Giao lưu trực tuyến: Giúp thanh niên tự tạo việc làm

09:34 11/12/2014     1137

3 Phong trào   Chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề Giúp thanh niên tự tạo việc làm, do Ban điều hành đề án: Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015 của T.Ư Đoàn (Đề án 103 T.Ư Đoàn) phối hợp với Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức trên báo điện tử Thanh Niên Online tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn sẽ diễn ra lúc 14 giờ 30 phút chiều 9.12.
Nội dung giao lưu
* Tôi rất ngạc nhiên khi biết, viên nén mùn cưa của các bạn hiện đã được xuất khẩu, cụ thể là những thị trường nào thế bạn Hưng? Bạn nhận định tương lai ngành này ra sao?
Vương Công Thành(Hà Nội)
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): (cười) Hiện tại, viên nén mùn cưa của nhà mình được xuất nhiều nhất vào thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Đức. Họ sử dụng chủ yếu cho lò sưởi, lò hơi trong các ngành công nghiệp nhẹ.

Về tiềm năng thì theo công bố của thế giới, khoảng 30 năm nữa, sản lượng than sẽ giảm về mức thấp. Tôi vẫn nói với công nhân rằng: "Khi nào trồng cây lúa mà có bát cơm ăn ngay, không qua quá trình đun nấu thì mình mới hết việc". Nghĩa là, ngành này còn rất nhiều tiềm năng. Với thị trường đang xuất khẩu hiện nay, mình chưa thể phục vụ tối đa các đơn hàng mà phía đối tác yêu cầu.
* Mình ở Sơn La, hiện có rất nhiều lõi ngô, vỏ cà phê được thải ra môi trường sau mỗi vụ thu hoạch. Những nguyên liệu này có thể ép được thành viên nén dự trữ đun nấu lâu dài hay không? Mong Hưng chia sẻ!
Thành Tâm(Sơn La)
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): Khi sản xuất ra máy ép mùn cưa, nhà mình đã thử nghiệm trên rất nhiều loại nguyên liệu như rơm dạ, vỏ trấu, lõi ngô (còn gọi là tông ngô, đõ ngô), kết quả đều ra sản phẩm tương đối đồng đều và sinh nhiệt tốt.

Sau quá trình đi tìm hiểu, mình thấy ở Sơn La có rất nhiều lõi ngô. Mình rất muốn đưa công nghệ này lên Sơn La sản xuất để có thể tận dụng nguyên liệu này để thêm nguồn sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Nếu có nhu cầu được chia sẻ kinh nghiệm, bạn gửi thông tin về email:
hunghuynguyen1987@gmail.com.
* Có bằng kỹ sư tự động hóa, thông thường nhiều người xin việc vào làm trong các doanh nghiệp, nhưng từ khi nào, bạn quyết định về quê sản xuất mùn cưa sạch?
Bế Thu Hiền(Cao Bằng)
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): Do sở thích sáng tạo và tìm tòi cái mới mà tôi đã quyết định không làm việc trong các doanh nghiệp, mặc dù cũng có một vài cơ hội.

Theo tôi, việc sáng tạo và tự lập đem lại niềm vui, thời gian dành cho gia đình. Tôi mày mò sáng tạo và đến nay đã có bước đầu thành công, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
* Qua kinh nghiệm của Trường, ngoài sự trợ giúp từ gia đình, bạn có kinh nghiệm gì để tiếp cận các nguồn vốn khác hay không?
Bạch Văn Hùng(Phú Yên)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Trước tiên, mình phải tạo dựng niềm tin đối với người cung cấp nguyên liệu, nhân công lao động trực tiếp của công ty; khẳng định sản phẩm của mình trên thị trường... Từ đó, mới tạo được uy tín để tìm đến những nguồn vốn khác như của trung tâm khuyến nông ở địa phương, ngân hàng chính sách, nguồn vốn giải quyết việc làm của Đoàn Thanh niên...

Trong sản xuất nông nghiệp, vốn đầu tư ban đầu thường không nhiều, các bạn thanh niên nếu muốn phát triển sản xuất thì nên bắt đầu từ những mô hình nhỏ, khi đủ lực thì hướng đến sản xuất ở quy mô lớn hơn, phát triển từng bước.
* Hiện tại, Hưng có chế độ, chính sách gì hỗ trợ và liên kết với các bạn trẻ chuyển giao công nghệ sản xuất viên nén mùn cưa hay không, mong cho biết thông tin chi tiết?
Phan Quốc Trị(Thái Bình)
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên):

Đối với sản xuất viên nén mùn cưa, bên mình có chính sách như: chuyển giao công nghệ hoàn toàn, có thể cùng nhau đối ứng vốn tỷ lệ 50/50. Mình cũng có chính sách bán hàng theo phương thức trả tiền chậm, hoặc đổi bằng sản phẩm sản xuất ra để thu hồi vốn. 

Với những chính sách này, mình đã chuyển giao công nghệ ở rất nhiều tỉnh Thái Nguyên, Bình Dương, Phú Thọ, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai... Nếu có nhu cầu liên hệ, mời bạn gọi đến số máy 0912.725.968.
* Theo Hưng, niềm đam mê và sự sáng tạo chiếm bao nhiêu phần trăm trong thành công mà bạn đang có hiện nay?
Vũ Văn Quyết(Bắc Giang)
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên):

Đam mê và sáng tạo chiếm một phần rất lớn từ lúc mình hình thành ý tưởng khởi nghiệp đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, chiếm khoảng 50 - 80% trong thành công của mình hiện tại. Ví dụ, mình biết sản phẩm của mình trên thị trường chưa có và đã đầu tư hoàn toàn vốn và thời gian để thử nghiệm và đi tìm hiểu thị trường cho sản phẩm. Cộng thêm sự ủng hộ, luôn tạo điều kiện của gia đình đã giúp mình có được thành công như hôm nay.
* Xin tiến sĩ Minh cho biết, yếu tố sáng tạo có vai trò quan trọng ảnh hưởng thế nào đối với quá trình tự tạo việc làm, khởi nghiệp?
Trần Soát(Quảng Ngãi)
- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia Kinh tế lao động: Cách đây chưa lâu, tôi đi công tác ở một số huyện ở Nghệ An. Mà nói đến Nghệ An, người ta hay nói đến miến lươn, cháo lươn, có người còn gọi là (lươn cháo) (cười) vì lươn nhiều hơn cháo, cực ngon!

