Hàng trăm trí thức trẻ tham gia tuyển chọn phó chủ tịch xã

15:44 13/06/2011     1864

Xây dựng Đoàn   Để phù hợp với thời gian hoạt động của HĐND xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhu cầu thực tế của các địa phương, Bộ Nội vụ và Ban quản lý Dự án 600 phó chủ tịch (PCT) xã đã thống nhất triển khai dự án đối với 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh ngay trong năm 2011, thời gian tiếp nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 25.4.
Để phù hợp với thời gian hoạt động của HĐND xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhu cầu thực tế của các địa phương, Bộ Nội vụ và Ban quản lý Dự án 600 phó chủ tịch (PCT) xã đã thống nhất triển khai dự án đối với 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh ngay trong năm 2011, thời gian tiếp nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 25.4.



Với tinh thần tình nguyện, với tri thức và sức trẻ, hy vọng các phó chủ tịch xã sẽ góp phần đắc lực đưa đời sống đồng bào ở các xã thuộc các huyện nghèo phát triển. Ảnh: GIANG HUY

Trao đổi với PV Báo LĐ chiều 25.4, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 PCT xã - cho biết: “Ngay trong ngày 25.4 – ngày đầu tiên tiếp nhận hồ sơ - Ban quản lý dự án đã nhận được hàng chục cuộc điện thoại của các bạn trẻ hỏi về thủ tục tham gia. Ban quản lý dự án đã trực tiếp phát ra hơn 100 hồ sơ tham dự. Do hồ sơ tham dự được cung cấp từ nhiều nguồn, đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nên nhiều bạn trẻ quan tâm có thể tự in hồ sơ tham dự dự án. Ước tính, đã có hàng trăm bạn trẻ đã lấy hồ sơ để tham gia dự án”.

Theo ông Vũ Đăng Minh – Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 PCT xã - đối tượng tham gia dự án phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện: Dưới 30 tuổi, là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc đảng viên; có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của công việc (chuyên ngành kinh tế, KH-KT, nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, luật và pháp lý).

Ưu tiên tuyển chọn những thanh niên là người thuộc tỉnh có huyện nghèo, là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, hiểu phong tục tập quán địa phương. Ứng viên tham dự phải có đơn tình nguyện đến làm việc tại các xã nghèo theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian ít nhất 5 năm.

Ứng viên tham gia dự án gửi một bộ hồ sơ về sở nội vụ của các tỉnh nơi tình nguyện đến công tác, một bộ hồ sơ về Ban quản lý Dự án 600 PCT xã (số 8A Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, HN). Ứng viên được tuyển chọn đến đâu, sẽ tiến hành bồi dưỡng và bố trí về xã công tác đến đó.

Theo Ban quản lý Dự án 600 PCT xã, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã thuộc huyện nghèo còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, cũng như năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Chính vì vậy, việc tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP - ngày 27.12.2008 của Chính phủ gặp nhiều khó khăn, lúng túng và bất cập.

Kết quả điều tra, khảo sát và hỏi ý kiến 724 cán bộ, công chức của 680 xã thuộc 59 huyện trong tổng số 62 huyện nghèo năm 2010, cho thấy: Chỉ có 587 cán bộ, công chức ở xã được hỏi ý kiến cho biết trình độ chuyên môn của mình. 36 người (chiếm 6,13%) có trình độ phổ thông (từ lớp 5 đến lớp 12); 368 người (62,69%) có trình độ sơ cấp và trung cấp; 183 người (31,18%) có trình độ cao đẳng và đại học có. 98,82% số xã thuộc các huyện nghèo có nhu cầu sử dụng trí thức trẻ tình nguyện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí những trí thức trẻ, có trình độ đại học về xã công tác để giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án 600 PCT xã đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào khoảng 194,275 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn và phân kỳ theo từng năm để thực hiện. Giai đoạn 1 (2011 - 2012) là 16,814 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (2013 - 2020) là 177,461 tỉ đồng.