Một chuyện tình khó tin giữa biển đảo Sinh Tồn

11:16 17/05/2013     3306

Xây dựng Đoàn   “Chúng em đã yêu nhau được mười chín tháng rồi dù chỉ mới gặp nhau vẻn vẹn mới một lần. Lần ấy gặp nhau cũng chỉ kéo dài hơn tiếng đồng hồ vì ngay sau đó em phải lên tàu ra đơn vị, chuẩn bị đi làm nhiệm vụ ở đảo. Chúng em tin nhau lắm...”, thiếu úy Trịnh Khương, công tác tại đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa tâm sự với ánh mắt chứa chan tình cảm.
a
Thiếu úy Trịnh Khương vàhình trái tim được làm từ tăm

Đầu chiều 9.5, tàu HQ996 chở đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2013 với chủ đề “Khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn” đến đảo Sinh Tồn trong cái nắng chói chang. Gần hai trăm thành viên của đoàn chủ yếu là các bạn trẻ đến từ nhiều vùng miền của đất nước tỏa đi thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Gần ở cuối đảo, dưới tán cây bàng vuông xanh ngắt chúng tôi thấy một chiến sĩ đang ngồi tỷ mẩn ghép những que tre nhỏ xíu để tạo thành hình một trái tim. Sau vài câu chào hỏi thân tình đối với những người khách ở đất liền ra thăm đảo, người chiến sĩ có đôi mắt sáng, khuôn mặt điển trai lại cặm cụi vót những que tre nhỏ để hoàn thiện phần cuối cùng “tác phẩm” trái tim. Liếc nhìn “tác phẩm” vô cùng xinh xắn ấy, chúng tôi thấy hiện lên hai chữ “K-L” nằm ngay giữa... trái tim. “Chắc em làm món quà này để tặng người yêu?”, tôi hỏi, thiếu úy Khương trả lời nhỏ nhẹ: “Vâng ạ”.

Khương sinh năm 1985, quê ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 8 năm 2006. Sau một thời gian đi học trung cấp quân khí, tháng 12 năm 2009, Khương nhận nhiệm vụ ra đảo Sinh Tồn. Nắng, gió của biển cả mênh mông đã biến Khương trở thành một chiến sĩ rắn rỏi, cứng cáp nơi đầu sóng biên cương của Tổ quốc. Thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, thiếu úy Khương luôn hoàn thành xuất sắc công việc được cấp trên giao, và nổi tiếng là người rất khéo tay. Trong câu chuyện tình yêu của mình, Khương nói rằng “Em cũng không biết bắt đầu từ đâu nữa vì chính bản thân em cũng khó tin điều kỳ diệu ấy lại đến với em”. Cách đây hơn ba năm, một người bạn học cấp ba cho Khương số điện thoại di động của một cô gái với lời giới thiệu, “Tau thấy cô ấy được lắm, lại hay lam hay làm. Mi cứ mạnh dạn làm quen đi, không biết chừng cô ấy đồng ý làm bạn với một lính đảo như mi đó”. Vốn tính tình rụt rè, lại chưa một lần nói chuyện riêng với một cô gái chưa biết mặt, chưa biết tên nên khiến Khương suy nghĩ nhiều lắm. “Hôm đó em đi dự sinh nhật của một bạn cùng đơn vị và cũng có uống chén rượu. Ra về khi ánh trăng rằm đã lên cao giữa bầu trời lộng gió, em lấy hết can đảm gọi điện cho bạn ấy. Sau vài hồi chuông, đầu dây bên kia bắt máy. Em run lắm nên nói, “Xin lỗi bạn, tôi nhầm máy”, Khương chậm rãi kể, bàn tay vẫn khéo léo ghép que tăm cuối vào chỗ hai chữ “K-L”.

Đảo Sinh Tồn. Ảnh: Huy An


Hôm đó, hết ca trực xong cũng đã gần bảy giờ tối, một lần nữa Khương rút điện thoại gọi cho người con gái chưa biết mặt. Lần đầu chuông đổ nhưng không thấy bắt máy. Lần hai, lần ba cũng thế. Khương chợt nghĩ, “hay cô ấy sợ ai đó trêu nên không nghe”. Lần thứ tư, thứ năm cũng không thấy bên kia “động tĩnh” gì. Thầm nghĩ, “lần này không được thì đành chịu vậy”. “May quá anh ạ, cô ấy bắt máy. Sau một hồi nghe em giới thiệu này nọ, cô ấy cũng bắt đầu đoán ra. Và từ đó, dường như ngày nào chúng em cũng liên lạc với nhau để kể cho nhau nghe về cuộc sống của người lính đảo, cuộc sống sinh viên ở quê nhà. Hôm đó là một ngày cuối tháng 12.2009”, Khương nói.