Các cụ mình nói "thân lươn đâu quản lấm đầu (bùn)". Thế mà ở đấy, người ta dám sáng tạo nuôi lươn trong bể lát đá men kính, sản lượng và chất lượng lươn rất cao, thu bộn tiền! Vì vậy theo tôi, để kinh doanh thành công thì không chỉ đi theo những vết xe cũ, sản phẩm cũ, những dịch vụ cũ, mà cần phải có óc sáng tạo. Thế giới này phát triển được là nhờ óc sáng tạo.
* Tôi thấy thanh niên vay vốn chủ yếu từ ngân hàng chính sách trong khi các ngân hàng thương mại có nhiều chính sách tín dụng vay vốn ưu đãi. Vậy có cách nào để Đoàn đứng ra bảo lãnh cho thanh niên vay vốn từ các ngân hàng thương mại hay không?
Nguyễn Thu Hòa, 31 (Đắk Lắk)
- Ông Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn: Theo Nghị định số 41/2010 - CP/NĐ của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng thương mại cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn có thể cho vay bằng tín chấp.

Điều 21 của Nghị định này cũng quy định, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tín chấp để đảm bảo cho một số đối tượng khách hàng tại địa bàn nông thôn được vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy định. Như vậy, tổ chức Đoàn thanh niên cấp xã, phường, quận, huyện có thể đứng ra tín chấp cho thanh niên của mình được vay vốn để sản xuất kinh doanh và tạo việc làm.  
* Xin chào tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, mong bác đưa ra dự đoán trong khoảng 5 năm nữa, ngành nghề nào vẫn có lợi thế để lựa chọn đầu tư. Mong tiến sĩ tư vấn một vài ngành nghề cụ thể?
Kiều Văn Hà (Quảng Nam)
- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia Kinh tế lao động: Xin chào bạn! Tôi xin nói rằng, lĩnh vực tự tạo việc làm, đặc biệt đối với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, còn tồn tại khá lâu dài. Và vì vậy, rất nhiều ngành, nghề trong lĩnh vực này đều có thể đóng góp sản phẩm cho xã hội và thu hút lao động.

Có thể kể các ngành nghề đó như sửa chữa nhỏ (cơ khí, điện, điện tử, nhà cửa...), ăn uống nhỏ, làm đẹp (cắt uốn tóc, nhuộm tóc, sơn sửa móng tay...), giao thông vận tải thô sơ, đánh máy vi tính, photocopy.

Bạn quê ở Quảng Nam, có thành phố Hội An nổi tiếng, thì dịch vụ du lịch ở đấy còn phát triển lâu dài (các sản phẩm lưu niệm, hướng dẫn du lịch, nhà trọ...). Tóm lại, bạn có rất nhiều sự lựa chọn để đầu tư tự tạo việc làm cho mình và cho các bạn khác.
* Các chính sách tự tạo việc làm hiện tại ưu tiên nhiều cho đối tượng thanh niên nông thôn. Tôi ở khu vực thành thị, có nhu cầu khởi nghiệp bằng các dịch vụ, vậy các chính sách cho vay vốn với các trường hợp như tôi cụ thể ra sao?
Triệu Thị Hoa(Thanh Xuân, Hà Nội)
- Ông Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn: Chương trình cho vay để phát triển kinh tế - xã hội dành cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, không phân biệt ở thành thị hay nông thôn. Nếu bạn, gia đình bạn thuộc diện được vay ưu đãi thì liên hệ với chính quyền địa phương, xã, phường để được hướng dẫn.

Ngoài ra, hiện nay có một số chương trình của Chính phủ cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nông thôn. Đây là chính sách đặc thù theo vùng, bạn không ở nông thôn thì không được thụ hưởng chương trình này. Các chương trình cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, bạn có thể tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn. Bạn nên tiếp cận các ngân hàng để tìm hiểu. Nếu thấy gói tín dụng nào đó phù hợp, bạn có thể vay vốn tại ngân hàng đó.
* Để tự tạo việc làm cho bản thân là chuyện không dễ dàng, để tự tạo việc làm thành công thì mong các chuyên gia cho biết có những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ? Xin cảm ơn!
Lò Văn Tiến(Điện Biên)
- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia Kinh tế Lao động: Để tạo lập doanh nghiệp, cần phải có tiền (vốn), trang thiết bị, có kiến thức và kỹ năng liên quan đến công việc mình định làm. Đã kinh doanh về một mặt hàng nào đó, bạn phải có kiến thức về thị trường, về khách hàng, về quá trình sản xuất, về cách quản lý, nguồn vốn hỗ trợ. Bạn lại phải có kỹ năng liên quan đến kỹ thuật.

Ví dụ, mở cửa hàng may quần áo, phải có kiến thức về khâu vá; sản xuất đồ mộc thì phải hiểu về các loại gỗ, thiết bị gia công gỗ; mở xưởng sửa chữa cơ khí, phải có kiến thức về kim loại, thiết bị gia công kim loại, cơ điện... Bạn cần nhớ một nguyên tắc rất cơ bản: hãy kinh doanh cái xã hội đang cần, không kinh doanh cái mình đang có (nếu xã hội không cần hoặc chưa cần).
* Xin ông Hà Văn Chung cho biết, hiện nay Trung ương Đoàn đang có những nguồn vốn, chính sách cụ thể ra sao mà thanh niên có thể vay được để tự tạo việc làm?
Lê Thị Hải,(Thanh Hóa)
Ông Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn: Hiện nay, Trung ương Đoàn chỉ có một nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm mà thanh niên thường gọi là vốn 120. Do nguồn vốn ít nên Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn dành nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất của thanh niên, hạn chế tối đa cho vay theo hộ, nhóm hộ.

Như vậy, cho vay với cơ sở sản xuất phải có dự án, phải có vốn thế chấp và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ủy quyền cho Bí thư các tỉnh thành Đoàn quyết định những dự án có vốn vay dưới 100 triệu đồng. Còn trên 100 - 500 triệu đồng thì Ban Bí thư quyết định cho từng dự án.

Mục đích của nguồn vốn này là tạo được việc làm có thu nhập ổn định cho thanh niên. Vì vậy, dự án nào tạo được thêm việc làm thì đều có khả năng được vay vốn. Tuy nhiên, vì là dự án cho vay đối với cơ sở sản xuất nên phải có tiền thế chấp, do vậy, các tỉnh thành Đoàn cần phải chọn lựa, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất thanh niên về nhu cầu vay vốn lập các dự án theo mẫu. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được xem xét và duyệt vay vốn.

