Thực hiện hiệu quả nhóm chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số

13:27 09/06/2023     2386

Xây dựng Đoàn   ĐTN: Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, đồng chí Y Thông- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên UBQG về TNVN đề nghị tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm đối tượng thanh niên.

Sáng 9/6, Đoàn công tác của UBQG về thanh niên Việt Nam do đồng chí Y Thông- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên UBQG về thanh niên Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Hà Giang, thành viên UBQG về thanh niên Việt Nam.

 

Đồng chí Y Thông- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên UBQG về Thanh niên Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

 

Công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn được quan tâm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, tổng số thanh niên tỉnh hiện có khoảng 220.000 người,  chiếm trên 24,7% dân số của tỉnh và chiếm tỷ lệ trên 50% cơ cấu lao động xã hội; Tổng số đoàn viên: Có 44.789 đoàn viên, chiếm 20,36% dân số thanh niên.

Thời gian qua, Công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Luật Thanh niên năm 2020 ban hành đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét cả trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan Nhà nước và tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò của lực lượng thanh niên trong đời sống xã hội, hệ thống tổ chức của lực lượng đoàn viên thanh niên ngày càng được quan tâm củng cố và phát triển với nhiều phương thức đổi mới.

 

Đại diện Sở Nội vụ báo cáo kết quả triển khai Luật thanh niên năm 2020 và Chiến lược phát triển thanh niên tại Hà Giang

 

Năm 2022, đã tổ chức 211 Hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt, học tập và tuyên truyền Nghị quyết và Chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cho trên 200.000 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tổng số 52.000 cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia thi trực tuyến với hơn 115.000 lượt thi; Các Tổ chức Đoàn đã tổ chức được hơn 1.500 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật thu hút trên 68.000 lượt ĐVTN tham gia;...

Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp đã thực tốt chức năng phản biện xã hội đối với việc thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Thông qua giám sát, phản biện xã hội đã phát huy tính tích cực, chủ động của thanh niên trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội; phát hiện, đề xuất nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về thanh niên trong thanh niên và xã hội.

Là một trong các tỉnh nghèo của cả nước, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã rất quan tâm đến công tác lao động, việc làm. Giai đoạn 2020 - 2022, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh đã thực hiện tuyển mới được 26.948 người; Đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 56,6%, trong đó thanh niên được đào tạo nghề nghiệp chiếm 75% tổng số người được đào tạo.

Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 73.123 lao động, trong đó thanh niên 64.120 người, xuất khẩu lao động và lao động đi làm việc ngoài tỉnh 48.402 người; Hỗ trợ giải quyết việc làm mới và duy trì việc làm cho trên 6.000 lao động; Giải quyết trợ cấp một lần cho 31 trường hợp thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện chế độ bảo hiểm y tế 252 trường hợp; Bố trí, tuyển dụng được 12 người tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013- 2020 sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tỉnh Hà Giang có khoảng 176.000 thanh niên là người dân tộc thiểu số, chiếm 80% số thanh niên trên địa bàn. Các chính sách của nhà nước đối với người dân tộc thiểu số được tỉnh triển khai, thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. Riêng đối với thanh niên, đã có nhiều chính sách khác nhau về học tập, đào tạo, lao động, việc làm,...được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Trần Đức Quý- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ban ngành tỉnh Hà Giang đã trao đổi, đề xuất kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp liên quan đến công tác thanh niên về khởi nghiệp, hôn nhân cận huyết thống, công tác đào tạo nghề, đối thoại với thanh niên; các chính sách mang tính đặc thù của tỉnh, công tác thanh niên xung phong, công tác đối ngoại thanh niên, công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, việc bố trí kinh phí hoạt động cho thanh niên …

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đức Quý- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ghi nhận các ý kiến trao đổi của đoàn công tác, đồng thời, đề nghị các sở ngành trong tỉnh hoàn thiện báo cáo, trong đó có 6 nhiệm vụ trọng tâm mà đồng chí Thứ trưởng Y Thông giao nhiệm vụ trong giai đoạn tới cần quan tâm, làm thế nào để thanh niên sẽ là nòng cốt tương lai góp phần phát triển đất nước, trong đó, đoàn thanh niên phải đề xuất các nội dung cụ thể để thanh niên làm tốt vai trò của mình theo đúng tinh thần của Luật thanh niên năm 2020 đề ra.

Thực hiện 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đánh giá, công tác ban hành các văn bản nhằm tổ chức thực hiện Luật Thanh niên năm 2020 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Hà Giang được thực hiện sớm, bài bản và theo đúng quy định. Trong đó, xác định rõ thanh niên ở vị trí trung tâm, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được bố trí; Công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong việc tổ chức, thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021-2030 được quan tâm, chú trọng; Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030 tới đoàn viên, thanh niên, cán bộ quản lý các cấp và cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên được quan tâm, chú trọng; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên được đẩy mạnh.

 

Đồng chí Trần Minh Huyền - Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trao đổi các vấn đề về khởi nghiệp, công tác đào tạo nghề của thanh niên Hà Giang

 

Theo Thứ trưởng Y Thông, là địa phương còn có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tỉnh Hà Giang đã dành nhiều thời gian, nguồn lực trong việc tổ chức, thực hiện 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được quy định tại Luật Thanh niên năm 2020, với nhiều chính sách cụ thể, thiết thực đã được triển khai trong thực tiễn, trong đó xác định thanh niên có vai trò, vị trí trung tâm. Các nhóm chính sách đối với thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn được quan tâm, chú trọng với những chính sách cụ thể, thiết thực.

Thời gian tới, Thứ trưởng Y Thông đề nghị tỉnh Hà Giang tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên, về sự đóng góp của thanh niên đối với sự phát triển của tỉnh với quan điểm đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho phát triển và tương lai; Ủy ban nhân dân tỉnh cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản không còn phù hợp sau khi Luật Thanh niên năm 2020 và các Nghị định triển khai, thi hành Luật được ban hành. Đặc biệt, lưu ý công tác đánh giá thực hiện 06 mục tiêu của Chương trình để có số liệu đầy đủ về kết quả thực hiện Chương trình phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Hải Dương- Phó Bí thư tỉnh đoàn trao đổi những khó khăn, vướng mắc của thanh niên trong tỉnh

 

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các đoàn thể của tỉnh trong việc thực hiện Luật, Chiến lược, Chương trình phát triển thanh niên tỉnh và các chính sách, pháp luật dành cho thanh niên; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số, với các chính sách cụ thể, thiết thực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm đối tượng thanh niên.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thực hiện Luật, Chiến lược, Chương trình phát triển thanh niên tỉnh và các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến thanh niên. Tỉnh mạnh dạn giao cho Đoàn thanh niên các nhiệm vụ cụ thể nhằm phát huy vai trò tiên phong, chủ lực của thanh niên trong chuyển đổi số, ứng dụng vào thực tiễn công tác quản lý, điều hành và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Trịnh Lý