Kết nối sức mạnh trí thức trẻ Việt
04:22 28/11/2018 1487
3 Phong trào Ngày 28/11, tại Đà Nẵng, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất 2018 chính thức khai mạc, quy tụ 200 trí thức trẻ tiêu biểu trong và ngoài nước. Xin ghi lại những chia sẻ của các trí thức trẻ với mong muốn kết nối sức mạnh của trí thức trẻ Việt trong kỷ nguyên 4.0.
TS. Phan Minh Liêm, Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ:
“Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
TS. Phan Minh Liêm (SN 1983) hiện còn là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại trường ĐH Texas (Hoa Kỳ). Anh là người Việt đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Trung tâm Ung thư MD Anderson đặt tại Houston, Texas, trung tâm về ung thư số một tại Mỹ. Anh cũng từng đạt Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.
“Tại Diễn đàn, tôi xin phép được đóng góp những tiến bộ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gen vào việc điều trị và tầm soát ung thư cho người Việt Nam. Đồng thời đề xuất những chương trình đào tạo online cho sinh viên Việt Nam, những khóa đào tạo online cho các bạn trẻ miễn phí về các lĩnh vực chuyên môn để các bạn trẻ nâng cao kiến thức, kỹ năng và kết nối chuyên môn", TS. Liêm bày tỏ.
TS. Liêm cho rằng, số lượng trí thức trẻ của Việt Nam hiện nay rất nhiều, các bạn có rất nhiều hoài bão, muốn đóng góp cho đất nước nhưng “một cánh én khó có thể làm nên mùa xuân”. Nếu tất cả anh em cùng chung tay lại thì “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi chung tay lại các bạn trẻ sẽ làm được nhiều điều cho đất nước. “Tôi rất mong muốn thông qua Diễn đàn này, mọi người sẽ kết nối được với nhau, cộng hưởng sức mạnh, tạo ra những dự án lớn, hiệu quả, có ích cho đất nước. Diễn đàn nên được tổ chức thường niên để anh em có cơ hội gặp gỡ, kết nối. Như trong lĩnh vực kỹ thuật, việc tương tác với nhau thường xuyên mới ra được ý tưởng. Phải có tính kết nối cao mới có thể thực hiện được các ứng dụng liên ngành. Mỗi người một phương trời thì rất khó”, TS. Liêm đề xuất.
Nguyễn Duy Tâm, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore):
Xây dựng cơ chế kết nối các trí thức trẻ
Là người đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), về nước tham dự Diễn đàn, anh Nguyễn Duy Tâm (SN 1990) mong muốn chia sẻ về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn bức xạ mặt trời phong phú ở Việt Nam. Theo anh Tâm, Việt Nam có ưu thế về lượng chiếu sáng của bức xạ mặt trời, ước tính 1.600 - 2.700 giờ chiếu sáng/năm với lượng bức xạ trực tiếp trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày (theo GE Reports).
“Bức xạ mặt trời là nguồn năng lượng vô tận mà hiện nay Việt Nam chưa tận dụng được. Vấn đề lớn nhất trong việc sản xuất quy mô lớn và sử dụng đại trà năng lượng mặt trời không chỉ là giá thành đầu tư, mà là khả năng lưu trữ”, anh Tâm cho biết và đề xuất một số giải pháp dựa trên các công nghệ vật liệu mới để nhằm giảm tải các tác động tiêu cực, đồng thời tăng cường hiệu quả của việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời như sử dụng vật liệu cấu trúc nano...
Anh Nguyễn Duy Tâm kỳ vọng Diễn đàn sẽ xây dựng được cơ chế hoạt động phù hợp để kết nối các trí thức trẻ Việt Nam, từ đó tạo lập được các nhóm cùng lĩnh vực, đối tượng quan tâm để có thể chia sẻ, hợp tác nghiên cứu.
