Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Dùng người trẻ

15:44 13/06/2011     1863

Xây dựng Đoàn   <br> Bước đột phá trong sử dụng cán bộ trẻ sau 1975 tại Bộ KH&amp;ĐT khiến nhiều người ngạc nhiên mặc dù đây là điều hợp với quy luật tự nhiên. Dưới đây là cuộc trao đổi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
Bước đột phá trong sử dụng cán bộ trẻ sau 1975 tại Bộ KH&ĐT khiến nhiều người ngạc nhiên mặc dù đây là điều hợp với quy luật tự nhiên. Dưới đây là cuộc trao đổi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Vụ trưởng tuổi 35, vụ phó 30



Bộ trưởng Võ Hồng Phúc (Ảnh: VietNamNet)

Bộ trưởng nhận xét gì về thế hệ những người trẻ, sinh sau 1975?

Đây là những người được sinh ra, lớn lên và được đào tạo trong thời kỳ hòa bình. Họ không phải trải qua chiến tranh, nhưng cũng đã kinh qua một thời kỳ đất nước rất khó khăn, bước đầu hàn gắn viết thương chiến tranh. Họ được đào tạo với những kiến thức mới nhất, tiếp cận với những văn minh thời đại. Thế hệ này là nòng cốt của đất nước đối với chúng ta, độ tuổi từ 30 đến 45 là thời kỳ sung sức cả về thể lực và trí lực. Do vậy, thế hệ trẻ này cần có vị trí xứng đáng để ngày càng có đóng góp lớn hơn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Đối với Bộ KH&ĐT công tác phát hiện và sử dụng cán bộ trẻ ra sao, thưa ông?

Chúng tôi luôn luôn chú trọng cán bộ trẻ. Trước đây, ở Bộ KH&ĐT thường là cán bộ già. Nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, chúng tôi đã chú ý trong công tác đào tạo, sử dụng những sinh viên mới ra trường vào làm việc tại bộ. Mặc dù chưa có kinh nghiệm thực tế nhưng qua công việc hàng ngày, được phân công những nhiệm vụ cụ thể tăng cường đưa đi cơ sở, nên đội ngũ tuổi 30 tại Bộ KH&ĐT đã có đóng góp xứng đáng trong thời điểm hiện nay. Do vậy, thời gian qua khi đề bạt cán bộ, chúng tôi đã bổ nhiệm một số vụ phó ở tuổi 30. Cụ thể như Vụ phó vụ Kinh tế công nghiệp, Vụ pháp chế, Vụ Kinh tế dịch vụ, Cục phó cục phát triển doanh nghiệp, Cục phó cục quản lý đăng ký kinh doanh khi được đề bạt đều vừa tròn 30 tuổi, có người vừa được bổ nhiệm vụ phó, sinh năm 1981. Như vậy để thấy, rất nhiều cán bộ tuổi 30 đã được đề bạt vào chức vụ vụ phó, cục phó các đơn vị trong bộ.

Đối với cấp trưởng thì sao, thưa ông?

Chúng tôi cũng đề bạt một số vụ trưởng, cục trưởng khi ở tuổi 35-37. Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ được bổ nhiệm năm 2009 khi vừa tròn 35 tuổi(sinh năm 1974). Thường ở các bộ, cơ quan khác thì Vụ trưởng Tổ chức cán bộ là người già vì Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ là ủy viên ban các sự Đảng, mặc dù không được coi là cấpThứ trưởng nhưng vẫn được coi là lãnh đạo bộ bởi có nhiệm vụ xem xét, quyết định các vấn đề nhân sự, quan trọng của bộ. Đây là vị trí rất quan trọng nên thường là những người trên 50 tuổi đảm nhiệm. Nhưng ở bộ KH&ĐT chúng tôi đã sử dụng cán bộ 35 tuổi đảm nhiệm chức vụ này. Hay Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa được đề bạt sinh năm 1975, là 36 tuổi.

Không có quy hoạch treo

Thưa ông, việc bổ nhiệm cán bộ ở ta thường theo tuần tự, ưu tiên người nhiều tuổi, có kinh nghiệm, vậy tại sao Bộ KH&KT lại triển khai được như vậy?

