Quan điểm của V.I. Lê-nin về xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh - Ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
08:12 30/12/2022 1284
Xây dựng Đoàn Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, trong bối cảnh nước Nga bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội với muôn vàn gian khó, V.I. Lê-nin đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Những chỉ dẫn quý báu của V.I. Lê-nin vẫn tiếp tục có ý nghĩa to lớn đối với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở Việt Nam hiện nay.
Quan điểm của V.I. Lê-nin về xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh
Thứ nhất, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - nhân dân và xã hội.
V.I. Lê-nin khẳng định, khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội trên mọi phương diện, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đây là vấn đề nguyên tắc, vì “nếu không có sự thống trị của giai cấp vô sản trong nhà nước thì cũng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”(1). Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhân dân và xã hội bằng hệ tư tưởng khoa học và cách mạng - đó là chủ nghĩa Mác, “lý luận cách mạng duy nhất đúng”, một học thuyết hoàn bị vững như đá hoa cương. Trên cơ sở nền tảng lý luận khoa học này, Đảng vạch ra cương lĩnh chính trị, chiến lược, sách lược đúng đắn; đồng thời, vận động, tập hợp, thuyết phục quần chúng đi theo, ủng hộ và tham gia tích cực, vì “trong quần chúng nhân dân, chúng ta chỉ tựa như một giọt nước trong đại dương, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được. Nếu không, Đảng cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã”(2).
Mặc dù khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, nhưng V.I. Lê-nin cũng nhấn mạnh đến việc phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai chủ thể này; trong đó, Đảng tuyệt đối không được lấn sân, làm thay Nhà nước. Do vậy, Người yêu cầu: “cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng... với nhiệm vụ của Chính quyền Xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô-viết và các cơ quan Xô-viết, còn về đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt”(3).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động quản lý, phục vụ xã hội nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối, cương lĩnh của Đảng vào cuộc sống thông qua hệ thống của mình từ Trung ương đến các địa phương, thông qua các cơ quan, các tổ chức nhà nước; do vậy, phải thiết lập các cơ quan xô-viết (các tổ chức của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa). V.I. Lê-nin viết: “Chừng nào mà những cơ quan xô-viết còn chưa được thiết lập trên khắp nước Nga, chừng nào mà việc xã hội hóa ruộng đất và việc quốc hữu hóa công xưởng chỉ là những ngoại lệ, thì tất nhiên sự quản lý xã hội đối với nền kinh tế quốc dân chưa thể thoát khỏi (nếu chúng ta xét theo quy mô toàn quốc) cái giai đoạn chuẩn bị sơ bộ với những cuộc tranh luận, thảo luận và giải thích”(4).
Thứ hai, chỉ rõ tác hại của những suy thoái, tiêu cực trong Đảng và trong bộ máy của Nhà nước.
Cùng với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ những bất cập, những tiêu cực trong Đảng và trong Nhà nước cần phải được nhận diện và loại bỏ triệt để, bởi nếu không, chúng sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, khiến cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không thể thành công.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những tệ nạn, tiêu cực xã hội len lỏi vào các cơ quan đảng và bộ máy nhà nước, gây ra những ung nhọt phá hoại uy tín, sức mạnh của Đảng và của Nhà nước, tàn phá xã hội. Những biểu hiện tiêu cực đó rất đa dạng. V.I. Lê-nin tập trung nhận diện những biểu hiện cơ bản sau:
Một là, chủ nghĩa cơ hội, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm bảo vệ bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, V.I. Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân. Biểu hiện của nó là “trên đầu lưỡi thì thừa nhận cách mạng mà trên thực tế thì từ bỏ cách mạng”(5). Đối với học thuyết Mác, “chúng tước hết nội dung của học thuyết cách mạng, tầm thường hóa học thuyết đó và làm cùn khía cạnh sắc bén cách mạng của nó... Chúng lãng quên, chúng xóa nhòa, chúng xuyên tạc khía cạnh cách mạng, tinh thần cách mạng của học thuyết ấy”(6). Điều này vô cùng nguy hiểm, vì chủ nghĩa cơ hội làm nhụt ý chí đấu tranh, gây mơ hồ trong nhận thức lý luận, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khiến họ “bị chủ nghĩa đế quốc mua chuộc và làm hư hỏng”(7). V.I. Lê-nin chỉ rõ rằng, “mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”(8). Do vậy, theo V.I. Lê-nin, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng và Nhà nước, rộng hơn là trong phong trào công nhân, không chỉ là vấn đề của riêng nước Nga, mà còn là vấn đề chung của mỗi đảng cộng sản.