Thực tế, trong những năm qua, nguồn vốn 120 này tuy rất cần thiết đối với thanh niên, nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn để tình trạng vốn nợ đọng; vốn thu hồi mà không có dự án cho vay. Theo tôi, cần phải chuẩn bị các dự án tốt, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội để chuẩn bị các bước thẩm định, giải ngân cho kịp thời.
* Mình ở thành phố Nam Định, quê hương mình chưa có sản phẩm bánh sữa. Trong trường hợp mình muốn liên hệ mở đại lý thì điều kiện cụ thể ra sao?
Nguyễn Hoàng Quỳnh(Hải Hậu, Nam Định)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Xin mời bạn cung cấp email, số điện thoại để mình gửi bảng giá cho bạn. Sau đó, sẽ có nhân viên của công ty mình đến trực tiếp tư vấn cho bạn. Số điện thoại của mình là 0989 055 919, bạn liên lạc với mình sẽ được trả lời cụ thể hơn. Xin cảm ơn bạn!
* Rút kinh nghiệm từ chính bản thân anh Trường, để thanh niên có được nền tảng tốt, ngoài nỗ lực bản thân, họ nên được hỗ trợ cụ thể ra sao?
Nguyễn Khánh(Lào Cai)

- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Thanh niên rất cần được hỗ trợ về vốn và cần có tổ chức đứng ra hỗ trợ, định hướng tốt. Thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng cần được tiếp xúc kịp thời với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Nhà nước và cụ thể ở địa phương. Đặc biệt, các bạn thanh niên rất cần được tiếp xúc với các nguồn vốn ưu đãi từ các cơ quan, ban ngành có liên quan.

 

* Chào anh Hưng, em là sinh viên mới tốt nghiệp hiện chưa xin được việc. Theo anh, em có nên về quê làm kinh tế nông nghiệp theo niềm đam mê hay kiên trì chờ đợi xin việc theo chuyên môn được đào tạo. Mong anh tư vấn giúp em?
Vi Huyền Thương(Phú Thọ)

- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): Chào bạn, nếu bạn về quê làm kinh tế nông nghiệp theo niềm đam mê thì bạn đã định hướng được cho bản thân là bạn lập nghiệp ở lĩnh vực nào chưa? Tiềm năng sản phẩm của bạn trên thị trường ra sao? Khi bạn đã trả lời được những câu hỏi đó, bạn nên làm thử với quy mô nhỏ xem mức độ khó khăn ra sao.

Quá trình thử nghiệm này có thể làm song song với công việc bạn đang làm, hoặc cũng có thể bạn dồn tâm huyết vào nó. Việc thử nghiệm là một khâu rất quan trọng và kết quả sẽ chứng minh qua việc sản phẩm của bạn có được thị trường chấp nhận như bạn mong muốn hay không. Từ kết quả của việc thử nghiệm trên, bạn có thể quyết định xem có nên về quê để phát triển kinh tế nông nghiệp hay ở lại thành phố lớn để chờ xin việc.

* Chào bác Minh, cháu đang định lựa chọn ngành công nghệ thông tin hoặc tài chính ngân hàng. Theo dự đoán của bác, trong 5 năm tới, cháu nên chọn ngành nào. Mong bác tư vấn giúp cháu. Cháu cảm ơn bác!
Vũ Đức Thạch(Tiền Giang)
- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia Kinh tế lao động:

Gần đây có sự hoang mang đối với các bạn học về tài chính ngân hàng, vì một số bạn tốt nghiệp ngành này chưa tìm được việc làm. Một số không ít ngân hàng phải cơ cấu lại nên có hiện tượng dôi dư lao động. Thật ra, các bạn có chuyên ngành tài chính ngân hàng giỏi vẫn có việc làm thu nhập cao.

Cần khẳng định rằng, hoạt động tài chính ngân hàng là mạch máu của cơ thể kinh tế. Tuy nhiên, nếu cháu giỏi và đam mê cả công nghệ thông tin và tài chính ngân hàng, thì tôi khuyên nên đi vào công nghệ thông tin. Bởi vì, nhiều nhà quản lý đã nhận định công nghệ thông tin là "hạ tầng của hạ tầng". Dự báo từ nay đến 2020, chúng ta có thể cần 70.000 - 80.000 người được đào tạo về lĩnh vực này.
* Được biết anh Trường hiện là Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vậy anh đang có chương trình gì hỗ trợ thanh niên và người dân phát triển kinh tế không?
Đinh Thị Minh(Phú Thọ)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Tôi tạo việc làm thường xuyên, ổn định để thu hút thanh niên tại địa phương gắn bó với doanh nghiệp lâu dài; đảm bảo chế độ lương, thưởng cho công nhân của công ty, mà trong đó, chủ yếu là thanh niên địa phương; đầu tư vốn để thanh niên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật; hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho bà con nông dân và các mô hình trang trại bò sữa của thanh niên địa phương, nhằm ổn định và phát triển mức thu nhập cho bà con nông dân và thanh niên địa phương.

Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên giúp thành lập các quỹ động viên thanh niên trong việc học tập để khuyến khích các bạn trẻ ở địa phương tích cực hơn trong học tập.
* Đối với các dự án nông nghiệp rủi ro lớn, khó vay vốn từ ngân hàng. Trong mô hình của Trường, các điều kiện tự nhiên địa phương được sử dụng ra sao để hỗ trợ bạn?
Dương Bích Hợp(Quảng Bình)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Nguồn nguyên liệu sữa trắng Ba Vì vốn là đặc sản nổi tiếng của địa phương chúng tôi nên việc tạo dựng, phát triển nguồn nguyên liệu thuận lợi.

Thứ hai là mô hình kinh tế liên kết giữa bà con nông dân chăn nuôi bò sữa với doanh nghiệp sản xuất chế biến sữa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại địa phương.

Thứ ba là khi khởi nghiệp kinh doanh, bản thân có nguồn vốn tự có, sẵn đất mở xưởng nên việc vay vốn cũng không mấy khó khăn khi có các điều kiện đảm bảo.

Thứ tư nữa là ở địa phương, nguồn nhân công giá rẻ cũng rất dồi dào...

Các điều kiện tự nhiên thuận lợi ấy đã giúp mình thành công rất nhiều.
* Khi vay vốn từ ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, nhưng đa số thanh niên còn sống phụ thuộc vào gia đình. Trường hợp của tôi mới tách hộ khẩu ra ở riêng, không thể có tài sản để thế chấp thì có thể vay vốn từ Đoàn thanh niên niên được không và thủ tục vay vốn ra sao?
Lê Minh Quang(Cần Thơ)
- Ông Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn: Các chương trình vay vốn ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý hầu hết là cho vay theo hộ gia đình và không phải thế chấp tài sản tiền vay. Tuy nhiên, những món vay này là nhỏ, số lượng ít.