Cao Thị Ánh Tuyết, ĐH Trắc địa bản đồ Moscow (Nga):
Mỗi nhà khoa học trẻ sẽ là một đại sứ khoa học
Từng đoạt giải thưởng triển vọng KOVA, đạt học bổng toàn phần và đang du học tại ĐH Trắc địa bản đồ Moscow (Nga), Cao Thị Ánh Tuyết (SN 1995) theo đuổi nghiên cứu về sử dụng tư liệu viễn thám để đánh giá chất lượng các bãi rác thải có sự kiểm soát và bãi rác thải tự do. Về nước tham dự Diễn đàn, chị mong muốn chia sẻ việc ứng dụng công nghệ viễn thám để theo dõi tình trạng các bãi rác thải, đánh giá ảnh hưởng của chúng đến môi trường sống và quy hoạch lại.
“Các số liệu thu thập được là cơ sở xác định khối lượng rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày, đồng thời ứng dụng GIS xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập bản đồ chuyên đề rác thải khu dân cư để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong thu thập, lưu trữ và xử lý số liệu, thông tin phục vụ công tác quản lý chất thải rắn giữa các cấp quản lý và địa phương”, Tuyết cho hay.
Ánh Tuyết hy vọng Diễn đàn không chỉ kết nối được các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong nước và ngoài nước mà tạo được kênh chia sẻ nghiên cứu liên ngành, hỗ trợ biến các ý tưởng hay, phù hợp thực tiễn được áp dụng vào cuộc sống. "Mỗi nhà khoa học trẻ sẽ là một đại sứ khoa học lan toả niềm đam mê nghiên cứu và cống hiến tới đông đảo bạn trẻ khác, từ đó xây dựng được đội ngũ trí thức tiềm năng", Tuyết bày tỏ.
TS. Chu Đình Tới, giảng viên tại ĐH Sư phạm Hà Nội:
Tạo sân chơi cho các trí thức trẻ
Tại Diễn đàn,anh tham gia với tư cách là một người trong Ban tổ chức, xây dựng chương trình, góp ý các báo cáo đề dẫn, chuyên đề… Bên cạnh đó, anh tham gia điều hành phiên chuyên đề với chủ đề Thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao trong khoa học - công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
“Tôi rất kỳ vọng Diễn đàn sẽ là cầu nối giúp các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước tham gia góp phần phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sau Diễn đàn sẽ có những nhóm ngành nghiên cứu liên ngành để tạo sân chơi cho các trí thức trẻ trong và ngoài nước thực hiện được những nghiên cứu có ý nghĩa và đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước và thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu khoa học”, TS. Tới cho hay.
Nguyễn Lê Đình Quý, Viện Chính sách công và Quản lý IPPM:
Mong muốn Diễn đàn được tổ chức thường niên
Nguyễn Lê Đình Quý (SN 1996), ở Viện Chính sách công và Quản lý IPPM, có hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học công bố trong nước và quốc tế. Anh là đồng tác giả công trình SCIE được xếp hạng Q4 và Q2 theo bảng xếp hạng SCImago, công trình có trong danh mục tạp chí Scopus/ISI...
“Đến với Diễn đàn tôi sẽ đóng góp ý kiến xây dựng chính sách thúc đẩy giáo dục STEM. Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học; trong đó, các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực. Học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu. Từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới”, Quý cho biết.
Nguyễn Lê Đình Quý cũng mong muốn Diễn đàn được tổ chức thường niên, giúp quy tụ người Việt trẻ từ khắp nơi trên thế giới để có thể cùng tham gia xây dựng, đưa ra các ý tưởng, khuyến nghị, đề xuất với Chính phủ. “Hi vọng diễn đàn sẽ trở thành kênh tham vấn trí thức trẻ của Chính phủ để người trẻ có thể đóng góp thiết thực tài năng vào xây dựng và phát triển đất nước”, Quý nói.
(Nguồn TPO)- ĐH Tweet