Hai là, quan liêu, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Theo V.I. Lê-nin, bản chất của quan liêu là tư tưởng đề cao địa vị, bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, chức quyền: “chủ nghĩa quan liêu có thể dịch ra tiếng Nga bằng danh từ: chủ nghĩa địa vị. Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác; tức là tranh giành nhau để được bổ tuyển”(9). Những kẻ quan liêu chỉ chăm lo cho lợi ích cá nhân mà trở thành những kẻ lười nhác, ích kỷ; thành những kẻ kiêu ngạo, hống hách, những nhân vật có đặc quyền, đặc lợi, thoát ly quần chúng và đứng trên quần chúng. Họ lợi dụng chức quyền, địa vị để thăng quan tiến chức. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chủ nghĩa quan liêu nặng về giấy tờ hành chính và cán bộ mắc “bệnh quan liêu” thì chỉ biết nghe báo cáo và thường dùng mệnh lệnh để hối thúc công việc, xa rời thực tiễn, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; do vậy, muốn tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội có kết quả thì cần phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu.
Nguy hiểm hơn, từ quan liêu dẫn đến hối lộ, tham nhũng phát tác, trở thành hiện tượng nhức nhối, thật sự điển hình của nước Nga và là một trong “ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào... kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”(10). Nạn hối lộ, tham nhũng không chỉ làm thiệt hại, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn để lại những hậu quả chính trị - xã hội nghiêm trọng và là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. V.I. Lê-nin phê phán mạnh mẽ tệ nạn này và chỉ rõ: “nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được... Trong những điều kiện đó, không thể làm được một thứ chính trị nào hết”(11). Vậy mà, một bộ phận cán bộ, đảng viên “bị tiêm nhiễm, bị hủ hóa bởi bầu không khí đó, dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm những tính xấu như: tính nhu nhược, tính tản mạn, chủ nghĩa cá nhân, từ lạc quan chuyển sang bi quan”(12), thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền, cơ hội để “đục nước béo cò”. Do vậy, ngăn chặn nạn hối lộ, tham nhũng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước trở thành nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt và hết sức phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ba là, căn bệnh kiêu ngạo cộng sản; vô tổ chức, vô kỷ luật. Theo V.I. Lê-nin, bệnh kiêu ngạo cộng sản thể hiện ở chỗ: “một người ở trong đảng cộng sản, và chưa bị thanh trừng ra khỏi đảng, tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình” chủ yếu thông qua “công tác giáo dục chính trị. Hoàn toàn không phải thế! Đấy chỉ là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa mà thôi”(13). Do kiêu ngạo cộng sản, họ thường tự cao, tự đại và khi mắc khuyết điểm, sai lầm thì tìm mọi cách che giấu, lấp liếm, không dám thừa nhận và chính căn bệnh này sẽ khiến cho đảng bị tiêu vong. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”(14).
