Công bố kho dữ liệu về dân số và nhà ở Việt Nam

08:06 22/11/2011     2921

Xây dựng Đoàn   Sáng ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) công bố 2 kho dữ liệu: Tổng Điều tra dân số, nhà ở năm 2009 và Điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm.
a
Giao diện "Kho dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009"
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Bích Lâm cho biết: Mặc dù thống kê về kinh tế - xã hội là công cụ mạnh nhất giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp quản lý đánh giá sát thực tình hình kinh tế - xã hội, nhưng cho đến nay chưa hình thành được hệ thống thông tin thống kê tập trung, thông suốt và hiệu quả; chưa có cơ chế phân cấp cho việc công bố và sử dụng thông tin. Ngoài ra, thông tin thống kê địa phương và bộ, ngành còn yếu và thiếu.
 
Chính vì vậy, TCTK đã xây dựng kho dữ liệu thống kê theo phương châm “tập trung, thông suốt và hiệu quả”, trong đó có 2 kho dữ liệu quan trọng trên nhằm phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để truyền bá thông tin tới người sử dụng, đẩy mạnh công tác phân tích dự báo thống kê cũng như nghiên cứu khoa học thống kê... đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Kho dữ liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 (có địa chỉ là http://www.gso.gov.vn/khodulieudanso) được xây dựng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nhằm hệ thống hóa, tư liệu hóa thông tin và kết quả của cuộc Tổng Điều tra.

Bên cạnh đó, Kho dữ liệu điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm (có địa chỉ là http://www.gso.gov.vn/khobdds) được xây dựng trên cơ sở thu thập, làm sạch, tích hợp và lưu trữ các thông tin của các cuộc điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm (từ năm 2000 - 2010), nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin, phục vụ công tác điều hành, ra quyết định và hoạch định chính sách. Kho cũng sẽ mở rộng cập nhật kết quả điều tra của các năm tiếp theo.

Ông Bruce Campbell - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Với việc đạt mốc 7 tỷ người vào ngày 31/10 vừa qua, dân số thế giới đã tạo ra những áp lực to lớn về nhu cầu thực phẩm, nhà ở, nước và vệ sinh. Trong bối cảnh nhóm dân số trẻ chiếm số đông trong dân số thế giới sẽ làm gia tăng nhu cầu về giáo dục, chăm sóc y tế và việc làm.
 
Do vậy, việc công bố 2 kho dữ liệu: Tổng điều tra Dân số và Nhà ở và Điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp cận và sử dụng thông tin cho việc xây dựng và giám sát, đánh giá các chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên bằng chứng cũng như giải quyết các nhu cầu nảy sinh hiện tại và tương lai. Vì vậy, những số liệu về Tổng Điều tra dân số và nhà ở 2009, cũng như những biến động DS-KHHGĐ là những số liệu quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam có căn cứ khoa học để quản lý và xây dựng, ban hành các chính sách, chương trình phù hợp nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

Với việc công bố 2 kho dữ liệu quan trọng này, người sử dụng có thể khai thác và tiếp cận dữ liệu toàn bộ gồm: Kết quả sơ bộ, chủ yếu và toàn bộ; dự báo dân số; giáo dục ở Việt Nam; xu hướng di cư, đô thị hóa; một số chỉ tiêu chủ yếu.

Ông Bruce Campbell cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp cần đầu tư các nguồn lực nhằm phân tích, sử dụng nguồn số liệu thống kê phong phú này vào hoạch định chính sách, triển khai chính sách ở cả cấp quốc gia và địa phương.
 
“Trong khuôn khổ Một Liên Hợp Quốc, chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, thông qua dự án của Tổng cục Thống kê, trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển Thống kê nhằm nâng cao chất lượng số liệu và hài hòa việc thu thập, phân tích, phổ biến và sử dụng số liệu. Các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng đang tích cực sử dụng nguồn số liệu quan trọng này để xây dựng các chương trình hỗ trợ cho giai đoạn 2012-2016” – ông Bruce nhấn mạnh. 
 
Kho dữ liệu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở và Điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm đã cung cấp một bằng chứng quý báu về cách thức thu thập, phân tích và sử dụng số liệu giúp việc lập kế hoạch phát triển được tốt hơn. Giờ đây, chúng ta có thể tiếp cận thông tin chi tiết về quy mô, cấu trúc, phân bổ dân số; mức sinh, mức chết và xu hướng di cư của Việt Nam, cũng như các thông tin về giáo dục, hoạt động kinh tế, khuyết tật và điều kiện nhà ở. Do vậy, thách thức đặt ra ở đây là làm thế nào để sử dụng tất cả những số liệu quý báu này cho sự phát triển bền vững của đất nước, ở cấp trung ương cũng như cấp tỉnh và quận, huyện.