Hải Phòng: Ra mắt mô hình “Đò ngang an toàn” trong mùa mưa bão
15:15 13/09/2013 2175
3 Phong trào Web.ĐTN: Sáng 12/9, tại bến đò thôn Giông, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng phối hợp với Ban ATGT thành phố tổ chức Chương trình sơ kết triển khai mô hình “Bến đò ngang an toàn” và Tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Đ/c Nguyễn Hoàng Minh – Phó bí thư Thành đoàn Hải Phòng cùng đồng chí Nguyễn Văn Luyến – Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố trao tặng áo phao cho các chủ phương tiện chở đò |
Tới dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Minh – Phó bí thư Thành đoàn Hải Phòng; Nguyễn Văn Luyến – Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố; Nguyễn Văn Lợi – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Bảo; Trịnh Khắc Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cùng đông đảo đoàn viên thanh niên và người dân tham dự.
Tại chương trình, Thành đoàn – Ban An toàn giao thông thành phố trao quà hỗ trợ đội thanh niên tình nguyện xây dựng mô hình Bến đò ngang an toàn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo; Ra mắt đội hình TNTN tại bến đò thôn Giông, xã Hiệp Hòa; trao tặng 60 áo phao cứu sinh và dụng cụ nổi cá nhân cho đại diện các chủ phương tiện thủy chở khách trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo; Vận động chủ các phương tiện thủy ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa. Dịp này, Thành đoàn - Ban An toàn giao thông thành phố hỗ trợ Đoàn xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo 5 triệu đồng kinh phí xây dựng Nhà chờ cho khách tại bến đò thôn Giông, nhằm hỗ trợ người tham gia giao thông tại bến đò.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Tai nạn giao thông đường thủy chiếm 1% số người chết trong tất cả các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Có thể nói, số người chết vì tai nạn giao thông đường thủy không cao so với đường bộ, nhưng hậu quả của tai nạn giao thông đường thủy để lại tác động đến xã hội rất ghê gớm, tai nạn giao thông đường thủy thì thiệt hại về người và tài sản là rất lớn và tai nạn giao thông đường thủy thường gây hoang mang, lo lắng, bất an trong xã hội.
Gần đây, vụ tai nạn ở sông Sêrêpok làm 7 kĩ sư thiệt mạng do đi nhờ thuyền của một gia đình, hay vụ tai nạn xảy ra ở Quảng Trị làm chết cả 1 gia đình do dùng thuyền đánh cá. Mới đây nhất là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở vùng biển huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc ca nô bị nạn không phải là ca nô chở khách mà là ca nô công vụ của Biên phòng, ca nô này chỉ được phép chở 12 người nhưng chở tới 30 người, vượt mức cho phép.
Cả nước có hơn 80.500km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động giao thông vận tải nhưng mới quản lý được hơn 19.000km (chiếm tỉ lệ 45%) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thủy nội địa vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy, khi có tai nạn xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc”. Đặc biệt, chỉ có khoảng 10% trong số 300.000 phương tiện có công suất dưới 5 sức ngựa (là phương tiện dân sinh chủ yếu của cư dân vùng sông nước) đăng ký. Hiện nay phương tiện thủy nội địa phát triển rất mạnh so với những năm trước đây.
Từ năm 2008, thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Trung ương Đoàn phát động, tuổi trẻ Hải Phòng đã triển khai sâu rộng tới các cấp bộ Đoàn toàn thành phố với nhiều tiêu chí văn hóa thanh niên khi tham gia giao thông cụ thể.
Trong những năm qua, Thành đoàn – Ban an toàn giao thông thành phố đã có nhiều hoạt động phối hợp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của đoàn viên thanh niên và người dân khi tham gia giao thông và có nhiều mô hình thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đã ghi dấu hiệu quả rõ nét như Mô hình “Bến đò ngang an toàn” (Vĩnh Bảo, Cát Hải), Mô hình “Điểm giao cắt đường bộ- đường sắt an toàn” (Ngô Quyền, Hồng Bàng), Tuyến đường Thanh niên kiểu mẫu do Đoàn Thanh niên quản lý, “Cổng trường an toàn giao thông”; Mô hình “Tắt máy chờ tàu”, Mô hình Đoàn thanh niên phối hợp với cựu chiến binh tham gia tuyên truyền và giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại huyện Vĩnh Bảo và duy trì trên 300 đội hình thanh niên tình nguyện hướng dẫn an toàn giao thông tại tất cả các chốt điểm giao thông có đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố.
Việc triển khai đưa vào sử dụng nhà chờ đò; Trao tặng áo phao cứu sinh và hướng dẫn tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân qua lại bến đò là việc làm thiết thực của tuổi trẻ thành phố giúp người dân tránh trú trong mùa mưa bão, hạn chế những tai nạn đáng tiếc khi qua đò, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.