Lớp trẻ ngày nay sẽ làm chủ được Công nghệ thông tin

09:51 31/07/2017     2273

3 Phong trào   Web.ĐTN: Sau gần 3 ngày diễn ra sôi nổi tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 23 năm 2017 đã thành công tốt đẹp với việc chọn ra các tập thể, thí sinh xuất sắc nhất của các nội dung thi để trao giải.
Đến dự và trao giải có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Trưởng Ban tổ chức Hội thi; Tạ Văn Hạ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục TTN và nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Thanh Tuyên - Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo;  Nguyễn Thị Hà - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm phát triển KHCN và Tài năng trẻ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức hội thi; cùng đại diện Vụ giáo dục Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo các thí sinh, đoàn viên, đội viên của thành phố Bắc Ninh.

Được tổ chức từ ngày 28 đến 30/7, Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 23 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam tổ chức đã thu hút  sự tham gia của 252 thí sinh. Đây là những gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào Tin học trẻ từ các trường tiểu học, THCS và THPT của 49 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất sắc vượt qua các vòng thi  cấp tỉnh, thành phố.

g
Quang cảnh Lễ bế mạc và trao giải Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 23 năm 2017

Đến với tin học từ sự yêu thích

Thí sinh Chu Đức An - lớp 11T1 trường THPT chuyên Long An, TP Long An tham gia thi ở khối C đã cho biết, em bắt đầu được học tin học từ năm lớp 5 và em đã mày học từ học và năm đó em đã tham gia dự thi nhưng kết quả chỉ ở mức khiêm tốn. Đến năm lớp 7, khi tình cờ thấy người anh của bạn sử dụng lập trình Pascal  và em đã nhờ hướng dẫn, rồi tự mình học ngôn ngữ lập trình.

Với tính cần cù và chịu khó học tập, ngay trong năm học lớp 7 trường THCS Nhựt Tảo (TP Long An), An đã đạt giải ba cấp tỉnh; rồi lớp 8 và 9 đạt giải nhất cấp tỉnh. Nhận thấy An ham học, gia đình đã tạo điều kiện để An tham gia ôn luyện cùng các bạn ở đội tuyển khối THPT từ tháng 3/2017. Ước mơ của An khi được hỏi, “Sẽ trở thành một lập trình viên giỏi được làm việc ở Thung lũng Silicon (Mỹ)”.

Được biết, bố An mất sớm, mẹ làm nội trợ, gia đình gặp nhiều khó khăn ấy thế nhưng An đã có đến 10 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi và từ lớp 5 đến nay luôn đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.

Với Thí sinh Trương Ngọc Giang - học sinh trường THPT chuyên Bắc Giang thì đây là năm thứ hai Giang đến với Hội thi tin học toàn quốc. Học tin học từ năm lớp 8 nhưng phải đến năm lớp 9, trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Lục Ngạn, Giang mới được tham gia đội tuyển của trường và đã đạt giải nhất cấp tỉnh ở bảng B.


f
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà tặng hoa và trao giải nhất nhì ba cho các tập thể

Theo Giang, học Tin học không chỉ là giải trí mà phải có sự đam mê để sau này có thể ứng dụng nhiều vào thực tiễn và với Giang có thể thiết kế một một trò chơi phần mềm thực tế ảo là ước mơ trong tương lai mà em sẽ vươn tới.

Thí sinh Trần Thị Yến Nhi  (lớp 8E, trường THCS Mạo Khê)  và Lô Vũ Bình Minh (lớp 8C, trường THCS Mạo Khê)  là hai trong 6 em thí sinh của đội tuyển tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội thi tin học toàn quốc lần thứ 23. Đến với Hội thi, hai thí sinh sẽ giới thiệu với Ban Giám khảo phần mềm sáng sạo ở bảng D2: ”Lịch sử và Du lịch Việt Nam”.

Theo thí sinh Bình Minh, phần mềm gồm 3 phần: Lịch sử, du lịch và trò chơi có thể áp dụng trong thực tế giúp học sinh từ THCS đến THPT yêu thích môn lịch sử. Qua đó, giúp người tham gia du lịch biết đến điểm cần đến du lịch thông qua trò chơi của phần mềm.

