Tìm “thuốc” chữa chảy máu chất xám bác sĩ

15:44 13/06/2011     2007

Xây dựng Đoàn   Chưa bao giờ các bệnh viện (BV) ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở tuyến huyện và tuyến tỉnh lại chảy máu nhân lực nhiều như bây giờ.
Chưa bao giờ các bệnh viện (BV) ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở tuyến huyện và tuyến tỉnh lại chảy máu nhân lực nhiều như bây giờ.



Trong khi khu vực này lại có tỉ lệ bác sĩ/100.000 dân thấp nhất cả nước. Le lói ở một số nơi đã tìm được những cách chiêu mộ và giữ chân người tài cho mình.

BS tuyến huyện: Đừng mơ BS chính quy

Đã gần 10 năm nay, BV Đa khoa Châu Thành, Bến Tre không tuyển được BS tốt nghiệp chính quy. BS Lê Thị Duyên Thắm - GĐ BV - lo ngại, trong 5 - 7 năm tới, khi một lớp BS đến tuổi nghỉ hưu, sẽ không biết tìm đâu ra lớp kế nhiệm, nhân lực sẽ thiếu trầm trọng hơn.
 
Giữ được chân người tài là bài toán khó của các bệnh viện.

BS Lê Phi Long - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Minh, huyện Mỏ Cày Nam - cũng than: “Khoa nào trong BV cũng thiếu BS. Hai năm rồi chúng tôi không có thêm BS chính quy nào. BV muốn triển khai kỹ thuật chụp CT nhưng khoa Chẩn đoán hình ảnh chỉ có một BS X - quang nên nếu cử đi học, sẽ không ai ở nhà làm”.

Còn ở tuyến tỉnh, nhiều BV đã bị “cướp” trắng nhân lực. BS Nguyễn Thành Phúc - PGĐ BV Đa khoa Hậu Giang: Năm 2010, 4 BS bỏ đi bệnh viện tư nhân. Trong đó có một nữ BS vì đi theo chồng, còn lại đều là bỏ ngang. Như BS B (30 tuổi) đã được BV cử đi học chuyên khoa I ở TPHCM. Trở về sau chương trình học chưa đầy một tháng, anh B đã xin nghỉ việc, chấp nhận bồi hoàn lại chi phí BV đài thọ khi đi học.

Theo BS Phúc: “Có 2 lý do để các BS trẻ khi đã trưởng thành về chuyên môn lại bỏ BV, tìm các cơ hội mới. Như tại BV Hậu Giang, trung bình mỗi BS mới ra trường nhận được 3,5 – 4 triệu đồng/tháng, trong đó 500.000đ là thu nhập tăng thêm. Trong khi thu nhập từ đi làm BV tư ít nhất phải 10 triệu đồng/tháng. Nhưng không phải BS nào cũng bỏ đi vì lý do đồng tiền. BV chưa có chuyên khoa sâu về cột sống để BS chuyên ngành này phát huy tay nghề, do đó cũng không thể ngăn cản”. Theo BS Phúc, cách đây nhiều năm, có quy định là  BS ra trường phải qua 2 năm tập sự rồi mới được nhận bằng tốt nghiệp. Nay họ nhận được bằng ngay nên các BS trẻ không theo sự phân công của sở y tế địa phương, bản thân họ cũng suy nghĩ đến vấn đề cần quay về quê hương phục vụ.

Đến BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi được nghe kể về việc ban GĐ đã 3 lần thuyết phục 1 BS khoa thận nhân tạo ở lại mà không được. BS T được cử đi học để sau khi về anh là người đầu tiên triển khai khoa Thận nhân tạo non trẻ được hình thành 6 tháng, có 10 máy. Sau 1 năm, BS T xin đi học tiếp chuyên khoa I ở TPHCM, nhưng nếu anh đi, khoa cũng không có người làm nên BV đề nghị anh hoãn kế hoạch học  tập, hoặc tham gia đào tạo ở ngay địa phương. BV làm công tác tư tưởng 3 lần, BS T cũng làm đơn xin nghỉ việc 3 lần và BV phải để anh được toại nguyện.

Không cần phải đốt đuốc mới tìm được người tài

DS Trần Hiếu Đạo - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Long Mỹ, Hậu Giang - cho rằng: Việc các BS giỏi, vững vàng trong nghề ở tỉnh lẻ tìm cách chuyển công tác tới nơi có đãi ngộ tốt hơn là xu hướng tất yếu, tự nhiên. Ví dụ như BV Đa khoa Long Mỹ, chỉ cách TP.Cần Thơ 60km. Trên TP.Cần Thơ và TPHCM cũng ngày càng có nhiều các BV tư nhân, phòng mạch tư. Có BV tư nhân nhận vào liền và cho đi đào tạo ngay. BV ở nông thôn, không có cơ chế ưu đãi, thu hút người tài thì các BS trẻ ít chịu về, thậm chí cũng khó mà giữ được ngay cả con em ở chính địa phương mình.

Ý thức được điều đó, nên từ năm 2008, BV đã có chủ trương trích từ quỹ đào tạo của BV “nuôi” BS từ trường học. Nắm nguồn từ các xã, thấy em nào trúng tuyển trường y là BV đến vận động. Năm cuối, mỗi SV sẽ được BV hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, khi về công tác sẽ được thưởng thêm 5 triệu đồng. Còn nếu chưa được hỗ trợ từ trong trường, các em sẽ được nhận ngay 17 triệu đồng khi nhận công tác. Nhờ sự chú trọng bồi dưỡng và trọng dụng người tài, qua 3 năm, BV đã nhận mới 4 BS và hiện còn chờ 3 BS sẽ tốt nghiệp trong năm tới. Họ đều cam kết phục vụ cho BV ít nhất trong 5 năm.

Nhờ có nguồn nhân lực tốt, BV Đa khoa Long Mỹ đã trở thành địa chỉ khám - chữa bệnh tin cậy không chỉ của người dân trong tỉnh và cả các huyện lân cận ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... Là BV hạng 2 tuyến huyện với 200 giường, nhưng BV thường xuyên có 250 - 280 bệnh nhân nội trú.