Đối thoại Thanh niên: "Xây dựng chính sách phát triển Thanh niên Việt Nam"
19:00 14/03/2017 3832
3 Phong trào Web.ĐTN: Sáng ngày 14/3, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia (UBQG) về thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại “Xây dựng chính sách phát triển thanh niên Việt Nam”. Đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã được thông tin về tình hình thực hiện pháp luật, chính sách phát triển thanh niên hiện nay, trong đó, tập trung vào các nội dung, như: Thể chế và quản lý nhà nước về thanh niên; thực trạng về giáo dục và đào tạo, về lao động, sức khỏe và chăm sóc sức khỏe thanh niên Việt Nam; sự tham gia của thanh niên trong xây dựng và thực thi chính sách công; xây dựng môi trường lành mạnh cho thanh niên…
Quang cảnh hội nghị |
Theo Tiến sĩ Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho rằng, việc đánh giá bước đầu thực trạng giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên cho thấy một số hạn chế, cụ thể như: về giáo dục đào tạo, có sự khác biệt trong tiếp cận cơ hội giáo dục giữa các vùng, các nhóm dân tộc đặt ra vấn đề cần xây dựng và hoàn thiện, thực hiện hiệu quả các chính sách, đầu tư tài chính đảm bảo thanh niên vị thành niên có thể tiếp cận đến các cơ hội ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục vẫn chưa đáp ứng được với sự phát triển toàn diện năng lực bản thân của thanh niên, đặc biệt là trong đào tạo về kỹ năng sống, kỹ năng mềm để thanh niên có thể phát triển độc lập. Về giải quyết việc làm cho thanh niên hiện nay còn mất cân đối trong cơ cấu dạy nghề, việc định hướng nghề nghiệp chưa tốt, chất lượng dạy nghề và cung cấp mô hình đào tạo nghề cần phù hợp với nhu cầu thực tiễn hơn. Thực tế hiện nay, dân số đang không ngừng gia tăng nhưng cơ cấu lao động lại chưa chuyển dịch kịp thời, nhất là ở vùng nông thôn, vì vậy cần có hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm cho thanh niên nông thôn, tạo ra các cơ hội việc làm mới.
Bên cạnh đó, chất lượng của lực lượng lao động cũng là một vấn đề cần được cải thiện và cần có chính sách điều chỉnh phù hợp để tăng chất lượng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn năng lực của thị trường trong thời kỳ hội nhập. Một số chương trình hỗ trợ giúp thanh niên phát triển thể chất để bắt kịp với các nước khác và những chính sách can thiệp nhằm làm giảm hành vi nguy cơ thanh niên tiếp xúc với các chất kích thích, giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản trong thanh niên cũng đang được tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện.
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị |
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Đăng Minh, Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong lịch sử phát triển nhân khẩu của đất nước. Vì vậy, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tiềm lực của đất nước. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều hoạt động trong việc quản lý thanh niên và công tác thanh niên, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên thành chính sách, chiến lược, chương trình hành động và cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành nhằm đảm bảo cho thanh niên được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Trao đổi với buổi đối thoại, Tiến sĩ Dương Quang Tung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kế hoạch - Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, nêu ý kiến, chính sách phát triển thanh niên mà cụ thể ở đây là Luật Thanh niên năm 2005 vẫn chưa thực sự đi vào đời sống, còn tồn tại nhiều hạn chế.
Tiến sĩ Tung cũng nhấn mạnh về mục đích, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật Thanh niên cần có sự điều chỉnh: “Trước hết cần xác định rõ, mục đích của việc ban hành luật này là nhằm tạo môi trường thể chế, hành lang pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh, ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Do đó, không nên hiểu luật này là để ràng buộc trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà thực chất là để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy được năng lực, trí tuệ, khát vọng của tuổi trẻ để vươn lên trong cuộc sống” .
Theo Tiến sĩ Dương Quang Tung, phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên 2005 không nên bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của thanh niên, mà chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội đối với thanh niên và trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó, Tiến sĩ Tung đề xuất tên gọi của Luật nên sửa đổi cho chính xác hơn, nên đổi tên thành Luật Phát triển thanh niên để thể hiện chính xác hơn mục đích, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật này |
Đồng ý kiến với Tiến sĩ Dương Quang Tung, Tiến sĩ Đặng Xuân Phương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy Ban thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trước những yêu cầu mới để phát triển nguồn nhân lực trẻ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng đề ra, việc nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là một nhiệm vụ quan trọng cần sớm được đẩy nhanh.
Để sửa đổi, hoàn thiện các chính sách cơ bản đối với thanh niên trong tình hình mới, theo Tiến sĩ Đặng Xuân Phương có 02 yêu cầu chính đặt ra, đó là: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện nội dung các chính sách cơ bản đối với thanh niên trong Luật Tthanh niên năm 2015;
Hai là, bổ sung, hoàn thiện các chính sách mới, cụ thể hơn nữa đối với một số nhóm thanh niên đặc thù để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình kinh tế - xã hội có những biến đổi lớn. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phương cũng bày tỏ quan điểm, cần tiếp tục luật hóa những quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
“Trong quá trình sửa đổi Luật Thanh niên, cần làm rõ hơn những đặc thù về phạm vi quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của thanh niên so với các lớp người khác trong xã hội, để thanh niên hiểu rõ hơn và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam trao đổi với hội nghị |
Thay mặt UBQG về thanh niên Việt Nam, đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam đã trao đổi ý kiến với buổi đối thoại, đồng chí cho biết, Thanh niên là một đối tượng đặc thù, chính sách về thanh niên phải xoay quanh việc bồi dưỡng, phát huy thanh niên, trong đó phải quan tâm tạo điều kiện để thanh niên được học tập, lao động, sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính sách thanh niên là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chiến lược và có tầm quan trọng đòi hỏi việc đặt ra vấn đề phải xây dựng làm sao để có một văn bản Luật về thanh niên tốt nhất. Vì vậy, xây dựng văn bản về Luật hay chính sách phát triển thanh niên đều cần xác định tiền đề định hướng chính sách, từ đó sẽ có căn cứ để bắt đầu quy trình xây dựng luật.
Đồng chí Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, trong tên gọi của Luật hoặc chính sách thanh niên có thể có cụm từ “phát triển” hoặc không, nhưng ý nghĩa tích hợp của nó vẫn là vì thanh niên, với mục đích phát triển thanh niên và là chính sách của thanh niên, do thanh niên xây dựng nên.
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải cũng ghi nhận và hoan nghênh những ý kiến tham góp tại buổi đối thoại, “UBQG về thanh niên Việt Nam sẽ tiếp thu và nghiên cứu để có thể dựa trên những ý chí, mong muốn, nguyện vọng của các đại biểu để xây dựng, hoàn thiện các chính sách, các Luật dành cho thanh niên” – đồng chí Nguyễn Long Hải nói.