Giải pháp để Đoàn tham gia hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới

08:48 12/06/2018     3101

3 Phong trào   Web.ĐTN: Chiều ngày 11/6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức toạ đàm Đánh giá kết quả 5 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới". Chủ trì toạ đàm có Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Duy Việt - nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; cùng đại diện Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Viện Nghiên cứu Thanh niên.

Cán bộ Đoàn là cán bộ vận động thanh niên

Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị mà trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội có vị trí quan trọng.

Công tác thanh vận là một bộ phận quan trọng của công tác dân vận của Đảng và phải được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Vận động thanh niên trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng với gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Đồng thời, phải đặt công tác vận động thanh niên trong mối quan hệ hữu cơ với công tác vận động các tầng lớp nhân dân khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


u
Quang cảnh tọa đàm


Công tác vận động thanh niên cần được tiến hành trên các quan điểm chỉ đạo đối với công tác dân vận của Đảng, phải nhận thấy rõ động lực thúc đẩy của phong trào thanh niên là đáp ứng thiết thực lợi ích của thanh niên; kết hợp hài hòa, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ thanh niên. Cán bộ Đoàn là cán bộ vận động thanh niên (bộ phận quan trọng của công tác dân vận) cần rèn luyện phẩm chất của cán bộ dân vận của Đảng.

Trong những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia đóng góp chung cho công tác dân vận thông qua việc nâng cao nhận thức cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên về vai trò, vị trí của công tác dân vận trong tình hình mới; tuyên truyền vận động để đoàn viên, thanh niên hiểu và góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng trong công tác dân vận trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đổi mới phương thức vận động đoàn viên, thanh niên gắn với tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tổ chức cơ sở Đoàn, Hội, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống về phương thức, kỹ năng, nội dung và hình thức sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu nhi. Mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, phát huy sức mạnh to lớn của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những giải pháp cho Đoàn

Để đánh giá kết quả 5 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 25 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tại tọa đàm, các đại biểu, các chuyên gia đã tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến nhằm đánh giá về vị trí, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay; về kết quả tham gia công tác dân vận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thời gian qua; cũng như đề xuất các giải pháp để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thịnh - Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương cho rằng, để đánh giá Nghị quyết 25-NQ/TW, Đoàn Thanh niên cần có những đánh giá thêm về việc sử dụng lực lượng trí thức trẻ, nếu sử dụng tốt trí thức trẻ thì tổ chức Đoàn, Hội mạnh hơn. Bởi trí thức trẻ là những người có trí tuệ, nắm bắt nhanh cái mới, thích mạo hiểu, có nhiều sáng tạo và tích hợp được đầy đủ các yếu tố của thời đại mới sẽ đáp ứng tốt yêu cầu đang đặt ra.


Đồng chí Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội


Khẳng định thêm những kết quả của Nghị quyết 25-NQ/TW đạt được, đồng chí Thịnh cũng cho rằng, Đoàn là đội dự hội bị tin cậy của Đảng và được Đảng quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết vai trò khả năng của mình. Theo đó, Đoàn, Hội phải quan tâm đến những lợi ích chính đáng của thanh niên hiện giới trẻ đang quan tâm, như: có việc làm, học tập, giải trí ... nếu chưa đáp ứng được điều này thì sẽ dẫn đến một bộ phận thanh niên dễ sa vào tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm gia tăng.

“Đoàn, Hội cần vào cuộc để giáo dục họ thông qua mạng xã hội, tuyên truyền giáo dục để họ có được nhân cách tốt, lấy cái tốt và loại cái xấu. Để làm được điều này cần có sự lãnh đạo của Đảng một cách trực tiếp và toàn diện”.

Với tổ chức Đoàn Thanh niên, chỉ Việt Nam và một số nước mới có, đây là nét rất đặc trưng riêng biệt, còn tổ chức Hội thanh niên ở nước khác cũng có nên cần vận dụng những thế mạnh của tổ chức Hội nước này vào tổ chức Hội LHTN Việt Nam để phát huy vai trò thanh niên hơn nữa.

Đồng chí Thịnh cũng lưu ý, cần khẳng định được vai trò của tổ chức Đoàn là nòng cốt, là hạt nhân cho tổ chức Hội, nhưng Đoàn không làm thay Hội. “Hội LHTN Việt Nam với Hội thanh niên nước ngoài chưa có sự phối hợp nhiều nhằm tạo điều kiện cho thanh niên được giao lưu, học hỏi và hội nhập, đồng thời lam hạn chế tính cá nhân và tăng tính tập thể trong thanh niên Việt Nam nói chung”, đồng chí Thịnh mong muốn.

