Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCS Xã hội với các tổ chức chính trị xã hội

21:42 02/08/2024     4087

Xây dựng Đoàn   ĐTN: Chiều 2/8, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức hội nghị giao ban hoạt động ủy thác 6 tháng đầu năm 2024.

 

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận hội nghị

 

Đồng chí Nguyễn Đức Hải- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và đồng chí Phạm Tiến Nam- Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH để triển khai thực hiện tốt hoạt động ủy thác, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo báo cáo kết quả thực hiện hoạt động ủy thác, đến 30/6/2024, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức CT-XH đạt 348.942 tỷ đồng, chiếm 99,49% tổng dư nợ, tăng 18.813 tỷ đồng so với năm 2023; nợ quá hạn 691 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ uỷ thác, tăng 192 tỷ đồng so với năm 2023; nợ khoanh 1.219 tỷ đồng, chiếm 0,35% tổng dư nợ, giảm 103 tỷ đồng so với năm 2023; với 168.568 Tổ TK&VV và hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ; 99,96% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 7.164 tỷ đồng, tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi hằng tháng đạt 81,3%, số dư tiền gửi bình quân 2,53 triệu đồng/tổ viên.

 

Đồng chí Lê Ngọc Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam- Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị

 

Trong đó, Dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt 51.868 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.016 tỷ đồng so với cuối năm 2023; nợ quá hạn chiếm 0,26%, nợ khoanh chiếm 0,47% tổng dư nợ nhận ủy thác; quản lý 25.300 Tổ TK&VV với trên 1 triệu khách hàng; 99,96% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 2.468 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 2,4 triệu đồng/tổ viên.

Về kết quả xếp loại Tổ TK&VV trong 6 tháng đầu năm, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các tổ chức CT-XH thực hiện rà soát, củng cố hoạt động của các Tổ TK&VV. Đến 30/6/2024, toàn quốc có 168.568 Tổ TK&VV, tăng 183 Tổ so với năm 2023. Chất lượng hoạt động của các Tổ tiếp tục ổn định, với kết quả xếp loại: 149.820 Tổ tốt (đạt 88,88%), 12.571 Tổ khá (đạt 7,46%), 5.589 Tổ trung bình (đạt 3,32%), 576 Tổ yếu (đạt 0,34%), không xếp loại 12 Tổ. Tỷ lệ Tổ xếp loại tốt và khá chiếm 96,3%.

Trong đó, Đoàn thanh niên: 21.813 Tổ tốt (đạt 86,22%), 2.233 Tổ khá (đạt 8,83%), 1.095 Tổ trung bình (đạt 4,33%), 157 Tổ yếu (đạt 0,62%), không xếp loại 02 Tổ.

6 tháng đầu năm, Trung ương Đoàn đã làm việc với 06 tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Kon Tum, An Giang, Tuyên Quang về việc thực hiện công tác ủy thác tại cơ sở, đôn đốc triển khai việc thực hiện quản lý, đánh giá chất lượng trên hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm ứng dụng; Hệ thống Đoàn các cấp đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.

Đặc biệt, Trung ương Đoàn trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn thường xuyên phối hợp NHCSXH tại địa phương tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến hoạt động ủy thác.

 

Đại diện lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

 

Bên cạnh những thế mạnh, ưu điểm, hoạt động ủy thác vẫn còn có những khó khăn, tồn tại ở một số địa phương, một số thời điểm như, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu sáng tạo, chưa đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả; Cán bộ theo dõi chuyên trách hoạt động ủy thác thay đổi nhưng chưa thực hiện bàn giao kịp thời; cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn thường xuyên, kịp thời để nắm rõ nghiệp vụ ủy thác, các chính sách sửa đổi, ban hành mới; Việc thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa đảm bảo số lượng và chất lượng kế hoạch kiểm tra…

Để thực hiện tốt công tác 6 tháng cuối năm, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục tăng cường thực hiện công tác giám sát, phản biện chính sách, chủ động báo cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ những đề xuất, kiến nghị của nhân dân liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Động viên, hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn vay vốn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức CT-XH các cấp, đặc biệt cấp xã thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác.../.

 

Trịnh Lý