Chàng trai người Kinh lưu giữ hàng ngàn cổ vật Thái

09:09 03/12/2012     1868

Xây dựng Đoàn   Chàng trai người Kinh Kiều Văn Kiên phải lòng cô gái Thái và quyết tâm học tiếng Thái, lập được bảo tàng văn hóa của người Thái sau khi sưu tầm được hơn một nghìn hiện vật, trong đó đa phần là cổ vật quý.

Vợ chồng anh Kiên bên bếp lửa trong bảo tàng của mình.
            Ảnh: Duy Ngợi
Vợ chồng anh Kiên bên bếp lửa trong bảo tàng của mình

Nói về gia tài mà mình cất công sưu tầm, anh Kiên, sinh năm 1977, cho biết quý hiếm nhất là hơn chục cuốn sách chữ Thái (đặc biệt là 03 cuốn gia phả của dòng tộc người Thái cách đây trên 200 năm).

Gia tài hơn 1.000 cổ vật

Những cuốn gia phả này đã ố vàng theo thời gian, nhiều chữ bị mờ không còn đọc được nữa. Khi lần đầu nhìn thấy, anh Kiên không khỏi bất ngờ vì chữ viết rất lạ không thể hiểu được.

Bỏ tiền mua và đem những cuốn sách đó về nhờ các cụ cao tuổi trong bản dịch cho, anh mới biết cuốn sách cũ tưởng chừng như vứt đi ấy là những bài thuốc gia truyền hay những câu vè, bài hát của người Thái.

Ngoài ra còn phải kể đến bộ sưu tập đồ sành, sứ với hàng trăm bát, đĩa, ấm chén. Trong bộ sưu tập này, giá trị nhất phải kể đến những chiếc bát sứ mà theo nhiều người sành chơi cổ vật, nó có xuất xứ từ thời nhà Lý. Hiện giờ, anh Kiên đang chờ bên ngành khảo cổ thẩm định.

Kỳ công nhất và cũng có giá trị không kém là chuyện anh có được chiếc sanh đồng bốn quai tay xoắn nặng 30kg với tuổi đời khoảng 300-400 năm.

Kiều Văn Kiên bên những cuốn sách chữ Thái cổ. Ảnh: Duy Ngợi.
Kiều Văn Kiên bên những cuốn sách chữ Thái cổ.

Theo anh Kiên, đây là hiện vật thể hiện tính cộng đồng rất cao và nó thường được dùng để nấu nướng trong các dịp lễ hội đình đám của người Thái.

“Để có được nó, cách đây 5 năm, tôi phải nhiều lần đến nhà một nhà người Thái để thuyết phục rằng mua để lưu giữ chứ không phải vì mục đích thương mại. Nếu không vì hoàn cảnh khó khăn phải tha hương thì họ không bán đâu”, anh Kiên kể lại.

 Nếu đến Mai Châu mà chưa đến bảo tàng này thì coi như chưa hiểu nhiều về văn hóa người Thái Mai Châu.

Một khách du lịch nhận xét

Hầu hết những cổ vật anh Kiên sưu tập được là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người Thái từ xưa như: nồi, niêu cơm, bát, đĩa, mâm, đũa, chum, bầu, cối xay đá, những dụng cụ săn bắn hái lượm như bẫy, nỏ, súng chi mai, nơm, đăng, đó... Đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời trước; Bộ đồ cúng của thầy mo gồm áo làm phép, trống, chiêng, lịch…Bộ sưu tập nhạc cụ gồm khèn bè, kèn đám ma, chiêng, cồng, trống, chập chóe, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi.

Bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai… Mỗi bộ sưu tập thường được anh sắp xếp khoa học, có đánh số thứ tự và có phần giới thiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Những ai đặt chân đến đây nếu nhìn vào đó sẽ hiểu hơn về cuộc sống, về sự hình thành và phát triển của đồng bào Thái nơi núi rừng Tây Bắc.

Ông chủ bảo tàng kiêm hướng dẫn viên

Sau khi đưa khách tham quan bảo tàng, ngồi nhâm nhi chén trà, anh Kiên nói về chuyện bén duyên với vùng đất Mai Châu (Hoà Bình).