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước lạc hậu, sản xuất nhỏ, “những tập tục của xã hội cũ” còn tồn tại dai dẳng, dẫn đến thói vô tổ chức, vô kỷ luật. Biểu hiện của nó trong Đảng và trong bộ máy nhà nước là phủ nhận tính đảng và kỷ luật đảng, mắc những tính xấu của giai cấp tiểu tư sản là tính tản mạn, tính bấp bênh, không thể kiên quyết, đoàn kết, thống nhất hành động được. Những thói hư, tật xấu này tồn tại dai dẳng do “Sức mạnh của tập quán ở hàng triệu và hàng chục triệu người là một sức mạnh ghê gớm nhất”(15). Những biểu hiện tiêu cực này mà lan rộng trong phong trào, thì sẽ “hoàn toàn tước vũ khí của giai cấp vô sản, làm lợi cho giai cấp tư sản”. Đây là một cuộc đấu tranh dai dẳng, phức tạp vì “Chiến thắng bọn đại tư bản tập trung còn nghìn lần dễ hơn là “chiến thắng” hàng triệu và hàng triệu tiểu chủ; mà những người này thì do hoạt động hàng ngày của họ, hoạt động quen thuộc, khó thấy, khó nhận ra, có tác dụng... làm cho giai cấp tư sản phục hồi”(16).
Thứ ba, chỉ ra phương thức xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Trên cơ sở nhận diện rõ những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ đảng viên và cán bộ chính quyền, V.I. Lê-nin đã chỉ ra những phương thức cơ bản để xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Đó là:
Bảo đảm phương châm “thà ít mà tốt”, tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện phương châm này đòi hỏi công tác xây dựng Đảng và đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước, nhất là ở các cơ quan trung ương phải coi trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng; do vậy, cần rà soát thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy, bảo đảm chất lượng kiểu mẫu và phải hoạt động phù hợp với trình độ khoa học hiện đại. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tuyển chọn kỹ lưỡng theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được trang bị lý luận cách mạng, có phẩm chất đạo đức tốt và “những phần tử ưu tú ấy phải không sợ thừa nhận bất cứ một khó khăn nào và không lùi bước trước bất cứ một cuộc đấu tranh nào để đạt được mục đích”(17).
Thực hành nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, vì đó là thuộc tính cơ bản của đảng cách mạng đã được V.I. Lê-nin rút ra từ trong thực tiễn cách mạng; theo đó, “chế độ tập trung tuyệt đối và kỷ luật hết sức nghiêm minh của giai cấp vô sản là một trong những điều kiện căn bản để chiến thắng giai cấp tư sản”(18). Yêu cầu đặt ra là phải thực hành kỷ luật đảng hết sức nghiêm minh, duy trì kỷ luật sắt và mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu trau dồi tri thức, rèn luyện tác phong, tăng cường phẩm chất đạo đức cộng sản.
Thực hành nghiêm tự phê bình và phê bình để tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng luôn được củng cố và phát triển. Tự phê bình và phê bình phải là một nội dung quan trọng, thường xuyên trong sinh hoạt đảng. V.I. Lê-nin viết: “Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm... - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình, đó là giáo dục và huấn luyện giai cấp, rồi đến quần chúng”(19).
Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả. Công tác này nếu không được thực hiện tốt thì vô cùng nguy hại, vì “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”(20).
Để kiểm soát quyền lực, phải xây dựng hệ thống pháp luật khoa học, phù hợp nhằm bảo đảm hoạt động của Đảng và của Nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đồng thời thực thi dân chủ của nhân dân. Đây là một tất yếu khách quan và là một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra. Việc kiểm soát quyền lực còn được thực hiện bằng công tác tổ chức. Đảng kiểu mới, Nhà nước kiểu mới phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học, luôn thống nhất về tổ chức, không chấp nhận sự phân tán, ô hợp và bè phái mất đoàn kết nội bộ. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức... sự thống nhất tư tưởng của giai cấp vô sản dựa trên cơ sở những nguyên lý chủ nghĩa Mác được củng cố bằng sự thống nhất vật chất của tổ chức tập hợp hàng triệu người lao động thành một đạo quân của giai cấp công nhân”(21); đồng thời, phải làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát đối với tổ chức, con người và công việc. Buông lỏng kiểm tra cũng có nghĩa là buông lỏng lãnh đạo và quản lý; từ đó, dẫn đến sự suy yếu tổ chức và bộ máy, sự hư hỏng và thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.