Món quà trái tim làm bằng tăm tre cuối cùng cũng đã hoàn thành như ý sau hơn hai tháng “thi công”. Khương cho biết, khoảng tháng 7 năm 2011, gia đình có việc đại sự nên Khương được cấp trên cho nghỉ phép về quê. Sau khi mọi việc đã xong xuôi, Khương hẹn gặp bạn gái “trên điện thoại”. Được nhận lời, Khương phóng xe về thành phố Thanh Hóa để gặp. “Bọn em gặp nhau mà ai cũng thấy thẹn thùng. Em kể cho bạn ấy về biển, đảo, về cuộc sống của quân, dân trên đảo Sinh Tồn. Bạn ấy cứ chăm chú nghe, thi thoảng mới hỏi lại vài câu. Em cũng kể về gia đình em, bạn ấy cũng thế. Thời gian gặp nhau buổi đầu tiên ấy trôi qua thật nhanh”, Khương nhớ lại. “Sau đó thế nào nữa?”, tôi gợi chuyện, Khương cho biết vì tối đó phải lên tàu vào đơn vị để chuẩn bị ra đảo nên không nói chuyện được nhiều. “Em nghĩ, đây là cơ hội cho mình thổ lộ tình cảm với cô ấy nên em đã quyết định ngỏ lời. Sau mấy phút chần chừ, Linh đã nhận lời yêu em. Lần đầu tiên em được cầm tay người bạn gái mà bao tháng ngày qua em trông đợi”, Khương hơi ngượng ngùng tâm sự. “Hôm đó hai người có trao nhau nụ hôn đầu đời không?”, “Không anh ạ. Cả hai đứa run lắm. Chỉ ôm nhau thật chặt và hứa hẹn với nhau bằng niềm tin thôi”. Tối đó, Linh - cô người yêu đã đưa Khương ra ga tàu để vào đơn vị và chỉ kịp “ghi lại” với nhau tấm hình kỷ niệm trên điện thoại.

Phút giây ấy cứ theo Khương mãi. Từ ngày ấy đến nay, cả hai người chỉ được “gặp” nhau trên điện thoại. Dường như không có ngày nào hai người không tâm sự với nhau. Khoảng cách đất liền, nơi Linh đang sinh sống học tập với biển, đảo Sinh Tồn, nơi Khương làm nhiệm vụ trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Trong men say về câu chuyện tình yêu của mình, Khương nói rằng, “Với em như thế là quá đủ. Đó cũng chính là tình cảm, niềm động viên, khích lệ em vững vàng, kiên cường hơn để chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió”. Tôi hỏi Khương, “Cả hai người yêu nhau như vậy, sao không biên thư cho nhau để tạo nên nhiều chất men hơn nữa về tình cảm?”, với vẻ thật thà, Khương nói rằng, như thế thì lâu mới được “gặp nhau”. Thay vì không viết thư, “chúng em cũng thường xuyên nhắn tin cho nhau. Coi đó như những cánh thư đi lại anh ạ”. Trong khi Khương chưa có dịp được ra mắt bố mẹ người yêu thì Linh lại thường xuyên lặn lội bảy mươi cây số về quê Khương để thăm bố mẹ người yêu. Mỗi lần đến thăm như vậy, Linh lại thông báo cho Khương biết tình hình ở quê nhà, và luôn nhắn với người yêu, “Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Em luôn tin anh và chờ anh”.

Chiều đã về từ khi nào. Hồi tàu rú vang hối thúc đoàn hành trình rời đảo Sinh Tồn để đến thăm một hòn đảo khác. Lúc chia tay, tôi nói với Khương, “Em cho anh địa chỉ của cô ấy. Anh sẽ mang món quà này đến tận nơi để trao gửi”. Khương cám ơn: “Không giấu gì anh, khoảng tháng 8 này em được về phép và cả hai đứa đã hứa hẹn tổ chức làm đám cưới. Món quà này em tặng người yêu cũng vào dịp ấy với mong muốn “Hãy tin vào tình yêu của chúng ta em nhé”.

Thêm một công trình mới ở đảo Đá Tây

Ngày 11.5, báo Tuổi trẻ phối hợp với Quân chủng Hải quân và Đoàn hành trình tổ chức khánh thành một công trình mới ở khu vực đảo Đá Tây. Đây là công trình được xây dựng thông qua cuộc vận động “Góp đá xây dựng Trường Sa” do báo Tuổi trẻ phát động. Sau một thời gian thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công trình đã hoàn thành trong niềm vui chung của cán bộ, chiến sĩ nơi đây cũng như những tấm lòng đóng góp của đồng bào cả nước. Trao đổi với chúng tôi, trung úy Nguyễn Huy Hải, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây cho biết: Thêm một công trình vững chãi ở điểm đảo Đá Tây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây trong việc ăn ở, sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi để cho ngư nhân đánh cá trên biển lưu trú khi gặp sóng to, gió lớn.