Thành phố Hồ Chí Minh thu hút và đào tạo cán bộ trẻ

07:43 25/11/2011     2434

Xây dựng Đoàn   Ðể tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ khoa học và công nghệ các ngành mũi nhọn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình quy hoạch và đào tạo cán bộ.
a
Ðồng chí Nguyễn Thanh Trí, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy 11, trao đổi công việc hằng ngày với cán bộ trẻ đang công tác tại quận. 
Từ năm 1999, thành phố bắt đầu triển khai Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn và nâng cao chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch. Năm 2001, thành phố đã triển khai Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Bắt đầu từ đầu năm 2011, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.

Chủ trương đúng, cách làm hiệu quả

Mục tiêu của ba chương trình trên là nhằm thu hút, tuyển chọn nguồn sinh viên khá, giỏi, cán bộ, công chức, công nhân trẻ tuổi, có triển vọng để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học và công nghệ các ngành mũi nhọn của thành phố. Qua đó thành phố bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở Nghị quyết số 42-NQ/T.Ư ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và Nghị quyết 22-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa X, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU và Kế hoạch số 05-KH/TU (cuối năm 2006), Chương trình hành động số 39-CTrHÐ/TU (năm 2008) để cụ thể hóa chủ trương của T.Ư phù hợp với thực tiễn và nhu cầu quy hoạch, đào tạo cán bộ của thành phố. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường cán bộ nữ và từng bước nhất thể hóa một số chức danh cán bộ. Từ các chủ trương và kế hoạch cụ thể này, nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ tuổi được rèn luyện, thử thách, phấn đấu, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ.

Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lan cho biết: Ðể chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn đi vào chiều sâu, Ban Tổ chức Thành ủy đã phổ biến, hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc phát hiện, giới thiệu để xét chọn những cán bộ, công chức trẻ tuổi có quá trình phấn đấu, có chiều hướng phát triển tốt vào nguồn quy hoạch. Ðồng thời phối hợp  Ban Thường vụ Thành đoàn và Ðảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức gặp gỡ, giới thiệu trực tiếp đến sinh viên về mục đích, yêu cầu và tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ dài hạn. Với cách triển khai sát cơ sở và cụ thể như vậy, hằng năm đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chủ động đăng ký tham gia chương trình; số lượng và chất lượng tuyển chọn từ nguồn sinh viên ngày càng được nâng cao, trung bình hằng năm có hơn 60 sinh viên được tuyển chọn.

Ðiểm nhấn trong công tác cán bộ của TP Hồ Chí Minh thời gian qua là chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Ðến nay, chương trình đã xét tuyển 759 học viên, gồm 566 người xét chọn từ nguồn cán bộ, công chức; 193 người từ nguồn sinh viên và nhân viên các công ty tư nhân và nước ngoài, trong số đó có 367 người là nữ, chiếm 48,35%. Thành phố đã cử đi đào tạo 639 người, trong đó, đào tạo tiến sĩ 59 và thạc sĩ 580 người, ngành đào tạo gồm các nhóm: ngành chính trị - xã hội - nhân văn; nhóm ngành khoa học và công nghệ; nhóm ngành kinh tế; nhóm ngành quản lý đô thị; nhóm ngành quản lý hành chính công và luật. Quá trình thực hiện chương trình, thành phố thường xuyên rút kinh nghiệm, chọn các trường uy tín, chất lượng đào tạo tốt, tranh thủ được các chế độ hỗ trợ tài chính như giảm học phí từ 10% đến 25% và cấp học bổng Anh văn từ bốn đến mười tuần/học viên. Ðến tháng 6-2011, tổng số học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo là 400 người, gồm 27 tiến sĩ và 373 thạc sĩ. Ðể sử dụng tốt và phát huy nguồn nhân lực đã qua đào tạo này, Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các quận ủy, huyện ủy, đơn vị có nhu cầu tiếp nhận cán bộ xem xét bố trí công tác học viên thuộc chương trình đã hoàn thành đào tạo; chú trọng bố trí công tác phù hợp với chuyên môn được đào tạo của học viên và nhu cầu của địa phương, đơn vị. Ðối với học viên là cán bộ, công chức do các quận ủy, huyện ủy, sở, ngành cử tham gia chương trình được bố trí công tác khi trở về địa phương, đơn vị. Tổng số học viên của Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện đang công tác tại các sở, ban, ngành, quận, huyện và các doanh nghiệp nhà nước là 353 người; trong đó có 116 nữ, chiếm 48,54%. Hiện có 207 cán bộ là đảng viên và 157 cán bộ được bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện và tương đương trở lên; có 27 cán bộ tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015;  bốn cán bộ là đại biểu HÐND thành phố khóa VIII.

