Đào tạo cán bộ trẻ - động lực thúc đẩy sự phát triển ở huyện miền núi A Lưới

07:48 19/07/2011     3548

Xây dựng Đoàn   "Xây dựng chính quyền cơ sở ở vùng miền núi cao phải bắt đầu từ khâu yếu nhất là công tác cán bộ" - đó là sự lựa chọn của ông Võ Văn Dự, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cán bộ trẻ ở UBND xã Hồng Trung, đang hướng dẫn bà con cách gieo giống tràm hoa vàng
Cán bộ trẻ ở UBND xã Hồng Trung, đang hướng dẫn bà con cách gieo giống tràm hoa vàng
    Chuyện xảy ra từ năm 2004 và càng có ý nghĩa hơn khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo nhất nước. Ngày đó, Võ Văn Dự được điều động từ tỉnh về làm Chủ tịch UBND huyện A Lưới. Ông cho biết, khi lên với A Lưới, trong bộn bề khó khăn của một huyện miền núi vùng cao biên giới, ông nhận ra thách thức lớn nhất ở đây đội ngũ cán bộ ở đây vừa thiếu lại vừa yếu, trong khi số sinh viên tốt nghiệp đại học ra không có việc làm rất nhiều. Ông mạnh dạn bàn với lãnh đạo huyện giới thiệu 10 kỹ sư nông lâm (trong đó có 2 nữ) là con em đồng bào dân tộc thiểu số để Hội đồng nhân dân các xã biên giới bầu giữ các chức vụ phó chủ tịch UBND xã, thị trấn phụ trách các lĩnh vực kinh tế.

    Nhiều cản trở do nhận thức bảo thủ của một số cán bộ ban đầu dần dần được thuyết phục bởi ở họ có sức trẻ và có kiến thức, làm chủ được các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Tiếp đó, để tăng cường năng lực cho cán bộ cơ sở, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo huyện bàn với các xã vận động cán bộ lớn tuổi, hoặc có trình độ năng lực hạn chế tự nguyện xin nghỉ việc trước tuổi để dành chỗ cho cán bộ trẻ có điều kiện cống hiến xây dựng quê hương. Trong một thời gian ngắn, A Lưới đã vận động được 48 cán bộ nghỉ việc trước tuổi, đồng thời bố trí được 51 cán bộ có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp làm công chức cấp xã. Lực lượng cán bộ trẻ đã góp phần tăng năng lực cho chính quyền cơ sở, đảm đương tốt nhiệm vụ.

    Đối với cấp huyện, ông cũng đề xuất 4 cán bộ trẻ có tuổi đời dưới 35 tuổi, có trình độ đại học trở lên, bổ sung vào ban chấp hành Đảng bộ huyện; đề bạt được 10 cán bộ trẻ khác đã qua đào tạo và thực tiễn, sắp xếp lại 7 phòng chuyên môn cấp huyện...đã góp phần nâng cao năng lực điều hành và hiệu quả công tác quản lý hành chính.

    Ông Lê Văn Trừ, Bí thư Huyện ủy huyện A Lưới cho biết: Hầu hết lứa cán bộ ngày ấy đều phát huy hết năng lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Một số đồng chí hiện đảm đương chức vụ chủ tịch xã, trong đó có 2 cán bộ nữ thì chị Hồ Thị Hiền nguyên Phó chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, nay làm Chủ tịch Hội nông dân huyện; chị Hồ Thị Muôn, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hồng Trung vừa được bầu làm Chủ tịch UBND xã và đây là nữ chủ tịch xã đầu tiên ở A Lưới.

    Vừa làm tốt công tác cán bộ, A Lưới hiện đang hội đủ các yếu tố trong đầu tư xây dựng để phát triển. Đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới dài đến đâu, phố xá phát triển đến đó. Hệ thống giao thông với hàng trăm km đường bê tông, đường nhựa đến tận các thôn bản. Bà con đi chợ, người thân đến thăm nhau bằng xe đạp, xe máy, không còn cảnh băng rừng, lội suối như xưa kia.

    Huyện A Lưới thực hiện có kết quả phong trào xoá 100% nhà tạm cho đồng bào nghèo theo cách" nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Đến nay, toàn huyện đã triển khai xây dựng được 2.400 nhà, bình quân mỗi nhà có giá trị từ 15 triệu đến 20 triệu đồng; nhà rộng, đẹp, khang trang, thoáng mát. Hầu hết các nhà tình thương đều gắn với mảnh vườn để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, từ bỏ cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Nhiều vùng đã tạo điều kiện cho bà con nhận đất trồng rừng, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Chỉ chưa đầy 2 năm trở lại đây, nhân dân trong vùng đã tự trồng và hưởng lợi trên 1.500 ha rừng tập trung.

    Trước mắt, huyện đang tập trung thực hiện quy hoạch, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng, phấn đấu trở thành một đô thị động lực phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đô thị A Lưới sẽ kéo dài từ thị trấn A Lưới đến thị tứ A Ngo, đây cũng được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện A Lưới. Trong những năm gần đây, khu vực đô thị mở rộng của A Lưới và các vùng phụ cận được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiểu thủ công nghiệp, công trình đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia, điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới bưu chính viễn thông và các công trình phúc lợi khác đang được đầu tư. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại tăng mạnh về số lượng và chất lượng dịch vụ. Đó là điều kiện thuận lợi tác động mạnh mẽ đến hướng phát triển đô thị A Lưới.

    Tại A Lưới, hiện đang triển khai nhiều công trình trọng điểm như khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, Hồng Vân, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 49, các tuyến đường 74, 71 nối liên với huyện Nam Đông, Phong Điền. Các công trình thủy điện A Lưới có công suất gần 180MW, thủy điện A Lin với công suất gần 70MW, Nhà máy sản xuất tinh lọc caolin, các cơ sở sản xuất CN-TTCN... đang được đầu tư xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đây chính là nguồn lực và cũng là cơ hội để A Lưới phấn đấu trở thành một trong những vùng phát triển năng động phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế.../.