252 thí sinh cùng đua tài

Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 23 năm nay đã thu hút sự tham gia của 252 thí sinh. Ban tổ chức đã chia các thí sinh được làm 3 bảng A, B, C tương ứng với 3 khối: tiểu học, THCS, THPT. Các thí sinh đã trải qua phần thi trắc nghiệm kiến thức cơ sở về công nghệ thông tin, tư duy suy luận logic; thi thực hành sử dụng ngôn ngữ Logo, ngôn ngữ Pascal (Free Pascal) để giải các bài toán; thí sinh dự thi sản phẩm sáng tạo phải trình bày và trả lời trực tiếp các câu hỏi, chất vấn của ban giám khảo.

Riêng hai bảng D2 (khối THCS), bảng D3 (khối THPT) dành cho các thí sinh có sản phẩm sáng tạo đã được chấm sơ khảo ở hội thi cấp tỉnh, thành phố nhưng chưa đoạt giải ở các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia. Kết quả, Ban Tổ chức Hội thi đã nhận được 111 sản phẩm sáng tạo của 22 đơn vị, trong đó có 62 sản phẩm bảng D2 (49 phần mềm, 13 sản phẩm phần cứng hoặc tích hợp); 49 sản phẩm bảng D3 (24 phần mềm, 25 sản phần phần cứng hoặc tích hợp). Ban chấm Sơ khảo đã chọn 30 sản phẩm xuất sắc nhất (bảng D2: 15 sản phẩm, bảng D3:15 sản phẩm) tham dự vòng chung khảo Hội thi toàn quốc.

Đánh giá chung về các sản phẩm sáng tạo dự thi bảng D cho thấy, số lượng sản phẩm dự thi tăng hơn năm trước 06 sản phẩm với các chủ đề đa dạng, phong phú. Các công nghệ được sử dụng trong các sản phẩm dự thi khá đa dạng và cập nhật. Các công nghệ hỗ trợ lập trình nhúng và lập trình trên các thiết bị di động theo xu hướng công nghệ hiện nay cũng được nhiều thí sinh sử dụng.

g
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn gắn Huy hiệu và trao giấy chứng nhận "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn cho các thí sinh xuất sắc

h
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà tặng hoa cho các thí sinh xuất sắc

g
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà trao giải nhất cho các thí sinh xuất sắc ở các bảng

Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm dự thi tốt, sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn cao. Chất lượng các sản phẩm tốt hơn nhiều so với các năm trước, đặc biệt là các sản phẩm nhúng lập trình trên các thiết bị di động.

Về hình thức tổ chức, đây là năm đầu tiên Hội thi không tổ chức Lễ Khai mạc, thay vào đó các thí sinh dự thi sẽ có buổi giao lưu về đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giao lưu văn hóa “Về miền quan họ” với tuổi trẻ tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2017, các thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba của Hội thi Tin học trẻ toàn quốc sẽ được lưu hồ sơ cá nhân trong Hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ Việt Nam (http://csdl.tainangviet.vn).

Theo Tiến sỹ Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giám khảo kiêm Trưởng tiểu ban B cho biết, các thí sinh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực làm bài thi, chứng tỏ có sự chuẩn bị tốt trước khi dự thi. Về trình độ chung của cả 3 bảng A, B, C và sản phẩm sáng tạo (khối D) lập trình phần mềm cứng đều có sự nâng cao và chất lượng tốt.

Kết quả, giải tập thể, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội Đà Nẵng, giải nhì thuộc về đội Hậu Giang và giải Ba thuộc về đội chủ nhà Bắc Ninh.

Ở nội dung cá nhân, Ban Tổ chức trao giải nhất bảng A cho thí sinh Nguyễn Khắc Lâm Phong (lớp 5C, Trường tiểu học Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh); nhất bảng B cho thí sinh Đặng Xuân Minh Hiếu (lớp 7/8, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng); nhất bảng C thuộc về thí sinh Hoàng Bảo Long (lớp 12T, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa); nhất bảng D3 thuộc về nhóm thí sinh Đàm Thanh Phong, Nguyễn Vĩnh Lạp, Nguyễn Dương Hoàng Sơn (Trường THPT Chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).

Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao 14 giải nhì, 24 giải ba, 60 giải khuyến khích cho các thí sinh ở các bảng thi; trao giải cho 6 thí sinh trẻ tuổi nhất; trao học bổng Vừ A Dính cho 6 thí sinh là người dân tộc thiểu số đang học tập tại vùng sâu, vùng xa đã tham dự hội thi.

Lớp trẻ sẽ làm chủ được CNTT

Sau hai ngày tổ chức triển khai nghiêm túc, Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 23, năm 2017 đã thành công tốt đẹp. Hội thi đã thực sự trở thành ngày hội giao lưu, học hỏi đầy kinh nghiệm và bổ ích giữa các thí sinh với bạn bè, với các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các anh chị phụ trách đoàn.

h
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn hy vọng "...với tính cần cù, ham học và sáng tạo, lớp trẻ ngày nay sẽ nhanh chóng nắm bắt và làm chủ được CNTT,..."

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn  - Bí thư BCH Trung ương Đoàn cho biết, thành công của Hội thi lần này, không chỉ có tại vòng chung khảo toàn quốc, mà phải được đánh giá, ghi nhận từ cơ sở. Trong số 49 tỉnh, thành phố tham gia dự thi, nhiều đơn vị đã phải vượt qua không ít khó khăn để tổ chức Hội thi các cấp và cấp tỉnh như Quảng Bình, Đắk Nông,… Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đã tiến hành đổi mới và tổ chức tốt Hội thi các cấp ở địa phương, điển hình như: TP. Hồ Chí Minh (thi sơ loại trực tuyến trước khi tổ chức thi cấp quận, huyện), Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Bình Thuận,  Ninh Thuận,… Ban Tổ chức cũng đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực của các địa phương đã chủ động phối hợp triển khai có hiệu quả Hội thi các cấp ở tỉnh, thành phố và đã tạo được phong trào học tập, ứng dụng tin học một cách rộng rãi, thu hút đông đảo đối tượng thanh, thiếu nhi tham gia.

Để phát huy kết quả và tác dụng của Hội thi, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Bí thư BCH Trung ương Đoàn mong muốn, các cấp bộ Đoàn, các cơ quan phối hợp và thanh thiếu nhi cả nước tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn thử thách, thi đua học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt và học tập, nhằm góp phần thúc đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập và phổ biến rộng rãi kiến thức tin học trong giới trẻ. Đồng chí cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, phối hợp tạo điều kiện để Hội thi Tin học trẻ tiếp tục được tổ chức hàng năm với quy mô ngày càng lớn hơn, chất lượng ngày càng được nâng cao hơn; tiếp tục quan tâm, ủng hộ và tạo mọi điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng và chăm sóc các tài năng tin học trẻ; động viên, giúp đỡ và đẩy mạnh phong trào học tập, ứng dụng CNTT trong thanh thiếu nhi nói riêng và đông đảo người dân Việt Nam nói chung.

g
Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyên Nhân Chinh trao cờ đăng cai Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 24 năm 2018 cho Bí thư Tỉnh Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Minh

“Hội thi năm nay có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, chất lượng cũng được nâng cao. Số lượng thí sinh tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay và cũng là năm có nhiều sản phẩm sáng tạo nhất (111 sản phẩm sơ khảo), 30 sản phẩm được chọn vào chung kết có tính ứng dụng cao trong cuộc sống như “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn”, “Phần mềm hỗ trợ học Hóa học tích hợp công nghệ AR trên nền tảng Android”, “Mạng xã hội học tập môn lịch sử”, “Trợ lý ảo Mia”, “Giúp em tập vẽ các con vật”, “Lịch sử du lịch Việt Nam, …”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang đặt ra yêu cầu rất cao về nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT. Hội thi Tin học trẻ sẽ là bước tạo đà nhằm kích thích, động viên đông đảo thanh thiếu nhi hăng hái tham gia học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng chí Nguyễn Anh Tuần Chúng ta tin tưởng và hy vọng, với tính cần cù, ham học và sáng tạo, lớp trẻ ngày nay sẽ nhanh chóng nắm bắt và làm chủ được CNTT, để “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

b
Trao học bổng Vừ Anh Dính cho 6 thí sinh dân tộc tham dự hội thi lần thứ 23


g
Trao giải nhì cho các thí sinh ở các bảng