Thanh niên muốn vay để sản xuất kinh doanh, nếu không thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tôi khuyên bạn nên tiếp cận các nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, một số ngân hàng thương mại có nhiều gói sản phẩm cho vay không phải thế chấp, dưới 50 triệu đồng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho vay đến 50 triệu đồng không phải thế chấp, triển khai ở khá nhiều vùng nông thôn, nông nghiệp. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng đang triển khai gói tín dụng này. Bạn nên tiếp cận với các chi nhánh của các ngân hàng này tại địa phương để được vay vốn.
* Chào tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, quan sát từ thực tế, tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ hiện vẫn có nhận thức khá mơ hồ và chưa có ý thức quyết tâm tự tạo việc làm. Tiến sĩ có dịp làm việc, tiếp xúc với người trẻ, không biết nhận xét này của tôi có đúng không, mong ông chia sẻ quan điểm?
(Nguyễn Bích Hạnh(Long An)
- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia Kinh tế lao động: Chào bạn Hạnh! Bạn nhận xét đúng đấy. Chúng ta đã trải qua một thời gian bao cấp khá lâu và một thời gian khá dài người ta chỉ quen với 2 thành phần kinh tế: quốc doanh và tập thể. Không ít người chỉ muốn đi làm công ăn lương, bởi vì công việc được ổn định, thu nhập cũng ổn định, ít rủi ro, tương lai chắc chắn (ít nhất là có lương hưu và một số đãi ngộ bảo hiểm xã hội khác). Trong khi đó, nếu tự tạo việc làm thì tương lai không chắc chắn, nhiều rủi ro, quan hệ hành chính rắc rối, giờ làm việc không cố định, trách nhiệm lớn.

Nhưng hiện nay, tình hình đã khác, với sự trợ giúp nhiều mặt của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, về tài chính, về kế hoạch và đầu tư cũng như sự năng động trong định hướng nghề nghiệp và việc làm của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều thanh niên trên mọi miền đất nước đã mạnh dạn tự tạo việc làm cho mình và cho người khác.

Tôi mới đi làm việc ở một số huyện của tỉnh Nghệ An (Đô Lương, Nam Đàn, Tương Dương), các bạn thanh niên ở đó đã đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... đều thành công rất tốt đẹp.
* Có khi nào thất bại, khó khăn trong công việc khiến Trường nghĩ tới bỏ cuộc chưa? Theo Trường, làm thế nào để duy trì quyết tâm và giữ vững ý chí khi khởi nghiệp?
Nguyễn Thu Huyền(Vĩnh Long)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Có lúc thất bại cũng nản nhưng theo mình, việc kinh doanh như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi thảm hại nên lại cố gắng, quyết tâm làm cho bằng được.

Mỗi lần thất bại hay khó khăn, mình đều rút ra kinh nghiệm quý cho bản thân. Điều quan trọng là suy nghĩ thật kỹ để tìm ra được hướng đi đúng.
* Khởi nghiệp từ khi tay trắng cả về vốn và kỹ thuật sản xuất, Trường có lời khuyên gì cho các bạn trẻ để tránh được khó khăn, rủi ro khi thiếu những điều kiện này?
Vi Văn Thành(Kiên Giang)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Các bạn nên đầu tư có trọng điểm và cần tiến hành từng bước thận trọng, vững chắc nhằm thăm dò thị trường và khẳng định thương hiệu của sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi và không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Khi không nắm trong tay kỹ thuật, tôi đã thuê những người có chuyên môn về làm việc cho mình. Như vậy, sản phẩm bán ra sẽ có chất lượng tốt hơn, đúng quy trình vệ sinh, kỹ thuật..., đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy, cần phải có chế độ đãi ngộ tốt với những nhân lực có kiến thức này, như vậy mới đảm bảo phát triển bền vững.
* Trong điều kiện, số tiền được vay vốn cho thanh niên hiện nay chỉ khoảng vài chục triệu đồng thì nên chọn các mô hình khởi nghiệp nào cho hiệu quả?
Nguyễn Tài (Bình Dương)
- Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn:

Đây là câu hỏi rất lý thú nhưng cũng rất khó. Với số tiền như vậy, bạn phải là người chủ động tìm hiểu và xác định nên làm việc gì, làm như thế nào bởi chỉ có bạn mới hiểu khả năng của mình, thế mạnh của mình, các điều kiện tại địa phương địa bàn mà bạn đang sinh sống và muốn khởi nghiệp.

Theo tôi, bạn nên xác định với một nguồn vốn vài chục triệu đồng, bạn thấy làm gì sẽ có hiệu quả nhất, làm gì mình có thể làm được, làm gì để tránh được rủi ro mất vốn. Sản phẩm bạn định làm ra có trở thành hàng hóa hay không, có được xã hội tiếp nhận hay không và các ngành nghề đó có phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương hay không ? Nếu bạn làm việc đó thì cần được trợ giúp những gì? Ai sẽ là người giúp đỡ và giúp đỡ được bao nhiêu? Việc đó mình được chủ động tối đa là bao nhiêu? Nếu bạn xác định được việc đó đem lại lợi ích và bản thân tự tin thì chắc chắn sẽ thành công.
* Hoàn cảnh của mình hiện giờ giống Trường. Đang có công việc ở doanh nghiệp tư nhân rất ổn, lương khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng mình đang muốn tách ra mở xưởng chế biến chè. Mong bạn cho mình vài lời khuyên, đặc biệt là những khó khăn sẽ đối mặt khi chuyển nghề mới.
Bùi Mạnh Hà(Thái Nguyên)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Trước hết bạn cần tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nhất là ở thị trường xuất khẩu ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể về quy mô xưởng bạn định lập để từ đó xác định được nguồn vốn cần đầu tư cho cơ sở vật chất, nhà xưởng. Sau đấy, tìm hiểu kỹ về kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu của sản phẩm. Rất khó có thể nói chi tiết qua đây, nếu thực sự bạn quan tâm, bạn có thể liên hệ trực tiếp với mình qua số điện thoại: 0989 055 919. Mình luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bạn.
* Thưa ông Chung, thanh niên khuyến tật nếu vay vốn khởi nghiệp thì được hưởng chính sách ưu đãi ra sao?
Nguyễn Mạnh Hảo(Thái Bình)
- Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn: 

Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhưng người khuyết tật tự tạo việc làm tham gia các cơ sở sản xuất để tạo ra sản phẩm xã hội và góp phần tăng thu nhập cho bản thân.

Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đang triển khai chương trình cho vay với các cơ sở sản xuất của những người khuyết tật với lãi suất ưu đãi thấp hơn cả cho vay lãi suất các hộ nghèo. Mục đích nhằm khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất thu nhận những người khuyết tật vào làm việc.

Bản thân những thanh niên khuyết tật Đảng và Nhà nước cũng khuyến khích họ học tập, tự tạo việc làm và được hưởng một chế độ chính sách vay vốn ưu đãi để khởi nghiệp. Tùy theo các dự án hoặc chương trình cụ thể, thanh niên khuyết tật được vay vốn ưu đãi ở những mức độ khác nhau. Bạn có thể liên hệ với các cơ sở của ngành LĐ-TB-XH để được tư vấn, hướng dẫn lập các phương án để được hưởng các chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước.
* Nếu so sánh với các nguyên liệu đun nấu khác như than đá, củi thì viên nén mùn cưa có ưu điểm, hạn chế ra sao?
Trần Thị Nga(Nghệ An)
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): Nếu so sánh với các nhiên liệu khác như than đá, củi thì nguyên liệu làm ra viên nén hoàn toàn là tự nhiên và được tận dụng từ phế thải, trong quá trình tạo viên chỉ có áp lực và nhiệt độ, không có hóa chất độc hại, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thân thiện với môi trường; chi phí đun nấu giảm rõ rệt, tiết kiệm thời gian đun nấu cho người sử dụng.

Về hạn chế thì do nhiệt lượng của viên nén ở mức trung bình nên không thể sử dụng trong các nghành công nghiệp nặng. Còn trong việc đun nấu hàng ngày thì bếp đun viên nén mùn cưa không có chế độ ủ nhiệt như các sản phẩm khác.
* Mong được các chuyên gia tư vấn, những phẩm chất gì là cần thiết nhiết khi khởi nghiệp, bởi ai cũng sợ thất bại, không phải ai có gan cũng có thể làm giàu?
Nguyễn Quang Trung(Thừa Thiên Huế)

- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh: chuyên gia Kinh tế lao động:

Tôi nói gọn là có 8 phẩm chất cụ thể như sau:
N= Năng động
S= Sức khỏe
M= Mục tiêu
T= Tự tin
Đ= Đổi mới
C= Chấp nhận (rủi ro)
K= Kiên nhẫn
Y= Ý tưởng

* Có ước mơ thi đại học nhưng khi trượt đại học, Trường tự tạo việc làm cho mình ra sao để có được thành công như ngày hôm nay?
Hoàng Hoa Trung(TP.Hồ Chí Minh)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Khi trượt đại học, mình nghĩ đây không phải là cách duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Điều quan trọng là mình cần có một cái nghề để tự nuôi sống bản thân, vì đã trưởng thành, không thể phụ thuộc mãi vào bố mẹ về kinh tế. Vì vậy, mình đã đi học nghề.

Sau khi có bằng nghề, mình đã kiếm được công việc khá ổn định với mức lương tàm tạm. Trong quá trình làm việc, mình luôn là nhân viên được đánh giá có năng lực tốt, doanh số bán hàng cao. Đây cũng là bước đệm cho mình nhiều kinh nghiệm, vốn sống lẫn sự tự tin để có được thành công như hôm nay. 
* Cháu tốt nghiệp ngành kế toán nhưng hiện tại thì đang làm công việc không liên quan đến chuyên môn, bán hàng tạp hóa để giải quyết việc làm trước mắt và học thêm nghề làm bánh, tương lai cháu muốn mở tiệm bánh. Mong bác tư vấn, ngay từ bây giờ, cháu nên chuẩn bị ra sao?
Nguyễn Thị Hải(Đông Anh, Hà Nội)

- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia Kinh tế lao động:

Ở Hà Nội có hiệu bánh Thu Hương, tôi nghe nói họ đã nhượng quyền thương hiệu (Franchise) với trị giá hàng triệu đô la Mỹ. Bánh ngọt của cửa hàng này rất ngon, thu hút nhiều khách hàng. Nếu cháu ham mê nghề làm bánh và muốn mở tiệm làm bánh đương nhiên việc đầu tiên là phải học nghề làm bánh.

Rồi khi mở nhà hàng, cháu cần phải trả lời các câu hỏi: khách hàng của mình là ai, họ cần cái gì, họ cần lúc nào, tại sao họ mua bánh của mình. Rồi trở lại các vấn đề như tôi đã nói: vốn ở đâu ra, dùng máy móc thiết bị gì, tuyển lao động từ đâu, có cần phải đào tạo họ không. Rồi các hiểu biếu khác của người kinh doanh về quản lý tài chính, tổ chức sản xuất, về quản lý cửa hàng, về quản lý lao động. Chúc cháu sẽ thành công!

* Theo anh Trường, những yếu tố nào đã giúp anh thành công trong mô hình kinh tế anh gây dựng trong gần 10 năm qua?
Vũ Thu Nga(Quảng Ninh)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì:

Bản thân tôi có hứng thú với lĩnh vực kinh doanh, phát triển  kinh tế gia đình, muốn giới thiệu đến khách hàng gần xa sản phẩm bò sữa quê mình. Từ đó, tôi luôn dành thời gian quan sát, tìm hiểu nhu cầu thị trường, khai thác, phát huy những thế mạnh sẵn có của bản thân và địa phương, tận dụng các nguồn vốn ưu đãi.

Đặc biệt, yếu tố giúp tôi thành công, tôi nghĩ đó là sự mạnh dạn, có quyết tâm cao để đạt được ước mơ của mình, khi gặp khó khăn càng cần phải cố gắng, vì nản chí là thất bại.

