Tạo nguồn cán bộ trẻ ở TP Hồ Chí Minh

15:44 13/06/2011     2468

Xây dựng Đoàn   Đến một số xã, phường ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây khá trẻ và năng động, không ít người đang trong độ tuổi sinh hoạt đoàn. Ðó là kết quả của nhiều năm thực hiện Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn của thành phố mang tên Bác Hồ.</div>
Đến một số xã, phường ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây khá trẻ và năng động, không ít người đang trong độ tuổi sinh hoạt đoàn. Ðó là kết quả của nhiều năm thực hiện Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn của thành phố mang tên Bác Hồ.

Ðể lớp trẻ khẳng định mình

32 tuổi đời, bảy năm tuổi Ðảng, vẫn vóc dáng một sinh viên đại học kinh tế năm nào, thạc sĩ quản trị kinh doanh Lê Thị Loan đã có nhiều năm làm cán bộ chủ chốt ở cơ sở và hiện là Chủ tịch UBND phường 12, quận 5. Ra trường, công tác tại Văn phòng Quận ủy, rồi được điều động về phường. Chị Loan tâm sự, việc mà cán bộ trẻ quan tâm là làm sao để tạo sự đồng thuận với những người lớn tuổi trong Ðảng ủy và Ủy ban. Tôn trọng, học tập người đi trước, nhưng phải biết khẳng định mình bằng những việc làm cụ thể. Ðược biết, khi là Phó Chủ tịch UBND phường, chị đã tổ chức các lớp tin học để mọi cán bộ đều sử dụng thành thạo máy vi tính, khai thác hiệu quả in-tơ-nét, rồi phong trào học tập trong cán bộ trẻ. Hiện nay, phường có 18 người đang học tại các trường đại học.

Lê Thị Loan là một trong 54 cán bộ quy hoạch dài hạn của Quận ủy quận 5. Trong đó, 27 người đã trở thành cán bộ chủ chốt ở phường và các cơ quan thuộc quận. Trò chuyện với họ, chúng tôi hiểu, được cấp ủy quan tâm là điều kiện tốt, nhưng cái chính vẫn do sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Làm thế nào để khẳng định mình, nhất là trước lớp cán bộ lớn tuổi hơn? Câu trả lời của các anh Lê Tấn Tài, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6; Phan Bắc Chiến, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường 10, là: Trước hết, cán bộ trẻ phải có trình độ và biết lắng nghe ý kiến người khác khi quyết định công việc. Theo các anh, để việc lãnh đạo, điều hành thuận lợi, cấp ủy cần có quy chế làm việc, nêu trách nhiệm của từng người, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ thử thách, khẳng định mình. Chào đời vào năm đất nước trọn niềm vui thống nhất, Nguyễn Thị Minh Phượng, Bí thư Ðảng ủy phường 2 là một cán bộ xông xáo, sẵn sàng nhận việc khó. Chị nhớ lại, năm 2006, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy phường 3, nơi xảy ra một số sai phạm trong quản lý nhà nước, giữa Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND phường có những bất đồng khó hòa giải. Chị đã gặp riêng từng người, cùng tìm cách giải quyết. Lấy đó làm bài học, Ðảng ủy phường xây dựng quy chế làm việc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Ðảng ủy và chính quyền. Năm 2007 và 2008, Ðảng bộ phường 3 được công nhận là đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Về huyện Bình Chánh, chúng tôi thấy đội ngũ cán bộ các xã ở đây vừa trẻ vừa được đào tạo bài bản; 90% số cán bộ trong sáu chức danh chủ chốt có trình độ đại học. Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Thị Thanh Hà, để có được đội ngũ cán bộ như thế, Huyện ủy phải gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch với đào tạo. Những cán bộ dưới 30 tuổi, trong quy hoạch dài hạn được Huyện ủy cho đi học tập trung. Ngoài ra, nhiều cán bộ vừa làm, vừa học. Ở xã Bình Chánh thuộc huyện này, hầu hết cán bộ chủ chốt mới ở độ tuổi 30. 13 đồng chí trong Ban Chấp hành Ðảng bộ xã thì chỉ có một người chưa có bằng đại học, số cán bộ còn lại người ít nhất cũng có một bằng đại học chuyên môn. Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Phạm Hồng sinh năm 1980, tốt nghiệp đại học khoa học xã hội và nhân văn, cử nhân quản lý hành chính, là Phó chủ tịch UBND xã khi mới 26 tuổi. Bí thư Ðảng ủy xã Phạm Thị Kim Anh, nguyên chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy, làm Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai lúc 28 tuổi; đầu năm 2010 về xã Bình Chánh đồng chí đã có hai bằng cử nhân quản lý hành chính và lý luận chính trị. Cả Bí thư và Chủ tịch UBND xã đều cho rằng, chính vì được học tập bài bản mà họ vững tin hơn trong công việc.

