Tín dụng học sinh - sinh viên: 5.000 tỷ đồng sẵn sàng cho năm học mới
08:26 01/09/2011 2713
Xây dựng Đoàn - Khác với việc những năm trước phải lo lắng “xoay” vốn cho chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, năm học 2011-2012 này, nguồn tín dụng đã được chủ động chuẩn bị sớm.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) Nguyễn Văn Lý cho biết, tiền giải ngân học kỳ I ước khoảng trên 5.000 tỷ đồng đã có trong tài khoản của Ngân hàng và sẵn sàng chuyển về địa phương khi có nhu cầu.
Sinh viên tiếp cận làm thủ tục vay vốn
Sẵn sàng giải ngân
Thưa ông, nguồn vốn cho Chương trình năm học 2011 – 2012 đã được chuẩn bị như thế nào? Việc nâng mức cho vay lên 1 triệu đồng/HSSV/tháng có gây áp lực với Ngân hàng không?
Ông Nguyễn Văn Lý: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng NHCSXH đã chủ động lo vốn sớm. Tiền giải ngân cho học kỳ I năm học này ước khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Số tiền này đã sẵn sàng trong tài khoản.
Hiện nay, hệ thống NHCSXH đang sẵn sàng giải ngân. Chúng tôi vừa tổ chức hai đợt tập huấn, tiếp đó là các đợt kiểm tra chấn chỉnh để vào đầu năm học này, mọi vấn đề về phương tiện, nhân sự đều không còn vướng mắc.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng khó có thể lường hết được nhu cầu vay vốn tới đâu. Bởi lẽ, có hai đối tượng được bổ sung vào đối tượng vay vốn ưu đãi từ năm 2010 là bộ đội xuất ngũ đi học và lao động nông thôn học nghề theo Đề án của Chính phủ. Với đối tượng lao động nông thôn học nghề thì bất cứ hộ giàu hay nghèo, miễn là học nghề theo đề án của Chính phủ nếu có nhu cầu vay thì phải giải quyết cho vay. Đó có thể là học nghề 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, trung cấp nghề và cao đẳng nghề đều được vay.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định, kể từ ngày 1/8/2011 nâng mức cho vay tín dụng HSSV từ 900.000 đồng lên 1 triệu đồng/HSSV/tháng. Như vậy HSSV được vay 10 triệu đồng trong 1 năm học. Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh từ 0,5% lên 0,65%/tháng, bằng với lãi suất của chương trình cho vay hộ nghèo. Theo chúng tôi, sự điều chỉnh này là cần thiết cho cả hai phía, vì tăng mức cho vay sẽ hỗ trợ thêm cho HSSV; còn tăng lãi suất là để giảm bớt một phần gánh nặng bù lỗ của Chính phủ. Mức tăng này là cần thiết và không ảnh hưởng đến nguồn vốn.
Thực tế trong năm học trước một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng thủ tục rườm rà thì năm nay được khắc phục như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Khi gia đình HSSV có nhu cầu, đủ tiêu chuẩn, được chính quyền xã, các trường xác nhận theo mẫu giấy quy định thì việc quyết định cho vay, giải ngân sẽ thuận lợi.
Hiện nay, mẫu giấy xác nhận chung gồm: mẫu xác nhận HSSV đang học tại các trường đã được NHCSXH và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thống nhất công bố.
Việc xác nhận đối tượng được vay vốn ưu đãi là của UBND xã và là việc làm mang tính trách nhiệm cao. Để xác định đúng đối tượng, các địa phương phải điều tra cẩn thận, đặc biệt là đối tượng HSSV thuộc hộ cận nghèo với tiêu chí mới là hộ có thu nhập chưa vượt quá 150% thu nhập của hộ nghèo; các hộ gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn… không có tiền đi học hoặc đang học nhưng có thể phải bỏ học.
Trên thực tế, việc xác định đúng đối tượng được vay vốn ưu đãi cũng rất phức tạp bởi không dễ lượng hóa được thu nhập của các hộ. Tuy nhiên, qua nhiều lần chấn chỉnh, đến nay các địa phương đã thực hiện bình xét các đối tượng một cách dân chủ, từ thôn lên. Việc bình xét được thực hiện cho từng năm một. Cơ chế này sẽ tránh trường hợp, gia đình khó khăn đột xuất một lần nhưng lại được duyệt cho vay ưu đãi trong cả 4 năm. Việc xác nhận này có thể hơi rườm rà nhưng để đảm bảo vốn đến đúng đối tượng.
