Quảng Trị : Đánh thức đam mê từ những điều giản dị

06:23 03/12/2018     1516

3 Phong trào   Web.ĐTN: Với mục đích tạo ra những sân chơi bổ ích kích thích phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo cho thanh thiếu nhi, thời gian qua Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh Quảng Trị đã tổ chức và duy trì hiệu quả cuộc thi Sáng tạo trẻ trong đoàn viên, thanh thiếu nhi của tỉnh.

 

 

Thí sinh tham gia cuộc thi thuyết trình về sản phẩm dự thi

 

Đã trở nên quen thuộc đối với các bạn thanh thiếu nhi Quảng Trị, cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị đang dần đi vào cuộc sống, là sân chơi trí tuệ, thắp lửa đam mê sáng tạo trong thế hệ trẻ.

Cuộc thi do UBND tỉnh giao cho Tỉnh đoàn (cơ quan thường trực) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức cho học sinh từ 6 - 19 tuổi.

Trải qua 7 lần tổ chức, cuộc thi ngày càng được đông đảo học sinh biết đến và đăng ký tham gia với nhiều sản phẩm dự thi đa dạng, phong phú, có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Với mong muốn góp phần chăm lo, rèn luyện, bồi dưỡng thanh thiếu nhi, tìm kiếm, phát triển các tài năng trẻ, hình thành môi trường để các em thỏa sức sáng tạo, Ban Chỉ đạo Cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện về nội dung tổ chức, cách thức tuyên truyền để đưa cuộc thi tiếp cận tới đông đảo học sinh trong toàn tỉnh.

Cuộc thi với 5 lĩnh vực dự thi gồm: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; đồ dùng sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế... đã đáp ứng được mong muốn hiện thực hóa ý tưởng, sáng kiến của học sinh trong các lĩnh vực của đời sống và học tập.

Phần lớn các em đến với sân chơi sáng tạo, thử sức với cuộc thi xuất phát từ đam mê và động lực trong cuộc sống. Quan sát từ thực tế cuộc sống, bằng trí tưởng tượng phong phú và sức sáng tạo, các em đã tận dụng những phế liệu hay các vật liệu tự nhiên sẵn có để chế tạo ra những sản phẩm mẫu mã đẹp mắt và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần khắc phục những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Điển hình là sản phẩm “Nhà chống động đất theo cấu trúc miễn chấn” của tác giả Hoàng Công Phước Khánh, học sinh Trường THPT Vĩnh Linh.

Chia sẻ quyết định chọn đề tài này, Phước Khánh cho biết, không ít nơi ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ cao về rung chấn, về động đất nên việc cẩn trọng phòng ngừa là cần thiết.

Trăn trở này thôi thúc Khánh vào cuộc và suy nghĩ về việc thiết kế một căn nhà chống động đất theo kiểu thông thường với cấu trúc miễn chấn có thể hạn chế thấp nhất các tác động rung lắc khi xảy ra động đất để người dân có thể yên tâm sinh hoạt.

Hay mô hình “Điều khiển hệ thống tưới nước bằng mạch điện tự chế đơn giản” của nhóm tác giả Lê Thế Hoan, Nguyễn Đại Dương, học sinh Trường THCS Triệu Trạch, huyện Triệu Phong để khắc phục những hạn chế trong việc tưới nước đơn giản hằng ngày, giúp cho việc tưới nước trở nên dễ dàng, thuận tiện, phù hợp với mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng, tiết kiệm thời gian, kinh phí, đảm bảo an toàn điện.

Hay như câu chuyện không kém phần ấn tượng về chặng đường từ ấp ủ đến hiện thực hóa ý tưởng của Dương Phúc Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với giải pháp “Sử dụng dòng Foucault ở tần số cao để thay thế lò thổi oxy và phương pháp Frasch trong quá trình sản xuất thép và lưu huỳnh từ quặng sắt Pyrit” qua phong thái tự tin, làm chủ phần thuyết trình khi chia sẻ đầy thuyết phục về giải pháp của mình tại Cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị lần thứ VII, năm 2018.

Hiếu chia sẻ: “Thời học tiểu học, em thấy các chú thợ xây làm các cột trụ bằng thép. Vì tò mò, em bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu quy trình sản xuất vật liệu này. Phát hiện việc sản xuất thép gây ảnh hưởng khá lớn đến môi trường nên em bắt đầu suy nghĩ giải pháp”. Sản phẩm của Hiếu gây sự chú ý bởi sử dụng phương pháp sản xuất mới, không thải các loại khí độc hại, không gây ô nhiễm môi trường; tận dụng tối đa hàm lượng lưu huỳnh nguyên chất chứa trong quặng sắt Pyrit; hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cháy nổ trong quá trình sản xuất.

Cũng tại cuộc thi 2018, cô bé Trương Thị Châu Anh, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo đã thuyết phục hội đồng chấm thi với đề tài: “Mô hình máy sấy bằng năng lượng mặt trời”. Sản phẩm của em đã được xếp giải cao ở cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc.

Xuất phát từ trăn trở của em khi chứng kiến người nông dân vất vả một nắng hai sương mới làm nên hạt lúa, củ khoai nhưng từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều khi người nông dân phải ngậm ngùi vứt bỏ sản phẩm do mình làm ra chỉ vì bị hư hỏng ở công đoạn phơi sấy, bảo quản trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường.

Thực tế đó đã tạo động lực để em lên kế hoạch triển khai ý tưởng của mình. Sản phẩm sấy nông sản có thể điều khiển thủ công hoặc tự động thông qua các cảm biến giúp người nông dân vừa chủ động vừa tiết kiệm thời gian, bao gồm một hệ thống pin mặt trời được lắp trên mái nhà phù hợp với công suất của lò, tích hợp tự động di chuyển theo hướng mặt trời. Dòng điện sinh ra sau khi đi qua bộ phận xử lý sẽ được nạp vào ắc quy trữ điện chuyên dụng, cung cấp cho hệ thống sấy bằng may-xo và mâm quay đựng nông sản.

Tại lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị lần thứ 7, năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính cho rằng, điều đáng ghi nhận là cuộc thi đã được tổ chức đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; nhiều địa phương có số lượng thí sinh và sản phẩm tham gia lớn; tuy còn nhỏ tuổi nhưng các em học sinh đã có những ý tưởng sáng tạo hay, giàu tính thực tiễn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính mong muốn các em học sinh tiếp tục phát huy thành quả đạt được, miệt mài sáng tạo, khơi gợi niềm đam mê, có nhiều ý tưởng hay, có chất lượng để tham gia cuộc thi trong những năm tiếp theo.

Cuộc thi Sáng tạo trẻ, nơi các em học sinh không chỉ thoả mãn niềm đam mê sáng tạo mà còn gửi gắm ước mơ, khát vọng trong tác phẩm của mình. Cuộc thi hướng thanh thiếu nhi vận dụng những tri thức đã được học, những kỹ năng đã được rèn luyện, tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp hữu ích, có hàm lượng trí tuệ cao, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống, việc học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ giỏi kỹ năng, giàu tri thức.

 

Thúy An - TĐ Quảng Trị (TN)