Trong quá trình sản xuất, từ khi mới hình thành công ty cho đến bây giờ, mình luôn là người phải nắm rõ mọi hoạt động của công ty, dây chuyền sản xuất, trực tiếp giải quyết các thắc mắc của khách hàng một cách thỏa đáng nhất.
Tôi được biết Trung ương Đoàn hiện quản lý hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng sao thanh niên vẫn “khát vốn”, như vậy điều kiện cho vay còn quá khắt khe, chưa phù hợp?
Nguyễn Mạnh, 34 (Tiền Giang)
Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn: Hiện nay, Đoàn thanh niên đang nhận ủy thác của ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số dư gần 14.000 tỉ đồng. Số tiền này, là Đoàn đứng ra nhận ủy thác cho vay trên địa bàn dân cư được chính quyền địa phương giao cho quản lý. Chương trình cho vay này thuộc tất cả các đối tượng, không phải chỉ dành cho thanh niên. Hiện, Đoàn chỉ quản lý và cho vay trực tiếp được gần 70 tỉ đồng thuộc nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm. Với nguồn vốn như vậy, bình quân mỗi tỉnh chỉ có khoảng trên 1 tỉ đồng. Trong cuộc làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, từ 2015 sẽ tăng nguồn vốn này cho T.Ư Đoàn. Hy vọng, sẽ đáp ứng một phần yêu cầu của các bạn.
* Xin chào bác Minh, cháu đang là kĩ sư giám sát xây dựng, lương 15 triệu đồng/tháng nhưng công việc thường xuyên xa gia đình. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cháu cũng thích nghề kinh doanh, dự định là kinh doanh các hàng vật liệu xây dựng. Mức thu nhập hiện tại của cháu so với đồng nghiệp không thấp nhưng để quyết định chuyển nghề của cháu không dựa vào cảm tính, dễ gặp thất bại. Cháu nên chuẩn bị ra sao, mong được bác tư vấn và cho vài lời khuyên! Kính chúc bác mạnh khỏe.
Lục Văn Hào(Kim Bảng, Hà Nam)

 - Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh: chuyên gia Kinh tế lao động:

Tôi rất hoan nghênh ý tưởng của bạn. Ở thành TP.HCM, có một bạn tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở nước ngoài về, có việc làm, lương không thua bạn. Nhưng nay, bạn ấy mở một chuỗi nhà hàng bán đậu hũ (tào phớ), thu nhập hơn hẳn tiền lương nhưng cái hay nhất là thỏa mãn niềm đam mê kinh doanh của mình. Bạn là kĩ sư giám sát xây dựng mà định kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xâu dựng thì quá hợp. Để thành công, tôi nghĩ phải chuẩn bị mấy vấn đề sau đây: Kiến thức, về thị trường, về khách hàng, về cách quản lý; kĩ năng, quá trình sản xuất vật liệu xây dựng vận chuyển kho bãi; hiểu biết về tài chính, về tổ chức lao động, về lãnh đạo.

* Bạn Hưng đã bao giờ gặp thất bại trong quá trình tự tạo việc làm với nghề sản xuất viên nén mùn cưa chưa? Nếu có, bạn tìm cách vượt qua thất bại ra sao để có ngày hôm nay?
Hoàng Nam(Hà Tĩnh)
Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương (xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên): Tôi đã từng trải qua thất bại nhiều lần. Khi đã có định hướng đúng đắn về sản phẩm thì thất bại sẽ giúp tôi có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Nếu chỉ vì đôi ba lần thất bại mà đã nản chí thì rất khó có cơ hội thành công. Thất bại có thể là gốc rễ của sự thành công.

Sau những lần vấp váp như vậy, sự động viên của gia đình là rất quan trọng. Kiên trì trong các lần thử nghiệm, mặc dù quá trình thử nghiệm rất lâu và chi phí không nhỏ, nhưng tôi không chịu bỏ cuộc, vì tôi nhận thấy rõ sản phẩm có tiềm năng sử dụng rất lớn, nhất là trên thị trường lại chưa có sản phẩm cùng loại. Tôi đã cố gắng vượt qua mọi áp lực để cho ra được sản phẩm hoàn thiện như ngày hôm nay
* Anh có lời khuyên gì với những người tự tạo việc làm trong ngành nông nghiệp vì luôn có độ rủi ro rất lớn? (Trần Văn Bích, 35 tuổi, Thanh Hóa)
Trần Văn Bích(Thanh Hóa)
- Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn:

Khi bước vào kinh doanh hay tạo việc làm, ở mọi lĩnh vực đều có những rủi ro. Đúng như bạn nói, đối với ngành nông nghiệp thì rủi ro tương đối cao. Ngoài phụ thuộc vào công nghệ, kỹ thuật còn phụ thuộc vào thời tiết và các điều kiện tự nhiên. Chính vì vậy, khi muốn tạo việc làm hay kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bạn phải nắm chắc được những điều kiện, đặc điểm của tình hình địa phương. Sản phẩm của nông nghiệp, sự tiêu thụ sản phẩm cũng như cách quản lý bảo quản, chế biến sau thu hoạch, bạn phải nắm được quy hoạch phát triển kinh tế vùng của địa phương hiện tại và tương lai để xác định cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Bạn phải có thông tin về sản phẩm được địa phương và nhà nước khuyến khích; đồng thời cũng phải tìm hiểu rất kỹ về khoa học công nghệ, kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.
* Trước khi chuyển qua làm nghề bánh sữa, anh là nhân viên kinh doanh có doanh số hàng tháng rất cao, thu nhập tốt nhưng bỏ tất cả để chuyển qua làm bánh sữa? Quyết định này khi ấy có mạo hiểm không?
Thanh Hà(Sơn La)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Thực ra là mạo hiểm vì bản thân tôi kinh nghiệm kinh doanh chưa nhiều, thiếu vốn, chưa kể vấn đề chất lượng nguồn nguyên liệu sữa và đầu ra sản phẩm... Do đó, mình vừa làm vừa lo, cũng nhiều đêm trăn trở, loay hoay tìm hướng đi phù hợp. Rất may mình nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình nên vượt qua được nhiều khó khăn.
* Mình được biết Trường từng trượt đại học, làm nghề lái xe tải và cơ duyên nào đưa Trường đến với nghề làm bánh sữa?
Khánh Bình(Cao Bằng)

- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội LHTN xã Tản Lĩnh ( huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Chính trong thời gian đi lái xe tải, bán hàng cho một doanh nghiệp, mình nhận thấy sản phẩm bánh sữa được nhiều người yêu thích nhưng mới chỉ được giới thiệu và bày bán ở một vài điểm du lịch, chưa được giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết đến. 

Lúc đó, nhà cậu mình có 1, 2 lò sản xuất thủ công sản phẩm bánh sữa, mình đã lấy đem đi bán thử, thấy có khả năng mở rộng thị trường nên mình đã xin nghỉ việc tại doanh nghiệp về mở cơ sở sản xuất bánh sữa. Trong khi đó, sữa tươi ở huyện Ba Vì, quê hương mình đã nổi tiếng từ lâu, bà con chăn nuôi bò nhiều nên nguồn nguyên liệu dồi dào. Đấy cũng là một trong những yếu tố giúp mình đi đến quyết định mở cơ sở sản xuất bánh sữa và có được thành công như hiện nay.

