Thanh niên Việt cao trung bình 1,65 m trong 10 năm tới

15:44 13/06/2011     1784

Xây dựng Đoàn   Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu nâng cao toàn diện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và đạo đức của người Việt. Riêng chỉ tiêu chiều cao là tăng từ 1,61 lên 1,65 m trong 10 năm tới.&gt; Sau 15 năm, cư dân thủ đô cao hơn 2-3 cm</div>
Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu nâng cao toàn diện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và đạo đức của người Việt. Riêng chỉ tiêu chiều cao là tăng từ 1,61 lên 1,65 m trong 10 năm tới.> Sau 15 năm, cư dân thủ đô cao hơn 2-3 cm

Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội; nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển.

Chiến lược đặt ra 8 mục tiêu cụ thể, đứng đầu là thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức. Người Việt Nam có khả năng tự học, tự đào tạo, năng động, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm việc.

Về các chỉ tiêu cụ thể, trong 10 năm tới, chiều cao trung bình thanh niên sẽ tăng thêm 4 cm (hiện khoảng 1,61 m); tuổi thọ trung bình tăng từ 73 lên 75 và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi từ 17,5% xuống dưới 5%.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, so với việc cải thiện chiều cao 10 năm qua, mục tiêu này cao gấp 4 lần kết quả của giai đoạn trước. Trong một thập kỷ qua, người Việt Nam chỉ cao thêm một cm, trong khi nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 2 cm.

Ngoài ra, các chỉ tiêu về trí lực và kỹ năng lao động cũng được đặt ra khá cao trong chiến lược, như tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 25% hiện nay lên 55%; từ chỗ chưa có trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế và trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế nào lên lần lượt trên 10 và 4 trường; giảng viên ĐH, CĐ cũng tăng hơn gấp đôi; nhân lực công nghệ thông tin tăng gấp 3...

Để đạt mục tiêu trên, chiến lược cũng đưa ra nhiều giải pháp đột phá, như: đổi mới nhận thức trong đó phải sử dụng, đánh giá, đãi ngộ nhân lực dựa vào năng lực thực và kết quả, hiệu quả công việc; khắc phục tâm lý và hiện tượng quá coi trọng và đề cao bằng cấp một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực.

Đặc biệt, quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực sẽ được đổi mới căn bản, trong đó đẩy mạnh phân cấp, thực hiện quyền tự chủ, nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nhân lực trên cơ sở quản lý của nhà nước và giám sát của xã hội.

Nhà nước sẽ tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sau: đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; triển khai quyết liệt đề án đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông, trong đó phát triển và đảm bảo nhân lực là giải pháp hàng đầu...