Những người trẻ “giữ hồn” văn hóa dân tộc Thái
16:31 23/03/2021 10306
3 Phong trào ĐTN: Từ nhiều năm nay, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn được gìn giữ và phát huy. Kết quả này có sức đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trong các vùng đồng bào dân tộc. Bằng những hành động cụ thể, họ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Là cộng đồng chiếm số đông với 80% tổng dân số trong toàn huyện, đồng bào dân tộc Thái ở Quỳ Châu có nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú đa dạng, đậm bản sắc dân tộc. Có thể kể đến các lễ hội đặc sắc như: Hang Bua, Phá Xăng, Xăng Khan, lống tồng... trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng như ném còn, nhảy sạp, khắc luống, hát nhuôn, suối, các phong tục, luật tục, trang phục và nhiều nét văn hóa đặc sắc mang đậm nét dân gian, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Những lễ hội này cho tới nay không hề bị mai một mà còn được lưu giữ, phát huy, nâng cao hiểu biết của người dân Quỳ Châu và khách thập phương, nhất là tuổi trẻ về văn hóa dân tộc, cũng vừa là cơ hội để thể hiện trình độ, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Thái.
Là người dân tộc Thái nhưng nhiều người trẻ nơi đây không biết nói tiếng mẹ đẻ, có bạn thì chỉ hiểu nghĩa mà không nói được tiếng Thái. Vì vậy, trên toàn huyện hiện đã mở được hàng chục lớp phổ cập chữ Thái cổ ở tất cả các xã, thu hút được trên hàng trăm lượt học viên tham gia học tập, trong đó đa phần học viên là thanh thiếu niên, cán bộ, giáo viên... Từ những lớp học, các học viên có khả năng truyền dạy lại cho người khác, qua đó hoạt động học tập, nghiên cứu tiếng nói và chữ Thái cổ ngày càng trở thành phong trào rộng và đi vào chiều sâu, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia.
Ngày hội Thanh niên với văn hóa dân tộc thái dược tổ chức tại huyện Quỳ Châu
Bên cạnh đó, việc thành lập và phát triển các CLB duy trì, bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể luôn được thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy và thể hiện thường xuyên, nhất là vào các mùa lễ hội góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, phát huy được bản sắc và tạo được chỗ đứng bền vững trong xã hội có nhiều biến đổi và sự giao thoa của các nền văn hóa. Tính đến nay toàn huyện đã có 12 CLB văn hóa Thái, trong đó có 01 CLB cấp tỉnh, các CLB đều có thành viên là thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Thị Hiếu - Bí thư Huyện đoàn Quỳ Châu chia sẻ: “Ngoài vốn kiến thức hiện có, ĐVTN luôn không ngừng trau dồi thêm những điều mà bản thân chưa biết về văn hóa truyền thống, Qqua những hoạt động mà các CLB tổ chức tuổi trẻ đã được giao lưu, gặp gỡ, mạnh dạn, tự tin hơn và cảm thấy tự hào vì mình là người con của đồng bào Thái”
Cũng là quê hương của những điệu nhuôn, điệu khắc luống; thế hệ trẻ Con Cuông hôm nay luôn ý thức sâu sắc việc bảo tồn, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống. Tại các trường học, đoàn viên, học sinh mặc trang phục truyền thống Thái vào mỗi ngày thứ 2 và thứ 6 trong tuần. Bên cạnh đó là các lớp dạy về ca hát, nhảy, cồng, chiêng, dạy đan lát thổ cẩm cho học sinh; sinh hoạt cuối tuần với các chủ điểm về tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về phong tục, tập quán, các Hội thi tìm hiểu, các hoạt động ngoại khóa, các chương trình văn nghệ gắn liền với truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc Thái,… nhằm cung cấp, trang bị cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về các thông tin, các địa danh, điểm du lịch tại địa phương. Trên toàn huyện nay đã thành lập được 26 Câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ Thái tại 12/13 xã, thị trấn của huyện, trong đó nhiều nhất là xã Yên Khê (7 CLB) và xã Môn Sơn (5 CLB).
Huyện Con Cuông có điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn xã Bồng Khê, bản Xiềng xã Môn Sơn, bản Nưa và bản Pha xã Yên Khê rất nổi tiếng, thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Việc hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ khách du lịch, trông giữ xe, thu gom rác thải, luyện tập và biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc… là những mô hình mới, nhận được sự quan tâm, khuyến khích, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp chúng em góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên quê hương mình, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên thời đại mới, quảng bá về văn hóa dân tộc Thái nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, vì thế ngày càng có thêm nhiều thành viên tham gia. Đồng thời những hoạt động này cũng thiết thực tạo ra nguồn thu nhập chính đáng cho ĐVTN trang trải cuộc sống. Năm nay tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lượng khách có giảm nhưng cũng không làm “giảm nhiệt” hoạt động tình nguyện của ĐVTN, vẫn luôn xung kích, chịu khó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được gọi tên”.
Có thể khẳng định rằng, từ những hoạt động thực tiễn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái mà các đơn vị tổ chức trong thời gian qua đã góp phần khơi dậy thế hệ trẻ ý thức việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa. Nhờ đó, ý thức của cộng đồng dân cư sẽ được nâng lên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống sẽ được phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Và chỉ có như thế mạch nguồn văn hóa truyền thống của người Thái mới được tuôn chảy theo thời gian./.
Thảo Trang – Tỉnh đoàn Nghệ An Tweet