 

* Thưa thầy Nguyễn Lê Minh, để có kế hoạch tự tạo việc làm thành công mỗi bạn trẻ cần có chuẩn bị những điều kiện ra sao, mong thầy tư vấn?
Triệu Thị Lý(Cao Bằng)

- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh: chuyên gia Kinh tế lao động:

Để có thể thành công như bạn mong muốn, đầu tiên bạn phải có ý tưởng (có một định nghĩa rất hay: doanh nghiệp là một ý tưởng. Bạn định làm cái gì, làm như thế nào, làm khi nào, ai làm (những người cộng tác). Và lưu ý cả 3 yếu tố tôi luôn nhấn mạnh: vốn, công nghệ và lao động. Ngoài ra, bạn phải cố rèn luyện cho được các phẩm chất: năng động, tự tin, đổi mới, chấp nhận rủi ro và cuối cùng có sức khỏe tốt.

* Tôi hiện có 100 triệu đồng, đang có dự án đầu mở cửa hàng bán nông sản sạch nhưng đang phân vân khi có lời mời hợp tác theo nhóm từ bạn bè. Chọn khởi nghiệp cá nhân hay làm theo nhóm sẽ có ưu điểm, hạn chế ra sao, xin các chuyên gia tư vấn chi tiết?
Nguyễn Văn Vọng(Nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội)
- Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn:

Việc sản xuất kinh doanh muốn có hiệu quả thì bản thân bạn phải hiểu được khả năng điều kiện sẵn có của mình có thể làm được cái gì. Dự án hay ý tưởng kinh doanh phải được tính đến hiệu quả. Nếu bản thân bạn có trình độ hiểu biết, có năng lực quản lý thì có thể một mình thực hiện. Tự tạo việc làm có nhiều thuận lợi và có trách nhiệm tối đa về việc bỏ đồng vốn của mình vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tổ chức làm theo nhóm cũng có thuận lợi là phát huy sức mạnh tập thể, bổ sung cho nhau những nhược điểm chưa có.

Việc khuyên bạn tự tạo việc làm hay làm theo nhóm, tùy thuộc vào khả năng cũng như đoàn kết sát cánh của bạn với các bạn trong nhóm. Nếu làm với quy mô lớn, yêu cầu vốn nhiều, kỹ thuật cao thì hoạt động theo nhóm có hiệu quả hơn. Còn nếu dự án nhỏ, thì bản thân mình thực hiện dự án tốt hơn.
* Để tự tạo việc làm và khởi nghiệp thành công, theo Trường, các bạn trẻ cần chuẩn bị những điều kiện gì?
Nguyễn Văn Dũng(Hải Dương)
- Đào Công Trường, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần bánh sữa Ba Vì: Các bạn trẻ cần cố gắng để học tập, nắm trong tay bằng cấp để trong quá trình làm việc, nếu nhận thấy lợi thế để phát triển công ty riêng, lúc đó đã có sẵn kiến thức về ngoại ngữ, tin học. Điều này sẽ giúp cho việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, thông qua công nghệ thông tin. 

Bản thân tôi gặp rất nhiều khó khăn khi không được học đại học, bị hổng kiến thức về tin học, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, theo tôi, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần phải chuẩn bị các điều kiện sau:

Thứ nhất, xác định khả năng, sở trường của bản thân hứng thú với lĩnh vực kinh doanh, làm kinh tế nào. Từ đó dành thời gian quan sát, tìm hiểu nhu cầu thị trường, kinh nghiệm thị trường, biết khai thác phát huy những thế mạnh sẵn có của bản thân và địa phương, tận dụng các nguồn vốn ưu đãi.

Thứ hai là để thành công, các bạn cần mạnh dạn, có quyết tâm cao để đạt được ước mơ của mình.
* Có nhiều người nghĩ tự tạo việc làm, khởi nghiệp phải có đầy đủ các điều kiện, vốn đủ lớn, quan hệ rộng, xác định chiến lược lâu dài…Nhưng để chờ đợi đầy đủ thì rất khó. Theo các chuyên gia nên chọn thời điểm khởi nghiệp ra sao cho phù hợp?
Vũ Ngọc Tâm( Lai Châu)

- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh: chuyên gia Kinh tế lao động:

Những điều bạn nói đều đúng, nhưng thực tiễn chứng minh rằng có 3 điều cốt tử là: vốn, công nghệ và lao động. Vốn là bao nhiêu lại phụ thuộc vào công nghệ (hiện đại hay thô sơ). Vốn khởi nghiệp ban đầu có thể do tiết kiệm của cá nhân, huy động sự đóng góp của người thân, bạn bè và cuối cùng là vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Theo kinh nghiệm của tôi, lúc mới khởi nghiệp người ta thường chọn công nghệ giản đơn để từ đó có thể chủ động về nguồn vốn (mèo nhỏ bắt chuột con). Rồi từ đó, cơ sở phát triển dần, có thể thay đổi cả quy mô, lẫn trình độ công nghệ. Tất nhiên, không thể quên yếu tố lao động (phù hợp về số lượng và chất lượng). Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý với bạn rằng, để thực hiện được những điều trên, người khởi nghiệp cần có 4 tố chất cơ bản: sự tò mò, lòng tự tin, sự dũng cảm, tính kiên trì. Chúc bạn thành công!

* Xin hỏi bạn Đào Công Trường, khi bạn tự tạo việc làm bằng mở cơ sở chế biến và sản xuất bánh sữa, bạn được gia đình giúp đỡ những gì?
Văn Trúc(Bắc Kạn)
- Đào Công Trường: Ban đầu, bố mẹ và em gái đã lắng nghe trình bày ý tưởng kinh doanh, kế hoạch và ước mơ khi bắt đầu mở cơ sở bánh sữa. Mọi người vừa động viên, ủng hộ vừa làm cùng và cùng góp ý tưởng với mình. Thời gian đầu, do làm thủ công nên việc gói bánh hoàn toàn bằng tay, năng suất thấp. Cả gia đình có hôm phải thức đến 2 giờ đêm để hỗ trợ mình gói bánh. 