Tham gia ý kiến đánh giá cũng như những đề xuất với tọa đàm, đồng chí Nguyễn  Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, việc đổi mới công tác dân vận thời điểm tới có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, cần đổi mới phương thức hoạt động của các cấp Đoàn, Hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi; giải quyết những nhu cầu thiết yếu của thanh niên về việc làm, học tập, vui chơi giải trí. Công tác dân vận cần được gắn với những mô hình cụ thể, hoạt động cụ thể như kết nối, hỗ trợ giúp thanh niên nghèo trong việc học tập, bảo hiểm y tế, giải quyết việc làm...

"Qua việc giải quyết những việc khó trong nhân dân, uy tín của tổ chức Đoàn sẽ ngày càng được nâng cao, có sức lan toả rộng trong xã hội", đồng chí Hồi khẳng định. Ngoài ra, đồng chí Hồi mong muốn, Đoàn cần khẳng định được vai trò điều phối trong phối hợp giải quyết các vấn đề của thanh niên.


g
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tôn giáo, góp ý tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh đặc trưng của tổ chức Đoàn, Hội trong tập hợp các đối tượng thanh niên đã góp phần làm sâu sắc hơn về công tác dân vận của đảng.

Theo đồng chí Thanh, sức mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất lớn đến giới trẻ, nhất là công nghệ thông tin đã tạo ra những sở thích của các nhóm thanh niên khác nhau. Trong đó, nếu phát huy vai trò của văn nghệ sỹ, các nhà hoạt động xã hội trẻ... vốn là những đối tượng được thanh niên hay hướng tới nhiều nhất, họ luôn coi đó là mẫu lý tưởng, có nhiều thông điệp, phong cách ăn mặc... đã tác động nhiều đến thanh niên thông qua mạng xã hội và có sức thu hút rất lớn với các bạn trẻ trong các hoạt động ở cộng đồng. Cho nên “nếu giáo dục thanh niên mà chỉ sử dụng các trang báo chí chính thống sẽ hạn chế hơn nhiều so với trang mạng xã hội hiện nay đang có”, đồng chí Thanh nhấn mạnh.

Để có căn cứ đánh giá Nghị quyết 25-NQ/TW, đồng chí Thanh nêu thực tế, tập hợp thanh niên trong tình hình mới, nhất là thanh niên trong vùng giáo, có tôn giáo mới thì những người đi đầu tiên không phải người già, mà là những người có tri thức và đa số là học sinh sinh viên và lao động trẻ tham gia.

“Để tập hợp được họ, tổ chức Đoàn, Hội cần phối hợp với tổ chức đoàn trong tôn giáo để vận động theo đối tượng, lứa tuổi hướng họ tham gia các hoạt động chiến dịch hè tình nguyện, văn hóa văn nghệ... nhằm hạn chế mặt tiêu cực; đồng thời, thông qua tổ chức hợp pháp của tôn giáo để tuyên truyền định hướng phù hợp với các bạn trẻ đưa họ đến với hoạt động của Đoàn, Hội đã xác định mục tiêu”, đồng chí Thanh đề xuất giải pháp.

Cũng tại tọa đàm, các ý kiến phát biểu còn cho rằng, báo cáo cần đánh giá được việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành về công tác dân vận đối với thanh niên. Cụ thể, báo cáo phải làm rõ được các vấn đề như: niềm tin của thanh niên với Đảng như thế nào? Cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước đã phát huy được sức mạnh của tuổi trẻ chưa? Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo tác động tới thanh niên như thế nào? Đầu tư của Nhà nước có tạo môi trường tốt cho thanh niên hay chưa?…


u
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết luận tọa đàm


Phát biểu kết luận tọa đàm, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những ý kiến của đại biểu là rất cơ bản và bổ ích. Trung ương Đoàn xin tiếp thu và sẽ khảo sát lại từng nội dung mà thanh niên tham gia vào việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW để đánh giá mức độ đạt được và đưa ra giải pháp. Việc đánh giá nên tiếp cận ở góc độ rộng hơn là từ thanh niên chứ không phải từ tổ chức Đoàn, để tránh những kiến nghị, giải pháp chỉ mang tính “khu trú” ở tổ chức Đoàn, sẽ không có giá trị nhiều để Đảng quan tâm, chỉ đạo.

“Các đề xuất, kiến nghị phải có giá trị cho đất nước, cho Đảng, cho Nhà nước chứ không chăm chăm vào chuyện của tổ chức Đoàn. Các kiến nghị phải cao hơn, tầm cỡ hơn, để Đảng có thể nghiên cứu, chỉ đạo trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đối với những hạn chế, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị vừa chỉ ra tồn tại và nguyên nhân chủ quan của tổ chức Đoàn, cũng như đánh giá được bối cảnh chung, tính khách quan. Điều này thể hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của Đoàn trong việc tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền. Qua đó, các đề xuất, giải pháp mới sẽ phát huy quần chúng nói chung, thanh niên nói riêng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 có hiệu quả. Đồng thời, có giá trị, tầm cỡ để Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo trong thời gian tới.