Đối thoại thanh niên: "Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội"

16:38 29/03/2016     3512

3 Phong trào   Web.ĐTN: Sáng 29/3, tại Hà Nội, UBQG về Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình đối thoại thanh niên (Số 01) “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội”.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về thanh niên Việt Nam, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Long Hải-  Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam; Ngô Văn Quý - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương và đông đảo học sinh các trường THPT trên địa bàn Thủ đô.

Toàn cảnh buổi đối thoại
Toàn cảnh buổi đối thoại

Đối thoại thanh niên 01 với mục đích giúp cho những cử tri lần đầu tham gia bầu cử nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật bẩu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lựa chọn được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Cũng thông qua dịp này, các công dân- cử tri 18 tuổi được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đưa ra những mong muốn và kỳ vọng của mình với Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tại chương trình, các khách mời tham dự đối thoại đã thẳng thắn, cởi mở cung cấp tới các bạn học sinh những kiến thức về Quốc hội, đại biểu Quốc hội, quy trình bầu cử, những vấn đề liên quan khác. Các bạn trẻ cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình về bầu cử Quốc hội thông qua những câu hỏi tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính: Tìm hiểu về Quốc hội và đại biểu Quốc hội; mong muốn, kỳ vọng của cử tri trẻ đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội Khóa XIV; đề xuất của cử tri trẻ về phát huy vai trò của người trẻ trong tham gia xây dựng Quốc hội. 

Mong muốn được hiểu hơn về vai trò của thanh niên trong bầu cử Quốc hội, bạn Minh Đức- Học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Thưa bác Nguyễn Thiện Nhân, bác có suy nghĩ như thế nào về việc thanh niên hiện nay có thể làm gì cho bầu cử Quốc hội?” 

đồng chí
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia cung cấp những kiến thức cơ bản về bầu cử đại biểu Quốc hội cho thanh niên

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia chia sẻ: “Chúng ta đã nghe những câu chuyện của những thanh niên trước đây khi đủ 18 tuổi, được quyền bầu cử Quốc hội nhưng không biết bầu cho ai nên nhờ cha mẹ bầu cử hộ. Vậy theo các bạn, đối với bầu cử Quốc hội thì những người từ tuổi 18-30 tuổi ý kiến của họ có quan trọng không? Tôi xin trả lời thế này, tuổi trẻ cả nước hiện chiếm 24,4% dân số. Trong số đó có 12% đi bầu là thanh niên, chỉ cần chênh lệch 1% thôi cũng đủ dẫn tới việc đại biểu đó trúng hay trượt đại biểu Quốc hội, vì vậy mỗi lá phiếu của tuổi trẻ góp phần rất quan trọng trong việc quyết định chất lượng của việc bầu cử, lựa chọn người đó có xứng đáng là đại biểu quốc hội hay không”.

Băn khoăn về quyền bầu cử của cử tri, bạn Vân Anh (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến: “Cháu thấy trước đây, nhiều gia đình hay cử một thành viên đại diện cho cả gia đình mình đi bỏ phiếu bầu cử, vậy trong lần bầu cử tới thì cháu hoặc một thành viên trong gia đình có được đại diện đi bầu cử hay không?”

Với câu hỏi của Vân Anh, đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Khi ở tuổi 18, chúng ta đã trưởng thành và được phép đưa ra quyết định của mình. Pháp luật quy định bầu trực tiếp bằng hình thức bỏ phiếu kín, nếu không thực hiện đúng là đang vi phạm pháp luật. Ngoài ra, sau khi bỏ phiếu cho đại biểu thì mình có quyền với đại biểu đó, cử tri là người nắm quyền lực chính trị của đất nước, vậy thì các bạn trẻ đừng bỏ qua cơ hội làm chủ quyền lợi chính trị của mình. Đi bầu cử là lợi ích, nghĩa vụ và quyền lợi cho mình. Ngoài ra, nếu chúng ta đi bầu thay, có đơn kiện tụng, công cuộc bầu cử sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, tổn hại đến nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, chúng ta hãy trực tiếp cầm phiếu đi bầu và là những người tiên phong tuyên truyền với việc này với mọi người”.

Phát huy vai trò của người trẻ trong tham gia xây dựng Quốc hội

Trước thực trạng giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, bạn Vinh Nam (quận Ba Đình, Hà Nội) đặt câu hỏi với tiến sĩ Đoàn Hương: “Hiện nay có nhiều bạn thanh niên ở lứa tuổi cháu rất ít quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội của đất nước cũng như các hoạt động Quốc hội, cô có suy nghĩ như thế nào và đưa ra giải pháp gì để khắc phục thực trạng này?”.

Đồng tình với câu hỏi của Vinh Nam, tiến sĩ Đoàn Hương cho rằng các bạn trẻ hiện nay đúng là có hơi ít quan tâm đến chính tr ị- xã hội. Chia sẻ chính câu chuyện của bản thân khi công tác nước ngoài, tiến sĩ Đoàn Hương nhấn mạnh, chúng ta may mắn được sống dưới một mái nhà chính trị ổn định, vững vàng và chúng ta cần phải giữ vững, cống hiến sức lực cho nền chính trị này. Một con người không thể thờ ơ với chính trị và hiện thực xã hội được. Ngoài vấn đề trách nhiệm của bản thân còn là nghĩa vụ của công dân đòi hỏi điều ấy. Tiến sĩ Đoàn Hương mong muốn thanh niên hôm nay không được quên trách nhiệm chính trị thời sự và xã hội của mình. Cầm lá phiếu bầu cử lựa chọn ra người đại diện xứng đáng cho mình là một điều vinh dự và đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người”.

Tiến sĩ Đoàn Hương gợi nhắc lại những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Tuổi 18 hồn quay trong gió bão” với nhắn nhủ: “Trong cuộc sống, các bạn trẻ phải bước vào một cuộc chiến đấu vì Tổ quốc, vì niềm vinh quang của đất nước. Vì vậy, các bạn hãy tranh thủ cuộc đối thoại này, để nói tất cả những điều gì mình muốn nói, thậm chí có thể đòi hỏi, yêu cầu, giao nhiệm vụ cho các đồng chí đại biểu…” .
Tiến sĩ Đoàn Hương nhắc lại những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Tuổi 18 hồn quay trong gió bão” với nhắn nhủ: “Trong cuộc sống, các bạn trẻ phải bước vào một cuộc chiến đấu vì Tổ quốc, vì niềm vinh quang của đất nước. Vì vậy, các bạn hãy tranh thủ cuộc đối thoại này, để nói tất cả những điều gì mình muốn nói, thậm chí có thể đòi hỏi, yêu cầu, giao nhiệm vụ cho các đồng chí đại biểu…” 

Dịp này, tiến sĩ Đoàn Hương cũng đề nghị cần phải tận dụng những tiện ích hiện đại của truyền thông như mạng xã hội, cần đưa những thông điệp kêu gọi thanh niên vào nền âm nhạc trẻ và cần phải nói với giới trẻ những điều vĩ đại bằng những hình thức trẻ trung.

Quan tâm đến việc trẻ hóa đại biểu Quốc hội, bạn Chu Phương Thảo đề nghị Đảng và Nhà nước phải làm thế nào để tăng số lượng đại biểu Quốc hội thanh niên?

Chia sẻ với các bạn trẻ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, người trẻ càng ngày càng phải tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước hết, để trẻ hóa đội ngũ đại biểu Quốc hội thì những người trẻ cần thực hiện tốt những công việc, trách nhiệm của mình. Trách nhiệm thể hiện ngay từ việc bầu cử để lựa chọn ra người đại diện cho mình, lãnh đạo đất nước, muốn yêu nước phải chọn ra người có tài, có đức để lãnh đạo. Lựa chọn không trúng là thiệt cho bản thân và thiệt cho đất nước. Vì thế, vai trò của tuổi trẻ là tham gia bầu cử nghiêm túc, khách quan, lựa chọn người xứng đáng và phải nêu ý kiến ủng hộ, vận động bầu cử cho những đại biểu thanh niên tốt. Ngoài ra, thanh niên cũng cần tích cực tham gia một số hoạt động phục vụ bầu cử Quốc hội để thể hiện tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ với những công việc quan trọng của đất nước. Bầu cử Quốc hội cũng chính là thể hiện tinh thần yêu nước.

Tạo cơ hội cho đại biểu trẻ

Chia sẻ về những hoạt động của Trung ương Đoàn trong việc nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của thanh niên trong các hoạt động của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: “Cách đây 5 năm, Trung ương Đoàn có khởi động lại Chương trình “Khi tôi 18” cung cấp cho các bạn thanh niên những kiến thức phổ thông cần thiết về pháp luật, về hướng nghiệp để các bạn vững vàng ở tuổi công dân. Nhưng đặc biệt quan trọng nhất là khi bước vào tuổi công dân các bạn được đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Tôi mong muốn 400 bạn trẻ hôm nay khi trở về trường hãy giải thích cho bạn bè ý nghĩa của việc đi bầu cử, mang những kiến thức hiểu biết tuyên truyền ý nghĩa khi về việc bầu cử và quan trọng nhất là cử tri trẻ nhận thức như thế nào về người đại diện cho mình, lựa chọn trong những người trẻ, ưu tú nhất, hiểu tâm tư nguyện vọng của mình nhất để thay mình lãnh đạo đất nước”.

đc
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trả lời đối thoại

Nói về những hoạt động hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội trẻ, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Đoàn Thanh niên hiện nay cũng vinh dự được giới thiệu một số ứng cử viên trẻ bao gồm các thanh niên, cán bộ Đoàn - đây là những nhân tố rất tốt nhưng kinh nghiệm chưa nhiều. Trung ương Đoàn cũng có những chương trình tập huấn hỗ trợ về tài liệu sao cho trong các chương trình tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử có thể đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu để trẻ hóa đội ngũ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị các tỉnh, thành đoàn trên cơ sở mô hình này sẽ lan rộng ở địa phương để các bạn trẻ lần đầu tiên đi bầu cử ý thức được vinh dự cũng như trách nhiệm bỏ phiếu của mình, và sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo quyền lợi cho thanh niên tốt nhất.

Tuổi 18 và trọng trách với đất nước

Tương tác với các bạn trẻ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra vấn đề: “Chúng tôi rất muốn các bạn tuổi 18 cho chúng tôi biết, đất nước Việt Nam có tương lai không? Tại sao?”
  
Bạn Vũ Minh Đức (THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình) nêu ý kiến: “Không chỉ có riêng tôi mà tất cả các bạn thanh niên ngồi đây đều thấy, đất nước Việt Nam chắc chắn có tương lai. Dân tộc ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Lòng yêu nước ấy được thể hiện từ bậc cha ông cho đến chúng cháu, những công dân đang ngồi đây đối thoại với bác. Việt Nam có tinh thần đoàn kết, đã được khẳng định trong lịch sử với công cuộc dựng nước và giữ nước”.

fjf
Các bạn trẻ hào hứng đặt câu hỏi đối thoại 


Đồng tình với ý kiến của Minh Đức, song Nguyễn Quỳnh Chi (học sinh lớp 10, THPT Nhân Chính) lại đưa ra phản biện: “Có nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, môi trường đào tạo và rèn luyện học sinh chưa tốt khi học tập tại Việt Nam, điều này đang ảnh hưởng đến cá nhân thế hệ trẻ và cả tương lai của đất nước”.
 
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, không có đất nước nào trên thế giới mà tất cả sinh viên học đại học ra đều có việc làm. Đại học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là kĩ năng, trải nghiệm. 

Cùng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, tiến sĩ Đoàn Hương nhắn nhủ tới các bạn trẻ: “Thanh niên hãy vun đắp tinh thần tự lập “Biết cứu mình, trước khi chờ người khác cứu mình”. Tự mỗi người hãy “đóng dấu” trưởng thành cho mình bằng những việc làm “đã lớn” để cống hiến và đóng góp cho xã hội”.