Cần thực hiện tốt quyền trẻ em ngay tại gia đình

21:28 19/06/2015     1903

3 Phong trào   Web.ĐTN: Dù rất yêu thương, chiều chuộng con cái, tuy nhiên việc tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em lại chưa được các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức. Hội thảo "Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và vai trò của cha mẹ" được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức sáng 18/6 nhằm tìm những giải pháp cho vấn đề này.
Gia đình là nơi an toàn nhất đối với trẻ em, là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách của trẻ em. Vì thế, việc trẻ em được nói lên ý kiến của mình, được lắng nghe và tôn trọng ngay tại gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Tiểu phẩm "Cậu chuyện về thực hiện Quyền tham gia của trẻ trong gia đình hiện nay" đến từ tỉnh Hà Nam
Tiểu phẩm "Cậu chuyện về thực hiện Quyền tham gia của trẻ trong gia đình hiện nay" đến từ tỉnh Hà Nam


Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Thị Lam Hương - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Thanh niên cho rằng, thực tế trong gia đình, còn nhiều bậc cha mẹ chưa dành thời gian chơi với con, lắng nghe con nói; phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông, bà hoặc người giúp việc... với lý do phổ biến là bận việc cơ quan, việc nhà. Từ chỗ ít hoặc không lắng nghe con, dần sẽ không hiểu con, không biết con nghĩ gì, muốn gì và làm gì, dẫn đến ít và khó chia sẻ với con và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực ở trẻ em. Thực tế như vậy đặt yêu cầu đối với các bậc cha mẹ là hãy lắng nghe trẻ em nói, tôn trọng ý kiến của trẻ em, thông tin, giải thích kịp thời đối với trẻ em. Khi cha mẹ thực hiện được những điều này là đã thực hiện tốt quyền tham gia của trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga - Phó cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho rằng, mặc dù nhận thức của cha mẹ về quyền trẻ em đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về quyền tham gia của trẻ em. Chính vì thế mà trong gia đình, việc trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định bị xem nhẹ. Sự bận rộn của cha mẹ đối với công việc xã hội cũng khiến nhiều bậc cha mẹ không có thời gian để trò chuyện, lắng nghe ý kiến, tâm sự của con em mình.

"Dù bận rộn đến mấy, mỗi ngày cha mẹ cần giành tối thiểu 30 phút để trò chuyện với con cái, lắng nghe những ý kiến, chia sẻ của các con", bà Nguyễn Thị Nga nói.

Nhấn mạnh về vai trò của gia đình trong thực hiện quyền tham gia của trẻ em, ông Trần Hướng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho rằng, để đẩy mạnh quyền tham gia của trẻ em trong gia đình thì giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, người cao tuổi và con cháu trong gia đình phải thường xuyên có sự trao đổi, chia sẻ thông tin trên cơ sở yêu thương và tôn trọng. Các bậc cha mẹ cần được truyền thông, vận động để nâng cao nhận thức và hiểu biết về các quyền trẻ em, con cái cũng có quyền tham gia, có tiếng nói vào các công việc trong gia đình, hay việc tham gia các hoạt động, khóa học phù hợp với khả năng và mong muốn của mình.

Từ thực tế ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Thu Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị chia sẻ, trong những năm qua, các cấp hội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hành cho cha mẹ và các thành viên trong gia đình về chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em, các kiến thức và kỹ năng chăm sóc và phát triển trẻ, huy động sự tham gia của trẻ trong gia đình... thông qua các mô hình, cậu lạc bộ, các nhóm cha mẹ. Điều đặc biệt là các mô hình, câu lạc bộ này huy động được khá đông các ông bố tham gia, trở thành diễn đàn để chia sẻ kiến thức, cách làm hay, có hiệu quả trong chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình.

Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm của các bậc cha mẹ, các thầy cô và cả các nhà hoạch định chính sách về thực hiện quyền trẻ em. Phải hiểu trẻ, lắng nghe trẻ nói, biết được nhu cầu của trẻ mới có thể chăm sóc và đáp ứng được những mong muốn của trẻ em. Và trước hết, ngay tại gia đình mình, các em phải được nói lên ý kiến của mình, được lắng nghe và được tôn trọng.