Tăng tính chủ động, hiệu quả, sáng tạo, bám sát nhu cầu địa phương

21:44 20/06/2023     1013

Xây dựng Đoàn   ĐTN: Đó là những yêu cầu được Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang đặt ra đối với công tác Đoàn của Cụm miền núi Đông Bắc bộ trong 6 tháng cuối năm 2023 cũng như việc xây dựng, xác lập các nhiệm vụ, giải pháp cho cả nhiệm kỳ.

Chiều 20/6, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2023 Cụm miền núi Đông Bắc bộ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu T.Ư Đoàn và 06 điểm cầu các tỉnh đoàn trong Cụm.

Đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Cụm, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho rằng, các tỉnh Đoàn đã bám sát chỉ đạo của T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành ủy trong xây dựng, triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Có nhiều hoạt động thể hiện sự chủ động, sáng tạo và kết nối của các đơn vị trong cụm. Điểm nhấn là có tới 98 chương trình phối hợp, liên tịch mà các tỉnh đoàn đã ký với các sở, ban, ngành trong tỉnh để triển khai các hoạt động trong nhiệm kỳ.

 

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Theo đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, trong 6 tháng đầu năm, các đợt hoạt động cao điểm như kỷ niệm thành lập Đoàn, thành lập Đội, Tháng Thanh niên, Tháng Công nhân, Tháng hành động vì trẻ em và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè... là những "điểm rơi" khá tốt để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Chủ đề công tác năm "Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn" được các đơn vị bám sát để đề ra chương trình, nội dung hoạt động. Việc học tập Nghị quyết Đại hội Đoàn được nỗ lực thực hiện với nhiều phương thức và thu hút được đông đảo ĐVTN tham gia học tập.

Bí thư T.Ư Đoàn cũng nhấn mạnh tới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của cấp ủy, sự phối hợp rất chặt chẽ của UBND các cấp, các sở, ban, ngành; sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị trong cụm và các đơn vị bên ngoài.

Quyết liệt, tăng tốc thực hiện các nhóm chỉ tiêu, giải pháp, chương trình lớn

Cùng với kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác Đoàn 6 tháng đầu năm như: việc triển khai thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII còn chậm tiến độ, tỷ lệ ĐVTN tham gia thấp; công tác tuyên truyền giáo dục chưa thực sự đổi mới, sáng tạo, nắm bắt đúng nhu cầu của ĐVTN; chất lượng sinh hoạt trên địa bàn dân cư chưa đồng đều, việc duy trì sinh hoạt định kỳ còn nhiều khó khăn; kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp...

Để có thể về đích trong 6 tháng cuối năm, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang đề nghị các tỉnh đoàn trong cụm rà soát tổng thể, xây dựng và xác lập tiến độ, giải pháp cụ thể để tăng tốc thực hiện các nhóm nội dung bám sát chủ đề công tác năm, đặc biệt là các nhóm chỉ tiêu, giải pháp, chương trình lớn. Trong đó, cần lưu ý các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo, thanh niên vùng biên.

 

Đồng chí Lê Hải Long - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Thường trực Cụm phát biểu trao đổi tại Hội nghị

 

Các tỉnh trong cụm cần nghiên cứu để đa dạng hóa phương thức triển khai trong công tác tuyên truyền, giáo dục, quyết liệt tìm giải pháp để đẩy mạnh việc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc; quan tâm công tác nắm bắt tình hình tư tưởng ĐVTN; tăng tính chủ động, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai các phong trào hành động cách mạng; chú trọng hỗ trợ và phát huy thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế; nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; rà soát củng cố đội ngũ cán bộ Đoàn ở địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Sinh viên các cấp...

Theo đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Chiến dịch TNTN hè là không gian, thời điểm tốt nhất để huy động sức trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện. Vì thế, đây là lúc phải tìm giải pháp truyền cảm hứng, cách làm mới để thúc đẩy chuyển đổi số, tìm kiếm nguồn vốn, kết nối tri thức, đầu ra... để hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Câu chuyện tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, tảo hôn, xâm hại trẻ em; hỗ trợ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường... cũng phải được quan tâm.

Hoạt động Đoàn phải bám sát nhu cầu của địa phương

Là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang đề nghị, các chương trình, hoạt động Đoàn cụm miền núi Đông Bắc bộ cần tạo điểm nhấn, đáp ứng được nhu cầu của cấp ủy địa phương. Để thực hiện điều này, các đơn vị chủ động nghiên cứu, khẩn trương cụ thể hóa chương trình hành động của cấp ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 96 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

"Trong chương trình hành động của cấp ủy sẽ có những phần việc của tổ chức Đoàn, của thanh niên. Tuy nhiên, chúng ta không chờ đợi, mà cần chủ động xác lập, chọn lọc những nội dung để đăng ký, tham mưu cấp ủy phân công, tạo cơ chế để chúng ta thực hiện", đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.

 

Các điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị

 

Với đặc thù vùng Đông Bắc bộ có nhiều di sản văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc thiểu số, có truyền thống cách mạng vẻ vang, tổ chức Đoàn cần nghiên cứu nhóm giải pháp, mô hình, công trình thanh niên để phát huy lợi thế này. Ví dụ như việc số hóa tất cả các di tích lịch sử ở các tỉnh trong cụm và kết nối với nhau để phát triển du lịch. Đây chính là sự liên kết vùng đang đặt ra với tổ chức Đoàn. 

Bên cạnh đó, với tỷ lệ che phủ rừng lớn, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cũng gợi ý cần làm thế nào để triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền trong thanh niên, đồng bào các dân tộc khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và tài nguyên rừng./.

 

Kiều Anh