Bên cạnh đó, trong gia đình mình cũng có người thân từng sản xuất bánh sữa nên mình được hỗ trợ chút ít về kỹ thuật, máy móc.  
* Nguồn vốn vay trực tiếp cho thanh niên hiện còn ít do Ngân hàng chính sách xã hội chỉ triển khai thông qua hộ gia đình vay. Thanh niên có nhu cầu vay vốn cần có tài sản thế chấp hoặc hoạch định được kế hoạch phát triển kinh tế của mình để đảm bảo yêu cầu cho vay của ngân hàng và hiện nay mức vay tối đa? Như vậy đồng nghĩa với thanh niên chưa xây dựng gia đình, sống chung với bố mẹ có kế hoạch, dự án khởi nghiệp khả thi không đủ điều kiện vay vốn?
Nguyễn Vĩnh(Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn:

Đúng như bạn nói, ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và hầu hết cho vay hộ gia đình. Thanh niên muốn được vay vốn thì được gia đình ủy quyền đứng tên hộ cho vay. Hiện nay số tiền cho vay tối đa là 50 triệu đồng, đối với cho vay sản xuất kinh doanh. Vay giải quyết việc làm là 20 triệu đồng/việc làm. Hiện một số ngân hàng thương mại đang cho vay không đảm bảo tiền vay theo Nghị định sô 41/2010-NĐ/CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn. Đối tượng vay là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng nông thôn, cá nhân, chủ trang trại, các HTX...cho vay đến 50 triệu đồng. Có thể cho vay tối đa 200 triệu đồng đối với hộ kinh doanh sản xuất ngành nghề hoặc dịch vụ nông nghiệp nông thôn. Cho vay tối đa đến 500 triệu đồng, đối với các đối tượng là HTX, chủ trang trại. Rất mong các bạn thanh niên có nhu cầu vốn đề sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận với ngân hàng thương mại (ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn).

T.Ư Đoàn đang phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên việt triển khai thí điểm tại Hà Nội gói tín dụng cho thanh niên vay lập nghiệp không phải đảm bảo tiền vay, từ 10-50 triệu đồng do các tổ chức đoàn đứng ra tín chấp. Trong năm 2015, dự kiến sẽ triển khai tiếp tại một số tỉnh trên địa bàn cả nước. Nếu vay với số tiền trên 50 triệu đồng, ngân hàng vẫn cho thanh niên vay, song phải có tài sản thế chấp.  
* Chọn ý tưởng tự tạo việc làm là vấn đề rất khó, vậy ý tưởng sản xuất viên nén mùn cưa đến với Hưng trong hoàn cảnh ra sao, liệu có may mắn không?
Đỗ Trung(Hưng Yên)
Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hưng Phương: Tôi xuất thân từ gia đình nông thôn, phế phẩm từ nghành nông nghiệp như rơm, rạ, trấu và chế biến lâm nghiệp như mùn cưa, thải ra môi trường rất nhiều, điều đó đã thúc đẩy tôi làm sao tận dụng triệt để những phế phẩm thải loại ra môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Qua tìm hiểu, tôi thấy viên nén mùn cưa và bếp đun viên nén mùn cưa là một sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có trên thị trường. Từ đó, chúng tôi quyết định nghiên cứu và thử nghiệm thành công hai sản phẩm này. Với tôi, may mắn chỉ là số nhỏ, vì định hướng về sản phẩm và quyết tâm cho ra sản phẩm tối ưu mới chính là lý do giúp tôi thành công.
* Đoàn thanh niên có chương trình gì hỗ trợ thanh niên xuất khẩu lao động hay không. Nếu có, mong anh Chung cho biết thông tin liên hệ và có thể liên hệ ở đâu?
Bế Thu Nga(Thái Nguyên)
- Anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn:
Về chương trình cho vay xuất khẩu lao động, Nhà nước có một chương trình riêng tạo điều kiện cho các thanh niên của hộ nghèo, các gia đình chính sách được vay với lãi suất ưu đãi để đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt, với các huyện nghèo có chế độ ưu đãi về đào tạo cho thanh niên trước khi đi lao động. Hiện nay, Đoàn Thanh niên chưa có nguồn vốn riêng cho thanh niên đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở các cơ sở Đoàn có nhiều cách làm, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu cho thanh niên đi lao động theo ngành nghề phù hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức học tập, học nghề và học ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng của người đi lao động ở nước ngoài. Có một số nơi, có giúp nhau về nguồn vốn, tạo điều kiện cho thanh niên được đi lao động. Riêng đối với thanh niên thuộc diện hộ nghèo, hộ dân tộc, ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đến mức gần như tối đa số tiền để học tập, vé máy bay và các chi phí cần thiết. Để nắm được thông tin, bạn có thể liên hệ với các tỉnh, thành Đoàn để được tư vấn về thị trương lao động, cũng như ngành nghề và nước bạn muốn đến.
* Thanh niên ở vùng miền núi vùng sâu vùng xa hiện rất khó khăn trong tự tạo việc làm vì không có vốn. Muốn nuôi trâu, bò thì tiền giống ban đầu cũng cơ trên 10 triệu mỗi con, chính sách vay vốn dành cho đối tượng vùng miền núi dân tộc có cơ chế hỗ trợ đặc biệt gì không? (Khang A Chua, 28 tuổi, Mù Cang Chải, Yên Bái)
Khang A Chua(Mù Cang Chải, Yên Bái)
- Ông Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn:

Về cơ chế vay vốn cho các hộ dân tộc miền núi, Đảng và Nhà nước có cơ chế cho vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, vay đối với hộ nghèo tối đa 50 triệu đồng. Ngoài ra, vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ cho các hộ dân tộc vùng thiểu số của các huyện nghèo được vay vốn thêm 10 triệu đồng, với lãi suất bằng 50% của cho vay hộ nghèo để mua giống, cây giống con giống, các vật tư phục vụ sản xuất...
Ngoài ra còn có chương trình cho vay giải quyết việc làm, có thể cho vay tới 20 triệu đồng để giải quyết việc làm. Đây là những nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ với lãi suất ưu đãi. Còn các ngân hàng thương mại đang thực hiện cho vay phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn có thể vay đến 50 triệu đồng, không phải đảm bảo tiền vay. Còn nếu vay trên 50 triệu đồng thì phải có tài sản thế chấp.
* Khi mới tốt nghiệp và tự tạo việc làm, chắc hẳn Hưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bạn tìm cách vượt qua nó ra sao?
Đỗ Văn Mạnh(Hà Nội )
- Nguyễn Huy Hưng, Chủ cơ sở sản xuất bếp và mùn cưa sạch Hương Phương: Trong lúc mới khởi nghiệp, chắc hẳn ai cũng gặp những khó khăn, nhưng bằng lòng quyết tâm và kiên trì, mình đã cố gắng vượt qua, cộng thêm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè.