Thành Đoàn TP.HCM 'chuyển đổi số': Làm chứ không bàn nữa
11:20 11/02/2023 1394
Xây dựng Đoàn Ngày 10/2, Thành Đoàn TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Câu chuyện chuyển đổi số gần như là trọng tâm tại hội nghị khi năm 2023 có chủ đề "Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn".
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang và Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương trao khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2022 - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Và câu hỏi đặt ra là chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn như thế nào để hiệu quả?
2023: năm hành động "chuyển đổi số"
Anh Ngô Minh Hải - Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM - tóm tắt kết quả hoạt động năm 2022 khi cùng lúc phải thực hiện mục tiêu "kép": vừa chào mừng đại hội Đoàn các cấp, tổ chức Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022 - 2027), vừa tích cực tham gia phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Tinh thần xung kích, tiên phong tham gia chuyển đổi số quốc gia cũng được ghi nhận từ hoạt động phong trào của tuổi trẻ thành phố năm qua. Theo đó, các chỉ tiêu của năm 2022 đều đạt và vượt so với kế hoạch. Đây sẽ là bước đi tốt để chuyển đổi số của toàn Đoàn trong năm 2023.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương nói 2022 được gọi là năm đại hội, nghiên cứu tìm những quan điểm mới, đề án mới. Do đó, Đoàn phải xác định 2023 là năm để làm, năm hành động.
"Phải xác định năm 2023 không bàn nữa vì đã bàn, đã tính đủ rồi. Nếu bàn chỉ là bàn cách nào để làm cho hiệu quả", chị Thanh Phương nhấn mạnh.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương phát biểu - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cần có khung đánh giá năng lực chuyển đổi số
Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh chủ đề "Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn". Anh Ngô Minh Hải nói nhắc chuyển đổi số thường đi kèm với khái niệm "văn hóa số".
"Khi thực hiện công cuộc chuyển đổi số, tổ chức Đoàn cần làm gì trước câu chuyện văn hóa ứng xử của giới trẻ trong môi trường số?" - anh Hải gợi mở.
Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Lê Xuân Thân trình bày quan điểm của mình về chủ đề chuyển đổi số - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Bí thư Đoàn Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Lê Xuân Thân chia sẻ hiện trong hệ thống Đoàn trường này đã và đang rất tích cực trong thực hiện chuyển đổi số, từ hội họp, hình thức hoạt động, lưu trữ dữ liệu và phát hành văn bản...
Điều anh Thân mong muốn chính là Thành Đoàn cần cụ thể hóa các mục tiêu trọng tâm, phần việc cụ thể trong nội dung chuyển đổi số là gì. Trong từng lĩnh vực cần chỉ rõ chuyển đổi số như thế nào.
"Trong công tác học tập, sử dụng ứng dụng nào, công cụ nào được xem là chuyển đổi số. Triển khai hoạt động, thanh toán trực tuyến bằng gì mới là chuyển đổi số", anh Thân nêu ý kiến.
Anh Nguyễn Chí Nguyên, bí thư Đoàn Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH một thành viên (đang phát biểu), mong muốn sẽ có một khung đánh giá năng lực chuyển đổi số cụ thể - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Anh Nguyễn Chí Nguyên, bí thư Đoàn Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH một thành viên (SAMCO), cho rằng cần phải có khung năng lực chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên nói chung và từng nhóm đối tượng nói riêng.
Đoàn cần khảo sát mức độ chuyển đổi số đến đâu theo từng nhóm đối tượng, lĩnh vực. "Làm gì cũng cần có khảo sát, thực hiện qua từng mốc thời gian mới đánh giá hiệu quả được", anh Chí Nguyên nói./.
theo Tuổi trẻ Online Tweet