Nữ sinh mê khoa học công nghệ
09:59 11/12/2020 3879
3 Phong trào Nữ sinh Diệp Gia Hân đam mê khoa học công nghệ đã trở thành một trong những nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực này và là một tài năng trẻ dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020.
Niềm đam mê khoa học công nghệ đã giúp Diệp Gia Hân trở thành một trong những nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực này và là một trong gần 400 tài năng trẻ dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020 tại Hà Nội trong những ngày tới.
Thành tích đáng nể
Diệp Gia Hân, sinh viên Chương trình tiên tiến ngành khoa học máy tính, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vừa vinh dự nhận được giải thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là giải thưởng danh giá do T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học - Công nghệ trao tặng.
Niềm đam mê khoa học công nghệ đã giúp Diệp Gia Hân trở thành một trong những nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực này
Trước khi trở thành Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ với nhiều thành tích nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, Gia Hân đã sở hữu “bảng vàng” ở các cuộc thi trong nước lẫn quốc tế, mà bất kỳ ai nhìn vào cũng nể phục; đặc biệt về mảng xử lý hình ảnh.
Có thể kể như trong cuộc thi khoa học quốc tế 2017 do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải tổ chức, Gia Hân đạt giải nhì.
Vào năm 2019, Gia Hân đạt hạng nhất chủ đề “Eyes and Ears” tại cuộc thi quốc tế MediaEval 2019 - EURECOM - tại Pháp. Ở cuộc thi quốc tế The Shape Retrieval 2019 - EUROGRAPHICS - tại Ý, nhóm Gia Hân tham gia chủ đề “Monocular Image Based 3D Object Retrieval” và có số điểm đứng đầu trong tốp 10.
Trong cuộc thi The Unsupervised DAVIS Challenge 2020 được tổ chức trực tuyến với nhiều nhóm tham dự từ nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu trên thế giới như Học viện Công nghệ Ấn Độ Kharagpur, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, ĐH Khoa học công nghệ Nam Kinh..., Gia Hân cũng là thành viên trong đội đạt thứ hạng cao.
Tính đến nay, Gia Hân có 7 bài báo quốc tế đã công bố về trí tuệ nhân tạo, trong đó có 2 bài là đồng tác giả. Ngoài việc đạt nhiều giải thưởng cao trong nghiên cứu, Gia Hân cũng có điểm trung bình học tập ở ngưỡng rất cao là 9,11/10 (3,91 trên thang 4), luôn trong tốp 4 sinh viên có thành tích học tập cao nhất.
Gia Hân cũng là 1 trong 2 sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM được trao bảo trợ Tài năng trẻ TP.HCM 2020 nhờ có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giao thông
Mới đây, nhóm của Gia Hân đã sáng tạo ra hệ thống giám sát ứng dụng AI để điều tiết và giám sát giao thông giải quyết bài toán tái định danh phương tiện trong video và camera. Theo đó, hệ thống này có thể dự đoán trước 15 phút hiện tượng ùn tắc giao thông. Thông tin được tổng hợp, xử lý và gửi tới những người đang trực tiếp điều khiển phương tiện để thay đổi lộ trình khi gặp ùn tắc, tai nạn.
Gia Hân cho biết đã có hơn 3.000 bộ ảnh giao thông làm dữ liệu cho ứng dụng AI. Ứng dụng có tính năng giúp theo vết các phương tiện giao thông dựa vào hình dáng và các đặc điểm nhận dạng, đồng thời tự động phát hiện sự cố bất thường xảy ra trên phố, những góc khuất nơi cảnh sát giao thông khó phát hiện được.
Gia Hân tiết lộ cả nhóm tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp các cảm biến lắp đặt trên các tuyến đường để thu thập thông tin ảnh về tình hình phương tiện, lưu lượng giao thông. Qua đó, chuẩn bị kho dữ liệu lớn để giúp việc nhận dạng định danh các phương tiện có độ chính xác cao.
Trở lại việc yêu thích và đam mê khoa học công nghệ, Gia Hân nói: “Mình đã đam mê tin học từ nhỏ. Đi sâu vào tìm hiểu về vi mạch điện tử, hệ điều hành, web... cảm thấy càng ngày càng hứng thú. Và khi bước chân vào thế giới công nghệ bao la, mình rất vui khi được thỏa sức sáng tạo, tìm hiểu vì tri thức lĩnh vực này, mình bị cuốn hút thật sự. Về trí tuệ nhân tạo, ban đầu mình tìm hiểu vì tò mò, sau đó thì thấy hứng thú và say mê, đặc biệt về mảng xử lý hình ảnh”.
Ngoài thời gian học tập, nghiên cứu, nữ sinh này còn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động Đoàn - Hội, các hoạt động thiện nguyện để trau dồi kỹ năng sống.
Nói về dự định trong tương lai, Gia Hân cho biết: “Sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân, em tiếp tục học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ và sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu sâu hơn về chuyên ngành khoa học máy tính mà em đã chọn”.
Theo thanhnien.vn Tweet