Cần 2.135 nghìn tỷ đồng phát triển nguồn nhân lực

15:44 13/06/2011     2081

Xây dựng Đoàn   Trong số này, vốn đầu tư cho giai đoạn 2011-2015 là 800 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2015-2020 là 1.335 nghìn tỷ đồng.
Trong số này, vốn đầu tư cho giai đoạn 2011-2015 là 800 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2015-2020 là 1.335 nghìn tỷ đồng.

Theo Dự thảo lần thứ năm về Quy hoạch Phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực Việt Nam cho cả giai đoạn vào khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong số này, vốn đầu tư cho giai đoạn 2011-2015 là 800 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2015-2020 là 1.335 nghìn tỷ đồng.

Việc huy động vốn đảm bảo cho yêu cầu phát triển nhân lực được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến trước hết vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước bên cạnh đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn từ trong dân, từ các doanh nghiệp và tổ chức; huy động các nguồn vốn nước ngoài.

Riêng việc huy động vốn cho phát triển nhân lực từ các doanh nghiệp và tổ chức sẽ pháp lý hóa trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí trực tiếp đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, từng bước tiến tới doanh nghiệp phải trở thành lực lượng chủ đạo về đào tạo nghề.
Nhà nước không chỉ khuyến khích, hỗ trợ các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty lớn trực tiếp thành lập các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp (từ trường đại học, cao đẳng đến các cơ sở dạy nghề) hoặc tham gia góp vốn vào các cơ sở đào tạo nhân lực, mà tất cả các khoản kinh phí trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp để xây dựng cơ sở đào tạo, chi phí thường xuyên đào tạo nhân lực của doanh nghiệp sẽ được khấu trừ trước khi tính thuế lợi nhuận.

Cơ sở đào tạo của doanh nghiệp có uy tín và trình độ cao sẽ được Nhà nước ưu tiên đặt hàng đào tạo theo các chương trình, dự án đào tạo có mục tiêu. Đặc biệt các cơ sở đào tạo nhân lực trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất..., ngoài những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn được hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư như tất cả các doanh nghiệp khác được xây dựng trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp và Khu chế xuất.

Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo hoạt động theo cơ chế kinh doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm, tương đương với mức đang áp dụng đối với các doanh nghiệp khoa học-công nghệ trong các khu công nghệ cao./.