Giải đáp thắc mắc về Dự án 600 Phó Chủ tịch xã

16:41 09/09/2011     2547

Xây dựng Đoàn   – Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã giải đáp một số thắc mắc của các trí thức trẻ tham gia Dự án này. Các câu hỏi thường liên quan đến vấn đề tuổi tham gia Dự án, loại hình đào tạo, việc bố trí công tác…
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên-Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên-Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã
Bạn Hoàng Việt (email: bui.kieuthu@...): Tôi sinh tháng 3/1981, vậy hiện giờ tôi có được tính trong độ tuổi dưới 30 của Dự án không? Ban Quản lý Dự án có thể mở rộng độ tuổi tham gia Dự án không?

Ông Vũ Đăng Minh: Về nguyên tắc, trong văn kiện đã quy định rõ về độ tuổi đối với đội viên của Dự án là tuổi đời đủ 18 tuổi trở lên đến dưới 30 tuổi.

Căn cứ vào đó, độ tuổi của đội viên sẽ được tính đến tháng tuyển chọn, nghĩa là hồ sơ thông báo tuyển chọn của Ban Quản lý Dự án, Bộ Nội vụ bắt đầu từ tháng 4/2011.

Như vậy, nếu bạn nào sinh trong tháng 4 trở về sau thì vẫn tính tròn 30 tuổi, đối với trường hợp của bạn sinh tháng 3/1981, như vậy đã quá quy định 1 tháng. Đây là nguyên tắc, căn cứ dựa trên Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Dự án không có đủ thẩm quyền mở rộng độ tuổi.

Bạn Lương Văn Ba (email: luongbaksinh@...) và bạn Văn Nguyên (email: vo.nguyen22@...): hỏi: Có phải điều kiện dự tuyển của các ứng viên tham gia Dự án là phải tốt nghiệp Đại học hệ chính quy không? Vậy, nếu tốt nghiệp Đại học hệ tại chức hay Đại học hệ vừa học vừa làm có thuộc đối tượng dự tuyển không? Thời hạn nộp hồ sơ có còn không?

Ông Vũ Đăng Minh: Theo quy định về tiêu chuẩn đối với đội viên của Dự án yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên không quy định tốt nghiệp loại hình nào, việc xét chọn bình đẳng với tất cả đội viên đăng ký tham gia Dự án.

Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu tuyển chọn của địa phương và nhu cầu của xã, huyện mà Hội đồng tuyển chọn của tỉnh sẽ có điểm ưu tiên xét chọn đối với đội viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành phù hợp với địa phương.

Về thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia Dự án, các bạn cần lưu ý về cơ bản tại các tỉnh đã chốt thời gian đăng ký, thông báo và lịch cụ thể cho từng tỉnh. Vì vậy, nếu các bạn có nguyện vọng đăng ký thì phải căn cứ vào thời hạn tại tỉnh bạn có nhu cầu đến tình nguyện. Bởi tiến độ triển khai Dự án cũng như thời hạn kết thúc hồ sơ của từng tỉnh là không giống nhau.

Bạn Lê Văn Cường (email: mrcuongfinancial@...): Tôi ở tỉnh Bình Định, tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành kế toán. Tháng 6/2011 tôi đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia làm đội viên Dự án nhưng đến nay tôi chưa được gọi thi phỏng vấn. Nay, tôi nhận được lệnh đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và đã trúng tuyển. Xin ông cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự 18 tháng tôi có được Hội đồng xét tuyển đặc cách để được làm đội viên Dự án không?

Ông Vũ Đăng Minh: Như tôi đã nói ở trên, cơ hội là dành cho tất cả các bạn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Dự án.

Theo đó, căn cứ Công văn số 2675/BNV-CTTN của Bộ Nội vụ về ưu tiên trong tuyển chọn các bạn thuộc đối tượng ưu tiên khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên của Dự án là các trí thức trẻ có tinh thần tình nguyện vì vậy bạn có quyền lựa chọn tỉnh mà bạn mong muốn đến cống hiến.

Tuy nhiên, chỉ tiêu đặt ra là có hạn nhưng số lượng hồ sơ nhiều nên đối với các tỉnh có nhiều ứng cử viên “sáng giá”, có kết quả học tập cao, có kinh nghiệm trong nhiều hoạt động, Ban Quản lý Dự án sẽ là cầu nối định hướng, giới thiệu các bạn tình nguyện đến các tỉnh khác.

Hiện nay, tỉnh Bình Định đã có kế hoạch tuyển chọn, nếu sau khi bạn xuất ngũ tỉnh vẫn còn tuyển chọn thì bạn được ưu tiên.

Bạn Trần Thị Duyên (email: duyentran.vn@...): Tôi là sinh viên mới tốt nghiệp nhưng chưa nhận được bằng tốt nghiệp, vậy tôi có thể đăng ký tham gia Dự án và nộp bằng tốt nghiệp sau được không?

Ông Vũ Đăng Minh: Đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường cũng có cơ hội như các bạn sinh viên khác. Về nguyên tắc chúng tôi ủng hộ các bạn, tuy nhiên khi nộp hồ sơ đến xét tuyển các bạn phải có bằng tốt nghiệp và bảng điểm để tính kết quả học tập. Bởi đây là căn cứ, cơ sở lựa chọn để đưa đội viên đi phỏng vấn.

Bạn Đỗ Linh (email: linh.bhld.haiphong@...): Tôi là thanh niên Việt Nam, đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, hiện đang theo học ở nước ngoài. Xin ông cho biết, Dự án có chính sách tuyển dụng cho đối tượng là du học sinh không? Nếu có cần những tiêu chuẩn gì?

Ông Vũ Đăng Minh: Công văn số 2675/BNV-CTTN của Bộ Nội vụ về hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với đội viên Dự án là thanh niên Việt Nam, tuổi đời đủ 18 tuổi trở lên đến dưới 30 tuổi, phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch nhân thân rõ ràng, trình độ đại học trở lên, có đơn tình nguyện. Vì vậy, đối với du học sinh nếu các bạn có nhu cầu thì các bạn có thể đăng ký.

Bạn Trần Hương (email: huonglanrung@... ): Liệu có trường hợp trúng tuyển, nhưng địa phương sắp xếp một công việc khác không phải làm Phó Chủ tịch xã? Nếu gặp trường hợp này thì trí thức trẻ phải làm gì?

Ông Vũ Đăng Minh: Tôi khẳng định sẽ không có sự phân công một cách tùy tiện trong công việc như bạn đề cập đến. Bởi khi các bạn trúng tuyển vào làm đội viên Dự án là đã trải qua một quá trình đào tạo và được đánh giá đủ điều kiện để bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch xã, các bạn được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn chức danh này, các bạn được Nhà nước công nhận điều hành công việc với tư cách Phó Chủ tịch xã theo quy định của pháp luật.

Về công việc, Phó Chủ tịch xã phụ trách một lĩnh vực chuyên môn của xã theo sự phân công của Chủ tịch UBND xã, hoàn toàn không phải là công chức chuyên môn nghiệp vụ.

Tùy thuộc vào khối lượng công việc cụ thể và lĩnh vực được Chủ tịch UBND xã giao, Phó Chủ tịch sẽ có các công chức chuyên môn từng lĩnh vực “giúp việc”.

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bộ Nội vụ đã phối hợp, giải đáp thắc mắc công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.