Hai chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cùng với chủ trương đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trẻ tuổi về cơ sở, bố trí biên chế dự phòng 15% cho các quận, huyện để đào tạo đội ngũ kế thừa là bước đột phá của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Qua đó từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ tuổi, có trình độ cao, được rèn luyện qua thực tiễn ở cơ sở, là nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong cấp ủy; nâng tỷ lệ cán bộ dưới 35 tuổi tham gia cấp ủy cơ sở, cấp ủy cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015 là 9,5%, tăng 3,21% so với nhiệm kỳ trước.

Lấy thực tiễn để rèn luyện cán bộ trẻ

Trong quá trình tìm hiểu công tác cán bộ ở TP Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí làm công tác tổ chức đều có chung một nhận định, chọn được cán bộ trẻ có năng lực đưa vào nguồn đã khó, cái khó hơn là phải tạo môi trường để các đồng chí làm việc, phấn đấu và rèn luyện. "Cái khó nhất khi đưa cán bộ trẻ về cơ sở là kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đó đây là môi trường làm việc trực tiếp, đối mặt với nhiều vấn đề cụ thể hằng ngày. Ngoài chuyên môn phải có kinh nghiệm. Ðộ khó và tính thử thách cao đối với cán bộ trẻ càng tăng lên khi về cơ sở là xã, phường, thị trấn", đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy nhận định. Ngoài chủ trương chung của thành phố, quận, huyện, đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng cần phải thông suốt và tạo điều kiện để cán bộ trẻ có cơ hội rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.

 Ðể tạo bước đệm trước khi đưa cán bộ trẻ về cơ sở tham gia giữ các cương vị chủ chốt, Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy đều bố trí số cán bộ này tại các phòng, ban của quận, huyện để làm quen với công việc. Ðồng thời,  Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Trường cán bộ thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở và cán bộ trẻ tuổi chuẩn bị luân chuyển về cơ sở nhằm trang bị những kiến thức lý luận cơ bản, thực tiễn và kỹ năng công tác cơ sở, giúp cán bộ, công chức trẻ tuổi tự tin, nhanh chóng nắm bắt, thích nghi với môi trường công tác mới. Nội dung chương trình bồi dưỡng gồm kiến thức chung, kiến thức công tác Ðảng, công tác vận động nhân dân, quản lý nhà nước tại cơ sở; kỹ năng quản lý, xử lý tình huống. Ðồng thời chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng và rèn luyện phẩm chất đạo đức thông qua hoạt động Câu lạc bộ cán bộ trẻ Thành đoàn và Câu lạc bộ cán bộ trẻ ở các quận, huyện. Hằng năm, Tiểu ban công tác Quy hoạch cán bộ dài hạn Thành ủy phối hợp Thành đoàn tổ chức cho cán bộ trẻ tham quan các di tích lịch sử, gặp gỡ, giao lưu với các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân vật lịch sử, xem phim tư liệu..., tổ chức hội nghị biểu dương cán bộ trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo giới thiệu của đồng chí Nguyễn Thanh Trí, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy 11, chúng tôi về phường 4, quận 11. Ðây là cấp cơ sở mà hầu hết cán bộ chủ chốt tuổi đời đều còn rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi. Ðồng chí Ðinh Chí Thịnh, Chủ tịch UBND phường tâm sự, chủ trương của thành phố và quận là đưa cán bộ trẻ về cơ sở để rèn luyện nên càng phải nỗ lực, gần dân, bám sát địa bàn. Phải như vậy thì khi triển khai các chủ trương, chính sách cũng như đề xuất các kiến nghị, giải pháp mới sát với thực tế. Mặc dù phường đã thực hiện tốt quy trình trong công tác hành chính nhưng lãnh đạo phường đều tâm niệm, đó chỉ là cái khung để thực hiện cho đúng quy trình, việc nhanh hay chậm đều do ý thức của cán bộ. Hằng ngày đều có cán bộ chủ chốt của phường trực xử lý công việc, việc gì gấp phải cố gắng giải quyết sớm cho dân.

Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy 11 Nguyễn Thanh Trí cho biết, từ năm 2007 - 2008, Quận ủy 11 đã chuẩn bị, soát xét lại đội ngũ cán bộ và rất trăn trở về nguồn cán bộ kế cận. Trong ba năm 2007 - 2010 đã chọn được 52 người, hầu hết là sinh viên, cán bộ có trình độ đại học chính quy dưới 30 tuổi có chiều hướng phát triển. Số cán bộ và sinh viên được tuyển chọn, Quận ủy tạo điều kiện, bố trí công việc, kết nạp Ðảng và theo dõi bước phát triển, xem xét khả năng để bố trí công việc phù hợp. Sau một thời gian, trong số 48 cán bộ trẻ đang công tác thì đã có 42 đồng chí được kết nạp Ðảng, trong đó chín đồng chí được đề bạt vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở như Bí thư, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và các phòng, ban của quận. Quận 11 cũng là địa phương từ năm 2008 đã xây dựng kế hoạch tổ chức cho cán bộ, công chức trẻ thuộc diện quy hoạch dài hạn đi thực tập ở phường mỗi tuần bốn buổi trong thời gian sáu tháng. Theo kế hoạch này, Ðảng ủy, UBND phường tiếp nhận, quản lý và phân công, giao việc cho cán bộ thực tập, tạo điều kiện cho cán bộ thực tập tiếp cận chức danh, tập xử lý công việc, tham gia các buổi sinh hoạt, hội nghị của Ðảng ủy, chính quyền và các đoàn thể. Ðối với cán bộ được cử đi thực tập, mỗi quý phải có báo cáo bằng bài thu hoạch gửi về Ban Tổ chức Quận ủy. Mục đích của kế hoạch này là tạo điều kiện, môi trường để cán bộ trẻ tiếp cận, nắm bắt công việc, cọ xát thực tiễn, gần dân, sát dân, có quan điểm quần chúng nhằm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để tạo nguồn bổ sung cán bộ trẻ vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở, từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các phường. Nhiệm kỳ 2010-2015, quận 11 tiếp tục đưa chương trình quy hoạch cán bộ vào một trong bốn chương trình trọng điểm của quận. Hằng năm, quận phấn đấu tuyển chọn 30 cán bộ, tổ chức phân loại, đánh giá và đào tạo để đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ lâu dài.

Tin tưởng, mạnh dạn giao việc, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và chủ trương tăng thêm nguồn cán bộ trẻ ở cơ sở và cách làm hợp lý, hiệu quả của TP Hồ Chí Minh, cho nên hằng năm, có hơn 99% số cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ; trong đó, hơn 50% số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hơn 80% số cán bộ được đánh giá có chiều hướng phát triển tốt. Nhiều cán bộ trẻ đã phấn đấu tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ðặc biệt là huyện Bình Chánh xa trung tâm nhưng mấy năm qua đã làm tốt việc quy hoạch cán bộ, nhất là từ nguồn sinh viên. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã xin về huyện làm việc và đăng ký về cơ sở để phấn đấu, rèn luyện.

Qua quy trình bố trí, công tác, TP Hồ Chí Minh đã có 431 cán bộ trẻ được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng, ban thuộc các sở, ngành thành phố và quận, huyện, trưởng ngành ở phường, xã, thị trấn; 847 (chiếm 70,35%) cán bộ trẻ được kết nạp Ðảng. Ðại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn thành phố có 277 cán bộ trẻ tuổi tham gia cấp ủy cơ sở, 98 cán bộ được bầu vào cấp ủy cấp trên cơ sở, tăng 83 người so với nhiệm kỳ trước. Theo đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, để công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ thật sự có hiệu quả thì phải chuẩn bị từ xa. Quá trình tuyển chọn cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút được những sinh viên giỏi và tạo môi trường thuận lợi để cán bộ trẻ trải  nghiệm thực tiễn và rèn luyện. Cũng thông qua thực tiễn công việc mới chọn được những cán bộ nổi trội, hướng phát triển tốt để tiếp tục bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận. Ðồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bình Chánh thì kiến nghị, cho phép đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung cho cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn nhưng chưa là đảng viên để chuẩn bị kỹ năng và kiến thức cơ bản cho cán bộ trẻ khi bước vào thực tiễn công việc.