Trước hết, chúng tôi phải làm tốt công tác quy hoạch, Bộ KH&ĐT được Ban tổ chức TW đánh giá là cơ quan làm quy hoạch cán bộ tốt nhất. Chúng tôi quy hoạch đội ngũ từ cấp trưởng, phó các đơn vị từ cơ sở. Qua đó, cơ sở có thể giới thiệu nhiều người. Những cán bộ trẻ, có năng lực, điều kiện phát triển, có đạo đức, tư cách tốt được giới thiệu. Khi có trong quy hoạch rồi thì tạo điều kiện cho cán bộ đó thể hiện, có vị thế để được đánh giá nhìn nhận.

Có quy hoạch rồi nhưng các anh, các chú bên trên chưa đến tuổi nghỉ hưu thì liệu kế hoạch có bị treo không, thưa ông?

Đối với chúng tôi, cán bộ được quy hoạch là đưa vào thực tế. Người nào đạt tiêu chuẩn là đưa vào quy hoạch, và cán bộ nào có năng lực nhất, thể hiện được nhiều nhất thì khả năng được đề bạt lớn nhất. Cùng trong quy hoạch nhưng người lớn tuổi kém hơn lớp trẻ về năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học thì phải chấp nhận lùi để lớp trẻ tiến lên.

Nói như vậy nhưng việc triển khai không đơn giản, thưa ông?

Đúng vậy. Nhưng điều quan trọng là tạo ra sự đồng thuận trong cơ quan thông qua hệ thống Đảng, chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể. Khi đó, cán bộ, công chức trong đơn vị sẽ nhận thấy đề bạt một cán bộ không phải vì cá nhân. Và điều tối kỵ là không bao giờ được riêng tư, không có cảm tình riêng với ai mà phải là sự lựa chọn sáng suốt của tập thể. Đề bạt một cán bộ là vì công việc chung, vì cơ quan. Khi đó mọi người sẽ thanh thản, ủng hộ lớp trẻ.

Vai trò của người đứng đầu

Đối với người trẻ thì thời gian thể hiện khả năng không nhiều, vậy trước khi bổ nhiệm những cán bộ này ông có lo lắng điều gì không?

Tôi hoàn toàn không lo gì cả. Tôi tin vào năng lực của lớp trẻ. Những lần họp, qua phong cách phát biểu về chính kiến của mình thì lãnh đạo có thể đánh giá đươc cán bộ. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải giao việc cho cán bộ trẻ để họ chứng minh được năng lực của mình. Đề bạt và phải giao việc cụ thể cho cán bộ.

Vậy, những vụ trưởng tuổi 35, vụ phó tuổi 30 đã thể hiện khả năng ra sao, thưa ông?

Hầu hết những cán bộ trẻ này được đánh giá tốt. Có những vụ phó 31-32 tuổi đã được quy hoạch vào Vụ trưởng, Cục trưởng. Vụ trưởng tuổi 35-37 thì đang được quy hoạch vào chức vụ thứ trưởng. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, sinh năm 1974, được bổ nhiệm năm 2009 khi vừa tròn 35 tuổi, vừa rồi được quy hoạch thứ trưởng với số phiếu cao nhất. Mà khi lấy phiếu quy hoạch lãnh đạo không có một gợi ý nào cả, phiếu chỉ đưa ra tiêu chuẩn, sau đó 160 cán bộ chủ chốt bỏ phiếu và vụ trưởng trẻ nhất được phiếu cao nhất. Việc lấy phiếu tín nhiệm rất dân chủ, chứ không phải là dân chủ hình thức, dân chủ rồi lại có ý kiến gợi ý của lãnh đạo. Hay một vụ trưởng cũn có số phiếu rất cao. Ở Bộ KH&ĐT rất rõ ràng, tiêu chuẩn là như thế, yêu cầu mọi người với tinh thần xây dựng cơ quan, hãy thể hiện chính kiến của mình, khi đó sẽ tìm được người giỏi để đề bạt.

Nhìn lại quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng những cán bộ trẻ, ông có thể đưa ra những kinh nghiệm gì?

Đó là phải mạnh dạn trọng dụng và tạo môi trường phát triển cho cán bộ trẻ. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch để từ đó phát hiện được người trẻ, người có khả năng. Thực ra, kinh nghiệm này không mới bởi từ xa xưa cha ông ta đã làm rồi. Nhìn lại lịch sử đất nước sẽ thấy, khi nào tuyển chọn nhân tài một cách công khai, dân chủ thì sẽ có người tài phụng sự đất nước. Điều này phải được thể hiện trong suy nghĩ và hành động của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!