Học trò Hà Nội lập trang web tư vấn phòng chống bạo lực học đường

11:22 24/09/2023     6615

3 Phong trào   ĐTN: Lập kênh truyền thông trong đó có website tư vấn phòng chống bạo lực học đường là một trong những giải pháp được nhóm học sinh, sinh viên, trường Đại học Hà Nội và THPT Chu Văn An đưa ra trong báo cáo khoa học: "Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường”.

“Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường" là một trong 4 báo cáo xuất sắc được nhận Bằng khen


Đây là một trong bốn báo cáo xuất sắc được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao bằng khen tại Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, với chủ đề “Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Mạng xã hội… làm gia tăng bạo lực học đường

Theo bạn Đinh Minh Quang - học sinh lớp 12 Chu Văn An - chủ nhiệm đề tài là nhân tố nhỏ tuổi nhất tại hội thảo, với hàng trăm mạng xã hội khác nhau như Facebook, Youtube, Twitter, MySpace... mạng xã hội cung cấp không chỉ tiện ích và lợi ích mà còn xuất hiện những hệ lụy tiêu cực đáng lo ngại. Hiện tượng "khủng hoảng thông tin", "nghiện online" và các vấn đề bạo lực như "bắt nạt trực tuyến", "bạo lực mạng", "bắt nạt qua mạng" và "bạo lực học đường trên không gian mạng" ngày càng trở nên phổ biến.

 


Việc sử dụng mạng xã hội mà không có đủ hiểu biết về tính tiêu cực và nguy cơ tiềm tàng trên không gian đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến hành vi cá nhân, từ đó dẫn đến sự gia tăng của bạo lực học đường, với mức độ nguy hiểm và hậu quả nặng nề hơn. Mạng xã hội có khả năng dễ dàng phát tán thông tin, hình ảnh, đã trở thành một công cụ để tạo áp lực tinh thần lên những bạn đồng trang lứa.

Tuy nhiên, nhận thức của học sinh về tác động tiêu cực của mạng xã hội vẫn còn hạn chế. Họ cũng thiếu hiểu biết đúng đắn về biểu hiện, hậu quả và cách ứng phó với những tình huống tiêu cực trên mạng xã hội.

“Việc phân tích nhận thức về tác động tiêu cực của mạng xã hội đến bạo lực học đường ở các bạn học sinh THPT có ý nghĩa quan trọng. Điều này giúp chúng ta định hướng và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội, từ đó giảm tỷ lệ bạo lực học đường trong các trường THPT hiện nay”, Quang chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác động tiêu cực của mạng xã hội đến bạo lực học đường, đặc biệt là đối với các bạn học sinh THPT ở thành phố Hà Nội. Vì lý do này, Quang và các thành viên nhóm nghiên cứu quyết định chọn đề tài “Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường”.

Đề tài của nhóm nghiên cứu hướng đến các giải pháp cho 2 nhóm câu hỏi: Thực trạng nhận thức về các tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường, nguyên nhân, cách ứng phó của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội như thế nào? Cần những biện pháp nào để nâng cao nhận thức phòng ngừa, ứng phó với những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với hành vi bạo lực học đường ở học sinh THPT?

Nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên

Để giải quyết những nội dung này, nhóm đã làm việc chăm chỉ trong 8 tháng với nhiều cuộc khảo sát, đáng giá khác nhau. Trong đó, nhóm bạn trẻ chú trọng khảo sát thực trạng nhận thức về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó, họ đề xuất và thực nghiệm một số biện pháp nâng cao nhận thức, cách ứng phó, phòng ngừa đối với các biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội tới bạo lực học đường.

 


Bạn Nguyễn Hiền Thảo, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, giải pháp đầu tiên nhóm hướng tới là nâng cao nhận thức cho học sinh về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội thông qua các bài viết, những mẩu tin sưu tầm từ sách, báo, tiểu phẩm về ý nghĩa của văn hóa ứng xử cũng như hậu quả của những hành vi sự phi chuẩn mực. Những thông tin này được đăng tải trên bảng tin, bảng tuyên truyền điện tử hay trưng bày tranh tại các lối đi, thư viện...

Bên cạnh đó, việc hình thành các câu lạc bộ kỹ năng cho bạn trẻ có ý nghĩa quan trọng. Giải phấp này được thực hiện sáng tạo thông qua sinh hoạt câu lạc bộ dưới sự hướng dẫn của giáo viên với tần suất từ 1-2 lần/tuần với các mô hình như: “Alô. Xin chào!” “Hãy cho tôi biết!” “Điều em muốn nói”; Tổ chức các hoạt động học tập nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, ghép cặp để học sinh giúp đỡ nhau trong việc phát triển bản thân.

 

Hình ảnh truyền thông trên website: http://tuvanbaoluchocduong.vn


Đặc biệt, nhóm bạn trẻ đã xây dựng kênh truyền thông về phòng chống bạo lực học đường và bạo lực trên không gian mạng. Nhóm đã lập fanpage “Chương trình phòng chống bạo lực học đường” và website: http://tuvanbaoluchocduong.vn. Ngoài ra nhóm còn xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn “Bạo lực ảo, hậu quả thật”.

Trong đó, website: http://tuvanbaoluchocduong.vn xây dựng các chuyên mục phản ánh ảnh hưởng của mạng xã hội đến bạo lực học đường; Hành vi bạo lực học đường đến sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh; Các biện pháp học sinh có thể tự áp dụng để phòng ngừa những tác động tiêu cực từ mạng xã hội hay tự bảo vệ bản thân trước những hành vi bạo lực học đường, bạo lực trên không gian mạng…

“Từ khảo sát thực tiễn cho thấy, mỗi ngày học sinh THPT sử dụng mạng xã hội 2-3 giờ (chiếm 26,9%, có tỉ lệ cao nhất), tiếp đến là từ 1 đến 2 giờ, tuy nhiên trên 4 giờ là 21%. Kết quả này cho thấy học sinh THPT đang dành khá nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội. Việc dùng chính mạng xã hội, website để nâng cao nhận thức cho họ mang đến nhiều hiệu quả bởi khả năng tiếp cận không giới hạn về không gian, thời gian nên hiệu ứng lan toả rộng và khả năng duy trì lâu dài”, Hiền Thảo chia sẻ.

Với sự thiết thực và mang tính thời sự cao, đề tài nghiên cứu của nhóm bạn trẻ sẽ được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với các tập thể, cá nhân có chuyên môn hỗ trợ, hoàn thiện hướng đến việc công bố quốc tế.

Bảo Anh