Khát vọng của hai nữ trí thức trẻ

04:08 26/11/2018     2444

3 Phong trào   Một người gắn bó với thiên nhiên môi trường, một người kết duyên với công nghệ - nghệ thuật, hai nữ trí thức Khưu Thuỳ Dương và Katherina Huong Nguyen đều khát khao cống hiến vì cộng đồng.


Khưu Thuỳ Dương bên một chú rùa ở Vườn Quốc gia Côn Đảo Ảnh: NVCC
 

Công tác tại khoa Sinh ĐH Sư phạm Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, TS. Khưu Thuỳ Dương còn đảm trách vai trò điều phối chính chương trình Cộng đồng Đại Dương (Blue Communities) do Quỹ Môi trường thiên nhiên (NERC) của chính phủ Anh tài trợ. Chương trình có tổng kinh phí 225 triệu bảng Anh, nhằm xây dựng năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo sinh kế và phúc lợi xã hội cho cộng đồng sống ven biển. “Có lẽ tên của tôi đã nói lên cái duyên đối với biển. Sinh ra trên đảo ngọc Phú Quốc nên từ bé tôi đã yêu biển”,TS. Dương chia sẻ.

Tình yêu với Phú Quốc đã khiến TS. Dương day dứt khi chứng kiến sự đổi thay chóng mặt tác động đến môi trường, sinh vật biển. Cô quyết định làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về quản lý tài nguyên biển và tập trung tìm giải pháp phát triển, quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển.
Để có thông tin xác thực nhất cho nghiên cứu, TS. Dương không quản neo mình nơi heo hút. Cô từng ở trạm kiểm lâm trên đảo nhỏ thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo trong điều kiện thiếu nước sạch, điện. “Suốt một tháng đều đặn từ 10h đêm đến 5h sáng, tôi cùng các nhân viên kiểm lâm ra bãi rùa đẻ làm công tác đỡ đẻ và bảo vệ cứu hộ tổ trứng rùa. Những ngày trời không có gió, tôi đều bị những con bọ cát đốt kín chân tay”, TS. Dương nhớ lại.

“Tôi hy vọng với nghiên cứu của mình sẽ đóng góp các dữ liệu và bằng chứng có giá trị cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách hợp lý về biển và bảo vệ môi trường”, TS. Khưu Thuỳ Dương nói.

Người se duyên công nghệ - nghệ thuật

Nữ thiết kế công nghệ người Mỹ gốc Việt Katherina Huong Nguyen mới đây đã ghi dấu ấn với vai trò giám tuyển của Triển lãm Nghệ Thuật & Công Nghệ: Nghệ Thuật như Sự Tri-Nhận tổ chức tại Hà Nội và TPHCM. Triển lãm khai thác chủ đề khám phá tiềm năng kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật và công nghệ hiện đại. Mỗi tác phẩm đều mang đến nhiều suy tưởng về sự tri - nhận: Quá trình sáng tạo của con mắt cơ học và trí thông minh điện toán; trải nghiệm của giác quan và suy tưởng về môi trường; quang học và vẻ đẹp của vũ trụ bên trong.

Để có Triển lãm Nghệ Thuật & Công Nghệ: Nghệ Thuật như Sự Tri-Nhận, Katherina Huong Nguyen đã trao đổi ý tưởng với nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học, kỹ sư. Thách thức lớn nhất là phải hiểu được cách tiếp cận và công nghệ của nghệ sĩ, phản ứng khán giả đối với các tác phẩm nghệ thuật. Điều giúp cô vượt khó để thành công chính là niềm tin. “Tôi tin họ có thể tạo ra những tác phẩm vì họ có kiến thức sâu sắc về khả năng của phương tiện công nghệ đang sử dụng trong công việc. Họ thử nghiệm theo những cách mới lạ, khác thường”, Katherina Huong Nguyen nói.

Katherina Huong Nguyen đang tiếp tục nghiên cứu các cách kết hợp công nghệ - nghệ thuật trong không gian bảo tàng. Cô cho biết, bảo tàng là lĩnh vực phong phú để thử nghiệm các công nghệ mới và cung cấp môi trường cho mọi người tìm hiểu, tiếp nhận thông qua các tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ theo cách mới lạ. Qua đó, chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo tồn nghệ thuật, giáo dục nhân văn và tiềm năng của các tổ chức nghệ thuật. “Các bảo tàng tương lai sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn những khám phá khoa học công nghệ mới trong khi lưu giữ tài năng của các nghệ sĩ”, Katherina Huong Nguyen nói.

“Có rất nhiều tiềm năng sáng tạo trong giới trẻ vì họ vẫn đang phát triển, học hỏi và tò mò về thế giới. Bạn có thể có nhiều hơn một niềm đam mê hoặc dành thời gian để khám phá theo cách bạn muốn tác động đến công việc của mình”, Katherina Huong Nguyen nói.

TS. Khưu Thuỳ Dương và nhà thiết kế công nghệ Katherina Huong Nguyen là hai trong số gần 200 đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu lần thứ nhất do Trung ương Đoàn tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 27-29/11.

 

Nguồn TPO-BA