'Phòng chờ đầu vào', 'phòng chờ đầu ra'

Lướt qua bản thống kê được cập nhật đến cuối tháng 3, chúng tôi thấy, trong 1.287 cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học diện quy hoạch dài hạn, có 469 người đã được bổ nhiệm trưởng, phó phòng, ban cấp quận, sở, ngành thành phố và trưởng ngành cấp xã; 269 cán bộ tham gia cấp ủy cấp cơ sở và cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015. Có 12 cán bộ trẻ hiện giữ các chức danh do Thành ủy quản lý. Nhớ lại những năm đầu thực hiện Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn của thành phố, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Lan nói với chúng tôi: Ðưa cán bộ trẻ về xã lúc đầu khó khăn lắm, nhiều người cao tuổi không ủng hộ, cứ sợ 'mấy cô, cậu còn trẻ quá, đảm đương sao nổi'. Thành ủy quyết tâm làm. Những người làm công tác cán bộ cũng rất tâm huyết. Từ các văn bản chỉ đạo đến công tác tư tưởng và nhiều chế độ chính sách cán bộ được chuẩn bị công phu, hằng năm lại điều chỉnh cho sát với thực tế. Khó nhất là giải quyết số cán bộ không đạt chuẩn, để cán bộ trẻ thay thế. Căn cứ Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về biên chế dự phòng của quận, huyện, các cấp ủy rà soát một số tiêu chuẩn về tuổi, trình độ, uy tín, năng lực, kết hợp vận động với thực hiện chế độ chính sách để đưa số cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã (nam hơn 50 tuổi, nữ hơn 45 tuổi) về các cơ quan quận, huyện chờ bố trí công tác khác, hoặc giải quyết chính sách theo quy định của thành phố, thời gian chờ không quá sáu tháng. Nhiều người gọi vui đó là 'phòng chờ đầu ra'.

Theo quy định của Thành ủy, số cán bộ thuộc diện 'phòng chờ đầu ra' bằng 15% tổng biên chế chính thức của các cơ quan cấp quận. 15% đó là cơ hội cho cán bộ trẻ. Song, cơ hội ấy có thành hiện thực hay không lại do sự phấn đấu của mỗi người. Ðối với sinh viên tốt nghiệp đại học phải qua một năm thử việc và biên chế dự phòng tại các xã, phường, cơ quan thuộc quận, huyện (họ thường gọi vui là 'phòng chờ đầu vào'), được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ mới xét đưa vào biên chế. Ở đó, họ không chỉ tiếp cận với các công việc trong cơ quan nhà nước, mà còn được dự các lớp tập huấn giới thiệu về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể; tham gia các buổi tọa đàm về kỹ năng xử lý tình huống thường xảy ra ở cơ sở. Những sinh viên tập sự, biên chế dự phòng tại các cơ quan thuộc quận từ sáu tháng đến một năm mới đưa về phường, thì làm việc rất hiệu quả, bởi họ được đào tạo cơ bản, nhanh bắt nhịp công việc - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Lan nhận xét.

Dù còn những hạn chế nhất định, nhưng Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn luôn có sức hấp dẫn những trí thức trẻ. Tại Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tôi gặp Ðỗ Thị Việt Phương, sinh năm 1984, ở phường 13, quận 11 thuộc diện cán bộ quy hoạch dài hạn của thành phố. Ðược gia đình lo cho ăn học, Phương có bằng thạc sĩ công nghệ sinh học tại Ô-xtrây-li-a mới về nước, làm việc tại Trung tâm công nghệ sinh học của thành phố với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Phương tâm sự, đi làm ở ngoài, lương có thể cao hơn nhiều, nhưng không ổn định; Phương muốn có một môi trường làm việc tốt, để tập trung cho nghiên cứu, và điều quan trọng hơn là có điều kiện rèn luyện, thử thách để trưởng thành./.