguồn quangninh.gov.vn |
Anh Võ Minh Mạnh cho biết: Hàng tháng sinh hoạt định kỳ, các thành viên góp 400.000 đồng/người tạo nguồn vốn xoay vòng hỗ trợ những gia đình khó khăn mượn không tính lãi để sản xuất.
Hiện nay, nguồn vốn của câu lạc bộ được hơn 200 triệu đồng cho 12 thành viên vay phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, câu lạc bộ còn thành lập tổ vần công nhằm giúp nhau về ngày công lao động, tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công lao động. Cụ thể là các thành viên lên lịch vần công cho nhau như: đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, sửa chữa nhà cửa, xuống giống hoặc thu hoạch lúa và nhiều công việc khác.
Kết quả, phần lớn thành viên câu lạc bộ đầu tư nuôi cá, nuôi lợn, gà, vịt, trồng nấm rơm, sản xuất lúa chất lượng cao, cải tạo vườn tạp, học nghề, buôn bán nhỏ… thoát nghèo bằng chính đồng vốn hỗ trợ xoay vòng. Cụ thể có 17 hộ thành viên nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, thu lợi nhuận bình quân 350 triệu đồng/năm.
Câu lạc bộ phối hợp với Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ giống lúa, phân bón, kỹ thuật canh tác cho các thành viên thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Qua thí điểm mô hình này, thành viên câu lạc bộ nắm được quy trình, kỹ thuật trong khâu làm đất, sử dụng giống mới gieo sạ, cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… ứng dụng vào thực tế sản xuất trên đồng ruộng để tăng năng suất, chất lượng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các thành viên câu lạc bộ được tập huấn kỹ thuật, tận dụng nguồn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa trồng nấm rơm, với sản lượng hàng năm trên dưới 6.500 kg. Nhiều hộ thành viên phát triển các loại hình kinh doanh nước giải khát, quầy tạp hóa, máy suốt lúa, lò sấy lúa, nghề mộc dân dụng…
Đối với xây dựng nếp sống văn minh trong gia đình và cộng đồng xã hội, các thành viên câu lạc bộ được tập huấn, trang bị kiến thức về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thời kỳ hội nhập; giữ gìn lễ tục dân gian của đồng bào dân tộc Khmer; giao tiếp, ứng xử văn hóa trong đời sống và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội…
Hiện nay, 100% thành viên câu lạc bộ đăng ký xây dựng gia đình nông thôn mới và đạt một số tiêu chí như: cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình phát triển, không để đất hoang hóa; sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sản xuất chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường; đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”… Gia đình thành viên câu lạc bộ không có người thân vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình và chăm lo tốt việc học hành của con em. Câu lạc bộ thanh niên Khmer Định Hòa còn xây dựng tủ sách khởi nghiệp, với hàng trăm đầu sách có nội dung thiết thực, bổ ích, phục vụ nhu cầu đọc sách của thanh niên, nhất là những loại sách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Sau 3 năm hoạt động, hiệu quả của câu lạc bộ mang lại là nâng cao nhận thức và trang bị nhiều kỹ năng sống cho thanh niên Khmer; giúp các thành viên tự tin hơn, biết học hỏi kinh nghiệm để thoát nghèo, dám nghĩ, dám làm; năng động, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Các thành viên nắm rõ, hiểu biết hơn chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc./.