Phó giám đốc ứng tuyển làm phó chủ tịch xã nghèo

15:44 13/06/2011     1866

Xây dựng Đoàn   Khát khao được cống hiến, được thực hiện ước mơ góp phần công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nhiều tri thức trẻ, trong đó có phó giám đốc công ty trồng rừng Sơn Lâm hăng hái đăng ký dự tuyển vào vị trí phó chủ tịch xã ở 62 huyện nghèo.
Khát khao được cống hiến, được thực hiện ước mơ góp phần công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nhiều tri thức trẻ, trong đó có phó giám đốc công ty trồng rừng Sơn Lâm hăng hái đăng ký dự tuyển vào vị trí phó chủ tịch xã ở 62 huyện nghèo.

>Học tại chức vẫn có thể được tuyển về làm phó chủ tịch xã

Đinh Văn Nam (Sơn Động, Bắc Giang) đang là Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần trồng rừng Sơn Lâm. Với nhiều thanh niên 26 tuổi, đó là vị trí đáng ước ao. Thế nhưng, khi được biết về dự án tuyển 600 tri thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo, Nam đã hăng hái nộp đơn đăng ký.

Nam cho biết, sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp, anh trở về quê làm việc. Qua một thời gian cố gắng miệt mài, được cất nhắc lên vị trí phó giám đốc, anh xây dựng gia đình, hạnh phúc với một con nhỏ. Nhưng ước mơ tình nguyện, thử sức và khẳng định mình của chàng thanh niên chưa bao giờ tắt.

"Từ thời sinh viên tôi đã đi tình nguyện lên miền núi, thấy cuộc sống của bà con ở đó rất khó khăn nên ấp ủ dự định làm một việc gì đó để giúp đỡ họ. Khi đọc được dự án này tôi đã rất sung sướng vì nhận thấy đây chính là cơ hội để mình thực hiện mong mỏi bấy lâu", Nam nói và cho hay, khi đăng ký, nhiều người nói anh điên rồ, nhưng anh quyết tâm từ bỏ công việc nếu được tuyển chọn, khó khăn nào cũng cố vượt qua.

Không kém gì các nam thanh niên, cô gái xứ Nghệ Nguyễn Thị Hằng cũng rất tâm huyết với dự án. Tốt nghiệp khoa Nông lâm ngư ĐH Vinh năm 2010, cô tham gia dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng" (Dự án 174) do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, thực hiện tại 4 xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An.

Cô gái 25 tuổi chia sẻ, vùng cô tình nguyện là nơi đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú, Thái sinh sống nên kinh tế vô cùng khó khăn, nhận thức của đồng bào còn hạn chế. "Ban đầu chúng tôi phải rất vất vả để thuyết phục người dân thay đổi tập quán canh tác, cây trồng, vật nuôi. Sau đó, chúng tôi trực tiếp làm việc, trồng trọt với người dân để tạo lòng tin cho họ", Hằng kể.


Nguyễn Thị Hằng là tình nguyện viên của dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng". Ảnh: Hoàng Thùy.

Sau gần một năm làm việc, Hằng đã thông thạo tiếng dân tộc, hiểu biết phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào vùng cao. Cô nhận thấy đó là cái vốn lớn nhất giúp cô có thể tham gia dự tuyển vào dự án 600 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã.

"Dự án 174 sắp kết thúc và tôi nhận thấy mình có duyên với đồng bào dân tộc nên đã đăng ký tham gia dự tuyển. Tôi nghĩ rằng tham gia dự án mình sẽ có cơ hội được cống hiến, được thử sức trên cương vị mới là một người lãnh đạo, đại diện cho Đảng thể hiện sự quan tâm đến đồng bào các dân tộc nghèo", Hằng tâm sự.

Là người dân tộc Mường ở vùng Kim Bôi, Hòa Bình, Bùi Thị Hải (29 tuổi) cho biết, sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 2008, cô trở về quê nhưng chưa tìm được hướng đi cho mình. Hải trở lại thành phố với một công việc trái ngành và luôn đau đáu tìm việc đúng chuyên môn.

"Khi được bạn bè báo cho thông tin về dự án, em mừng lắm. Em tìm kiếm hồ sơ và hoàn thiện gửi đi dự tuyển làm phó chủ tịch xã ở Điện Biên", Hải kể.

Cô cho hay, bản thân cô là người dân tộc nên việc giao tiếp với đồng bào không gặp khó khăn. Ngoài ra, lớn lên ở một vùng quê kinh tế nghèo, nên thiếu thốn nào cô cũng từng trải qua. Nếu được nhận vào vị trí Phó chủ tịch xã, cô sẽ sử dụng những kiến thức về trồng trọt đã được học để giúp đồng bào phát triển nông nghiệp.



Bùi Thị Hải cho biết sẽ bám trụ với xã nghèo dù khó khăn đến đâu. Ảnh: Hoàng Thùy.

"Tôi quyết tâm bám trụ dù có khó khăn đến đâu. Với tôi, được lên đường sớm ngày nào là tốt ngày ấy", Hải chia sẻ.

Là thanh niên trưởng thành từ dự án 500 trí thức trẻ tình nguyện của Trung ương đoàn thời gian 2000-2002, anh Nguyễn Văn Thơ, bí thư tỉnh Đoàn Lạng Sơn cho biết, ngày ấy anh được phân công về xã Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn). Đây là khu vực cách trung tâm hơn 100 km.

Anh Thơ học Luật nên có điều kiện giúp UBND xã trong các việc quản lý nhà nước, quản lý tư pháp hộ tịch, công an… Làm việc gần 2 năm với cương vị phân đội trưởng, sau đó anh được điều động về ban quản lý dự án tỉnh đoàn, sau đó là bí thư tỉnh đoàn.

"Tôi đã gắn bó với Lạng Sơn được 11 năm. Phân đội tôi có bốn người thì về sau cả bốn đều làm cán bộ tỉnh đoàn, được tham gia vào cấp ủy của tỉnh. Tôi cho rằng môi trường thực tiễn ở địa phương tạo cơ hội cho các bạn trẻ cống hiến và trưởng thành. Dự án tuyển 600 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã chính là cơ hội cho các bạn ", anh Thơ tâm sự.