Hà Nội:Gắn biển tên phố mang tên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đầu tiên

11:33 27/04/2018     661

3 Phong trào   Web.ĐTN: Sáng 27/4, UBND TP.Hà Nội tổ chức lễ gắn biển tên 03 tuyến đường, phố mới trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội, trong đó có con phố mang tên đồng chí Nguyễn Lam - nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Theo quyết định số 8984/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội, sẽ 19 đường phố được đặt tên mới tại 9 quận, huyện và 5 tuyến phố tại 4 quận được điều chỉnh độ dài.

Trong đó, địa bàn quận Long Biên sẽ có 3 phố mới: Phố Nguyễn Lam dài 910m, rộng 30m (đoạn từ ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Sài Đồng tại tòa nhà N02-2 khu đô thị Sài Đồng đến đoạn cuối phố Mai Phúc); phố Đào Văn Tập dài 848m, rộng 30m (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Đoàn Khuê tại khu đô thị Vincom Riverside đến ngã ba giao cắt phố Hội Xá) và phố Mai Chí Thọ có độ dài 1.552m, rộng 48m (đoạn từ ngã tư giao cắt phố Hội Xá đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Ngô Gia Tự tại trụ sở TAND quận Long Biên).

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại về quá trình công tác cũng như những cống hiến của các đồng chí qua các thời kỳ được đặt tên cho các tuyến đường, phố mới.

Đồng chí Nguyễn Lam tên thật là Lê Hữu Vỵ, sinh năm 1921. Đồng chí xuất thân trong một gia đình nho giáo tại làng Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Năm 1937, đồng chí thoát ly gia đình, hoạt động trong phong trào Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương, tham gia vào phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Đồng chí từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và đày lên nhà tù Sơn La năm 1940. Thời gian trong tù, đồng chí được tiếp xúc với nhiều đồng chí hoạt động Cách mạng, giáo dục phẩm chất người cán bộ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943.

Khi Cách mạng tháng 8/1945 nổ ra, đồng chí tham gia chỉ đạo cướp chính quyền ở Phúc Yên, Bắc Ninh.

Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến, đồng chí được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Ninh Bình.

Trải qua nhiều chức vụ, đến tháng 6/1949, đồng chí được phân công làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam và sau đó là  Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, tổ chức ngày 23/3/1961 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục tái đắc cử vào chức vụ Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam – nay là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Năm 1962, đồng chí chuyển công tác tham gia Thành ủy Hà Nội và không lâu sau được bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội… Sau đó, đồng chí trải qua một số vị trí lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, như Bí thư Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ…

Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Lam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, góp phần to lớn trong công cuộc giáo dục và phát triển thế hệ trẻ. Đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng năm 2007.