Hơn nữa, để kiểm soát tốt quyền lực, cần thực hành dân chủ rộng rãi, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đây là một phương thức hết sức quan trọng, bởi vì sự thành bại của cách mạng phụ thuộc vào niềm tin, vào sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Đồng thời, Đảng, Nhà nước phải phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị và về đạo đức; thực hành nghiêm chế độ bãi miễn bất cứ lúc nào đối với những người được bầu ra, nhưng thoái hóa, biến chất. Theo V.I. Lê-nin, cần phải đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược để làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước.
Ý nghĩa đối với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở Việt Nam hiện nay
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị_Ảnh: TTXVN
Thấm nhuần tư tưởng của V.I. Lê-nin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên cơ sở phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều này được cụ thể hóa và thường xuyên được bổ sung, phát triển trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thể hiện tập trung trong Kết luận, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII và XIII của Đảng. Nghị quyết của Đảng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đi vào thực tiễn cuộc sống và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội; qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đồng thời tạo sự đoàn kết, nhất trí giữa “ý Đảng, lòng dân” và góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, như “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”(22); một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, sa sút ý chí chiến đấu, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật; cơ chế kiểm soát quyền lực ở nhiều lĩnh vực, nhất là đối với những người có chức, có quyền trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa thực sự hiệu quả; hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(23).
Thực tế đó cho thấy, những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin đến nay còn nguyên giá trị và là vấn đề vô cùng hệ trọng. Do vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cần được tăng cường theo tư tưởng, chỉ dẫn của V.I. Lê-nin và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền, triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, một mặt, phải coi trọng việc học tập, nghiên cứu, tiếp tục bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay; mặt khác, cấp ủy các cấp, các tổ chức đảng phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết, Kết luận đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó, nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, Kết luận đồng thời nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến từng chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”.
Hai là, quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng và phương pháp của V.I. Lê-nin để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về tổ chức.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần “thà ít mà tốt”, vì “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm đến mức tối đa những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(24).
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu vừa có đức, vừa có tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ gắn bó, hài hòa với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và với nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
V.I. Lê-nin đã từng chỉ rõ: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số”(25). Do vậy, Đảng phải thường xuyên liên hệ gần gũi, hòa mình với quần chúng, thực hành dân chủ rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị.
Việc giám sát quyền lực của nhân dân đối với hệ thống chính trị được thực hiện chủ yếu thông qua cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Do vậy, “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”(26).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bốn là, kết hợp giữa nêu gương người tốt, việc tốt với chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””, coi đây là công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Theo đó, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QÐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”.
Chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị dưới mọi hình thức. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, hoặc lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ.
Xây dựng các lực lượng đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vững mạnh, đủ sức phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hiện đại hóa các biện pháp kỹ thuật để phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách trong công tác này.
Đồng bào dân tộc Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nghe phổ biến về pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026_Ảnh: TTXVN
Năm là, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt.
Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch, tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đi đôi với chống chạy chức, chạy quyền. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để lọt những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đồng thời, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung những cán bộ, đảng viên thực sự có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.
Từ những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước nhằm không ngừng tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân” để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.
----------------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 36, tr. 368
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 46, tr. 134
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 75
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 190
(5), (6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 145, 7
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 43
(8) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 50
(9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 424
(10), (11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr. 217, 218
(12) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 34
(13) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr. 217
(14) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 141
(15), (16) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 34
(17) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 445
(18) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 7
(19) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 51
(20) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 34, tr. 52
(21) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 490
(22) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 90 - 91
(23) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Sđd, tr. 135 – 136
(24) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 459
(25) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 34, tr. 52
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 70