Tiếp tục mở rộng đối tượng được vay vốn
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu NHCSXH phối hợp với các cơ quan liên quan thống kê, đánh giá số lượng các hộ gia đình có từ 2 con đi học trở lên nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để dự kiến nguồn vốn và bổ sung vào đối tượng cho vay. NHCSXH đã thực hiện khảo sát đối tượng này thế nào, thưa ông?
Sau hơn 3 năm triển khai, tổng dư nợ cho HSSV vay đến nay đạt 30 nghìn tỷ đồng với hơn 1,8 triệu hộ gia đình vay vốn cho hơn 2,1 triệu HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề…
Một số địa phương có dư nợ lớn là Thanh Hoá 2.300 tỷ đồng, Nghệ An 2.200 tỷ đồng; 3 địa phương có dư nợ vượt 1.000 tỷ đồng là Thái Bình, Hà Nội và Hà Tĩnh. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc có dự nợ thấp như Lai Châu chỉ 40 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lý: NHCSXH đã khảo sát xong đối tượng này. Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, hiện nay có trên 80% hộ gia đình của Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/người/năm, tương đương 800.000 đồng/người/tháng. Nếu gia đình đó có 1 con đi học ở thành phố thì chi phí chúng tôi tính tối thiểu khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, giả sử một hộ có 4 người thì tổng thu nhập cả hộ là khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Nuôi một người đi học hết 2,5 triệu đồng/tháng, thì 3 người ở nhà chỉ còn 700 nghìn đồng phục vụ chi tiêu trong tháng. Vì vậy, nếu 2 con đi học thì kể cả hộ có kinh tế khá giả cũng khó khăn.
Qua thống kê của NHCSXH, hiện có khoảng 218.000 hộ gia đình có từ 2 con đi học trở lên chưa được vay vốn, với khoảng 473.000 HSSV đang học. Khi lấy ý kiến thì gần như 100% số đối tượng được khảo sát đều mong muốn Chính phủ cho thụ hưởng chương trình này nhưng mức độ ưu đãi thấp hơn. Ví dụ như: hỗ trợ bằng một nửa mức cho vay hiện nay; hoặc cũng cho vay 1 triệu đồng/HSSV/tháng nhưng lãi suất có thể cao hơn… Chúng tôi đang tập hợp lấy ý kiến và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9/2011 vấn đề này.
“Chương trình cho vay rủi ro thấp nhất”
Hiện nhiều khoản vay trước đây đã đến kỳ trả nợ. Việc thu nợ có gặp khó khăn nào không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thu nợ và kết quả rất tốt, mỗi tháng thu nợ 150 tỷ đồng. Nợ quá hạn không phát sinh. Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền về công tác thu nợ.
Đặc biệt, chính sách liên quan đến thu hồi nợ được người dân hưởng ứng. Những hộ gia đình trả nợ trước hạn thì được giảm lãi theo cơ chế của Chính phủ và NHCSXH cũng đã có văn bản hướng dẫn. Cụ thể, nếu 1 hộ gia đình vay vốn cho con ăn học trong 4 năm, đến kỳ hạn trả hết nợ là 9 năm, nhưng đến năm thứ 5 mà gia đình HSSV này đã trả hết nợ thì được hưởng lãi suất thưởng sẽ bằng lãi suất phải trả, nghĩa là lãi suất vay vốn bằng không. Đối với hộ có điều kiện trả nợ sớm thì đây là một khoản hỗ trợ lãi suất rất lớn. Đây cũng là chính sách khuyến khích để Nhà nước sớm thu hồi vốn, qua đó tạo điều kiện cho các HSSV khác được vay vốn ưu đãi và chương trình phát triển bền vững.
Chúng tôi đánh giá chương trình Ttn dụng HSSV là chương trình cho vay rủi ro thấp nhất. Bởi lẽ đây là chương trình đầu tư nguồn nhân lực, hiệu quả lâu dài, HSSV khi được vay vốn học thành tài sẽ có khả năng trả nợ rất cao.