Khơi gợi ước mơ làm giàu

15:29 20/11/2012     2209

3 Phong trào   Festival Thanh niên khởi nghiệp năm 2012 được TƯ Đoàn, TƯ Hội LHTN Việt Nam đánh giá thành công nhất từ trước đến nay. Không chỉ giúp thanh niên, sinh viên nắm chắc kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp (tuyển dụng, lựa chọn công việc phù hợp khi tốt nghiệp) mà festival này còn thổi bùng khát vọng, ước mơ làm giàu cho nhiều bạn trẻ ngay lúc còn là sinh viên.
A
Đông đảo thanh niên tìm kiếm cơ hội tại các phiên giao dịch việc làm
Những kỹ năng không thể thiếu

Sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm diễn ra gay gắt nhưng không vì thế mà thiếu cơ hội cho thanh niên có ý chí, khát vọng trở thành "ông chủ" trẻ, thậm chí có thể làm chủ ngay từ thời sinh viên.

Để khởi nghiệp thành công, các doanh nhân cho rằng, mỗi thanh niên phải cân nhắc thấu đáo những yếu tố như: Tìm hiểu thật kỹ ngành nghề mình quyết định kinh doanh; nguồn lực; sự đam mê và quyết tâm đủ lớn, đủ mạnh để vượt qua nhiều chông gai thử thách. Đối với những thanh niên không thi đỗ đại học, thay vì tiếp tục làm những công việc chỉ để sinh tồn và điều kiện làm việc nghèo nàn, hoặc phải lên thành phố lớn tìm việc, họ nên suy nghĩ tới việc tự mở một doanh nghiệp siêu nhỏ và sử dụng các kỹ năng truyền thống của gia đình mình. Một đặc tính cố hữu đó là khi chuẩn bị khởi nghiệp, các "ông chủ" thường chú trọng đến doanh thu, lợi nhuận mà quên đi vấn đề cơ bản nhất về tiếp thị (marketing). Theo PGS, TS Lê Mạnh Quân (Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), mỗi bạn trẻ cần xác định ngay 6 điểm: Chúng ta đang ở đâu? Những gì đang chờ đón chúng ta? Tham gia kinh doanh trong nền kinh tế thị trường toàn cầu có nghĩa gì? Các vị khách trong "bàn tiệc xã hội của doanh nghiệp" là những ai? Làm thế nào để phục vụ các vị khách của mình? Phấn đấu để làm gì? Trong đó yếu tố quan trọng nhất vẫn là chúng ta phấn đấu vì điều gì? (mục tiêu kinh doanh), giải mã cặn kẽ, chi tiết yếu tố này thì khởi nghiệp mới nhanh thành công. Còn theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nguyên), thanh niên nếu có ước mơ, khát vọng và tri thức thì không gì là không thể. Mỗi người đừng nghĩ là phải làm chủ lớn ngay từ đầu, mà hãy bắt đầu từ việc nhỏ, nuôi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm cuộc sống để thực hiện niềm đam mê làm giàu. Muốn khởi nghiệp thành công thì phải có 5 bước gồm niềm tin và ước mơ; xác định thế mạnh, niềm đam mê kinh doanh; kế hoạch, chiến lược kinh doanh; khả năng xây dựng mối quan hệ, kết nối nguồn lực để thực hiện kế hoạch; chuẩn bị cho sự thất bại và làm lại kế hoạch kinh doanh. Bạn Trần Thị Ngọc Hoa (sinh viên ĐH Hà Nội) cho biết, thông qua trao đổi với các chuyên gia ở chương trình giao lưu, tọa đàm trong Festival Thanh niên khởi nghiệp đã giúp bản thân và nhiều bạn khác thêm niềm tin vào bản thân để biến ước mơ khởi sự doanh nghiệp thành hiện thực trong thời gian tới.

Sáng tạo khởi nghiệp


Thực tế từ những tấm gương khởi nghiệp của các doanh nhân thành đạt, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của người đi trước, nhiều sinh viên khối kinh tế trên địa bàn TP Hà Nội đã sớm trở thành ông chủ trẻ. Lê Ngọc Chiến (SN 1990, sinh viên chuyên ngành thương mại điện tử, thuộc Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại thương Hà Nội) là tấm gương tiêu biểu với chuỗi shop thời trang nam tại Hà Nội. Nuôi ước mơ trở thành một CEO từ nhỏ cùng với sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực thời trang, cuối năm học thứ hai, Lê Ngọc Chiến đã khảo sát, thu thập thông tin và hình thành phương thức kinh doanh riêng cho mình, rồi bắt tay vào kinh doanh thời trang. Đến nay, Lê Ngọc Chiến đã làm chủ 4 shop thời trang nam, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng và tạo cơ hội làm thêm cho nhiều sinh viên khác. Lê Ngọc Hoàng (sinh viên ĐH Lao động xã hội Hà Nội) cũng sáng tạo kiểu kinh doanh "độc" - giặt quần áo thuê. Khác với dịch vụ giặt khô là hơi, Hoàng kinh doanh giặt quần áo cho sinh viên bằng máy giặt. Mỗi mẻ giặt thu phí 25.000 đồng, mỗi ngày giặt từ 4 đến 10 lượt. Nguồn thu từ dịch vụ này giúp Hoàng trang trải học hành lúc đầu và dần trở thành "ông chủ" nhỏ ở xóm trọ.

Trong những năm qua, TƯ Đoàn, TƯ Hội LHTN Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rất nhiều chương trình hỗ trợ, tư vấn việc làm, khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều sinh viên chuyên ngành kinh tế tại Hà Nội, nội dung tư vấn, định hướng khởi nghiệp vẫn ở tầm vĩ mô. Còn câu chuyện thực tiễn, mục tiêu sắp tới của họ làm khởi nghiệp thế nào, chuẩn bị những gì cho tương lai, thậm chí muốn trở thành ông chủ trẻ phải cụ thể từng nấc công việc chuẩn bị như thế nào vẫn chưa được quan tâm nhiều.

Anh Nguyễn Văn Ty, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Khánh Hòa khuyên thanh niên, sinh viên rằng, mỗi người phải hình thành thói quen xây dựng kế hoạch trong học tập, chuẩn bị hành trang cho công việc đi làm sau khi ra trường. Ví dụ trong 4 năm học ĐH, 2 năm đầu phải trau dồi ngoại ngữ, thi lấy chứng chỉ; năm thứ ba thì tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm; năm thứ tư thì tìm hiểu công việc mình sẽ làm trong công ty mình dự định xin việc… Nghĩa là mỗi sinh viên phải có kế hoạch hành động từng bước một trong khoảng thời gian nhất định và phải thực hiện bằng được. Vào làm nhân viên trước, làm tốt, hình thành mối quan hệ xã hội rộng, ắt sẽ khơi gợi, hình thành khát vọng làm chủ khi hội tụ đủ cơ hội, điều kiện và khả năng. Ví dụ như, một thanh niên muốn mở cửa hàng bánh ngọt, ngoài nguồn lực và kinh nghiệm, thì phải thông thuộc đường phố để giao bánh, nhất là cách giao tiếp bán hàng… Mỗi người cần học, chuẩn bị chu đáo từ việc nhỏ nhất cho tương lai, sáng tạo trong cách học, cách làm thì mới có cơ hội làm chủ./.