Là chàng trai quê Thạch Thất (Hà Nội), từ thời học phổ thông Kiên đã có đam mê sưu tầm tiền cổ và thích đi đây đó. Vào những ngày nghỉ, Kiên thường cùng bạn bè hoặc một mình vác ba lô ngao du.

Chiếc sanh đồng 300 năm tuổi.
            Ảnh: Duy Ngợi
Chiếc sanh đồng 300 năm tuổi

Trong một lần về thành phố Hòa Bình, Kiên đã quen và yêu say đắm người con gái Thái là Hà Thị Lê (ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, Hòa Bình) lúc đó đang học trung cấp y tại đây.

Sau khi kết hôn, Kiên đã quyết định gắn bó cuộc sống của mình với vùng đất Mai Châu. Ngày đi làm, đêm về anh nhờ vợ dạy tiếng, chữ viết và tìm hiểu phong tục của người Thái để ứng xử với nhà vợ cho đúng lễ nghĩa.

Không chỉ vậy, anh còn rủ vợ đi vào các bản làng người Thái để học hỏi, tìm hiểu thêm và từ những chuyến đi đó, văn hóa của người Thái đã ngấm vào anh lúc nào không hay.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Huyện Mai Châu cho biết: Anh Kiều Văn Kiên bảo tổn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Thái đã thể hiện tình cảm của anh với văn hóa người Thái. Hiện tại, chúng tôi chưa có hỗ trợ gì về kinh phí cho anh Kiên nên đang kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể trong và ngoài tỉnh để phát huy tốt hơn nữa giá trị của bảo tàng.

Ngoài bảo tàng người Thái, anh Kiều Văn Kiên còn có bộ sưu tập hơn 2.000 đồng tiền cổ (đa phần là tiền giấy). Trong bộ sưu tập này có những đồng tiền xu có niên đại mấy trăm năm như đồng tiền xu thời Cảnh Hưng, Quang Trung, Gia Long…; tiền giấy Đông Dương, tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền giấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ.

Trong một lần đến chơi nhà một người trong bản, Kiên thấy những vật dụng hàng ngày để trên gác bếp của chủ nhà lạ mắt và xin được cầm xem.

Vừa ngắm, anh vừa hỏi gia chủ công dụng của từng đồ vật đã cũ và tấm tắc khen. Biết anh thích chúng, người chủ nhà đã tặng luôn anh bộ đồ của gia đình bao năm không dùng đến. Không ngờ đến giờ, những vật dụng ấy anh có đi khắp nơi tìm cũng không thấy nữa.

Bao lần ngao du đây đó, anh Kiên chứng kiến người dân trong các bản làng đã bán những vật dụng cũ cho đồng nát mà trong số đó có những đồ chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái.

Thấy vậy, Kiên nung nấu ý nghĩ sưu tập những cổ vật của người Thái. Anh thường lui tới các bản làng vùng sâu, vùng xa tìm mua lại những đồ vật cũ, cổ của người Thái.

Không chỉ tìm hiểu văn hóa người Thái ở Mai Châu, anh Kiên một mình đi xe máy lên Sơn La và về tận vùng cao Thanh Hóa, Nghệ An để hiểu và sưu tầm thêm hiện vật văn hóa người Thái ở các vùng miền.

Sau khoảng 10 năm lặn lội đi sưu tầm đồ vật cổ của người Thái, tới giữa 2012, anh Kiên đã xin phép chính quyền địa phương và dựng nên “Điểm tham quan, trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa Thái, Mai Châu” để làm nơi trưng bày, giới thiệu nền văn hóa dân tộc Thái, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch ở Mai Châu, Hòa Bình.

Hằng ngày (nhất là dịp cuối tuần) bảo tàng của gia đình anh đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Vừa là chủ bảo tàng, vợ chồng Kiên còn kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch. Khi có khách đến, Kiên thường vận chiếc áo thổ cẩm màu đỏ để giới thiệu văn hóa người Thái ở Mai Châu, từ lịch sử hình thành, cuộc sống đến từng cổ vật.

Trong thời gian tới, cùng với việc sưu tầm cổ vật, anh Kiên dự định mở lớp dạy chữ Thái miễn phí cho học sinh và thanh niên trên địa bàn, vì có biết được chữ Thái thì mới hiểu tường tận được văn hóa người Thái Mai Châu.