Thanh thiếu niên Việt Nam với quá trình di cư hiện nay

15:44 13/06/2011     2032

Xây dựng Đoàn   Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định: Hiện tượng di cư ở thanh thiếu niên (TTN) là một phần quan trọng của quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày một nhanh chóng trên khắp Việt Nam, đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho xã hội Việt Nam hiện nay.</div>
Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định: Hiện tượng di cư ở thanh thiếu niên (TTN) là một phần quan trọng của quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày một nhanh chóng trên khắp Việt Nam, đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho xã hội Việt Nam hiện nay.

Trên 1/3 (38%) thanh thiếu niên tham gia trả lời khảo sát trong cuộc Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY II) tiến hành năm 2009 đã từng sống xa gia đình liên tục trong 1 tháng hoặc lâu hơn. Hầu hết những TTN này sống xa gia đình để “kiếm sống” hoặc “đi học”. Nam TTN di cư đến địa phương khác để kiếm sống nhiều hơn nữ TTN, và thanh thiếu niên khu vực nông thôn di cư nhiều hơn so với thanh thiếu niên ở thành thị.

Trong đó, TTN ở độ tuổi 15-24 chiếm đa số trong lượng người di cư ở Việt Nam và phần lớn trong số này là các em nữ. Hiện tượng di cư này ở TTN không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc tuổi và giới của dân số ở các cấp khu vực và cấp tỉnh, mà còn góp phần đáng kể vào quá trình đô thị hóa đang tiếp diễn hiện nay. Hơn nữa, các em chủ yếu là di cư đến các khu vực thành thị, trong khi những người di cư ở độ tuổi 25 trở lên có thể di cư đến cả thành thị và nông thôn. Hiện tượng di cư ở bộ phận dân số trẻ của Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự gia tăng của đô thị trong thập kỷ qua.

Điều này cũng khiên cho các địa phương thiếu nghiêm trọng lao động có trình độ và được đào tạo. Các địa phương này bị đặt trước một thách thức lớn bởi hiện tượng các gia đình chỉ có ‘người già và con trẻ’, trong đó trẻ em sống với ông bà hoặc người cao tuổi khác trong gia đình trong khi cha mẹ của trẻ đi nơi khác để kiếm sống/ cải thiện kinh tế.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, nhiều TTN di cư đặc biệt có nguy cơ bị bóc lột kinh tế và tình dục, và nghiện ma túy, từ đó đặt các em trước nguy cơ nhiễm HIV. Bên cạnh đó, một nghiên cứu được tiến hành đối với các đối tượng sử dụng ma túy tại Hà Nội cho thấy hiện tượng tiêm chích ma túy và tham gia mại dâm ở mức cao trong số các lao động di cư là nam TTN (16-26 tuổi).

Trước hiện tượng di cư trên ở TTN, UNICEF cho rằng, cần phải có các ý tưởng thích hợp để xây dựng các chương trình và chính sách phù hợp. Các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc tạo khả năng tiếp cận đầy đủ cho người di cư với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Các chính sách phát triển đô thị cần khuyến khích cung cấp các dịch vụ xã hội có chất lượng và cơ hội việc làm cho người di cư. Ví dụ như: các chính sách cần làm giảm sự khác biệt giữa điều kiện sống như điều kiện vệ sinh hoặc khả năng tiếp cận với các hàng hóa cao cấp như khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình.

Hơn nữa, các chính sách phát triển xã hội cần xem xét đến các luồng di cư và các xu hướng dân số để đảm bảo tạo cho người di cư sự tiếp cận phù hợp với các dịch vụ xã hội và cơ hội việc làm. Do nữ giới chiếm một tỉ lệ lớn trong số TTN di cư, cần cung cấp cho đối tượng này các dịch vụ sức khỏe sinh sản nhằm giúp bảo vệ họ trước những nguy cơ không cần thiết đối với sức khỏe.

Ngoài ra, cũng cần đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của các nhóm dân di cư ở các tỉnh tiếp nhận dân di cư, bên cạnh đó cũng cần đáp ứng nhu cầu của các tỉnh có TTN di cư đi.

Làm được như vậy sẽ phát huy lợi thế của một lực lượng di cư lớn, có sức trẻ, sức sáng tạo cao và hạn chế những khó khăn do lực lượng này đem lại; quan tâm, chăm sóc, bảo vệ kịp thời TTN di cư trước các nguy cơ khó lường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của TTN nói riêng và chất lượng cuộc sống xã hội nói chung.