Hà Nội: Những dự án vì cộng đồng
08:23 12/06/2024 4075
3 Phong trào ĐTN: Với chủ đề “Thành phố sáng tạo thông minh”, cuộc thi thử thách khởi nghiệp vừa được Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, đem đến sân chơi để sinh viên xây dựng và đưa ra những ý tưởng sáng tạo với các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một số ý tưởng, giải pháp đã được áp dụng trong thực tiễn, mang lại giá trị cho cộng đồng.
Nhóm sinh viên trao đổi về dự án “Phát triển pin Lithium từ vật liệu Biomass”.
Góp phần bảo vệ môi trường
Từ vỏ chuối, một nhóm sinh viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Ngoại thương đã chế tạo pin Lithium. Dự án “Phát triển pin Lithium từ vật liệu Biomass” đã giành giải Nhất cuộc thi thử thách khởi nghiệp “Thành phố sáng tạo thông minh năm 2024”.
Sinh viên Nguyễn Bảo Khánh, đại diện nhóm cho biết, công nghệ cốt lõi của dự án là sản xuất than hoạt tính được làm từ vỏ chuối. Nhóm thu gom vỏ chuối từ các nhà máy sản xuất, sau đó sơ chế, xử lý để thành than hoạt tính rồi ép thành pin. Dự án giúp cho doanh nghiệp không phải khai thác lượng than chì truyền thống, giảm được tình trạng ô nhiễm; tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế, đồng thời cung cấp giải pháp xanh cho các doanh nghiệp hiện nay…
“Để có sản phẩm ngày hôm nay, chúng tôi đã rất vất vả, có những đêm thức trắng để nghiên cứu, bàn bạc và phải mất gần 2 năm mới có thể hoàn thiện dự án. Điều rất mừng với nhóm là, hiện tại, qua cuộc thi khởi nghiệp đã có nhiều nơi biết đến dự án và đề nghị hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất”, Nguyễn Bảo Khánh cho biết.
Một dự án cũng đem đến giải pháp giảm thiểu rác thải môi trường, hướng đến phát triển bền vững và đoạt giải Nhì cuộc thi là "dự án BRIAL - Gạch từ phế thải xỉ nhôm" của nhóm sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Giải pháp của các bạn sinh viên là tận dụng xỉ nhôm thải ra từ quá trình sản xuất để thay thế nguyên liệu, tạo ra loại gạch tái chế giá rẻ. Ý tưởng xuất phát từ câu chuyện nhức nhối từ xỉ thải nhôm của làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (tỉnh Bắc Ninh) với 370.000 tấn xỉ nhôm xả ra môi trường trong 30 năm qua chưa được xử lý.
Sinh viên Cao Đức Tâm, đại diện nhóm cho biết: "Chất thải xỉ nhôm gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe thậm chí là tính mạng con người. Việc sản xuất gạch sử dụng khoảng 50% là phế thải xỉ nhôm giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các làng nghề hiện nay”.
Đặc biệt, không chỉ là ý tưởng, dự án đã bước đầu được triển khai trên thực tế với quy mô nhỏ. Sản phẩm làm ra đã được kiểm định và cấp giấy chứng nhận về an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Giải quyết vấn đề của cộng đồng
Theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, cuộc thi thử thách khởi nghiệp với chủ đề “Thành phố sáng tạo thông minh”, được tổ chức nhằm tạo ra môi trường để học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp, giải quyết các vấn đề của cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
“Cuộc thi cũng đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho thế hệ thanh niên, sinh viên; tạo lập văn hóa khởi nghiệp; liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ.
Đúng với chủ đề “Thành phố sáng tạo thông minh”, nhiều dự án của các bạn sinh viên có khả năng ứng dụng cao, xuất phát từ những ý tưởng thực tế, nhằm hướng đến phục vụ lợi ích cho cộng đồng.
Đơn cử như dự án “Fire Escape - Trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy” của nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng. Dự án trang bị hệ sinh thái trải nghiệm phòng cháy, chữa cháy nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với cháy, nổ. Fire Escape đem lại sự gần gũi với hình thức tương tự như các Escape game (trò chơi trốn thoát) đang rất phổ biến hiện nay.
Chia sẻ về dự án, sinh viên Vũ Thị Phương Mai, nhóm trưởng dự án cho biết, Fire Escape sẽ trang bị kỹ năng, cung cấp một tổ hợp các hoạt động về phòng cháy, chữa cháy, bắt đầu từ việc trao cho người chơi những kỹ năng sinh tồn khi gặp hỏa hoạn cho đến trải nghiệm với độ khó tăng dần, mô phỏng tương đương ở môi trường thực tế. Được biết, trong thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ đưa dự án Fire Escape tới các trường học trên địa bàn thành phố để giáo dục kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho các học sinh, sinh viên.
Bên cạnh 3 dự án với nhiều ý tưởng, giải pháp sáng tạo đầy hữu ích, hướng đến cộng đồng, đoạt giải cuộc thi kể trên, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Tiến Hưng cho biết, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi thử thách khởi nghiệp “Thành phố sáng tạo thông minh năm 2024” đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tận dụng phế thải nông nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính. Đó là tín hiệu tích cực thể hiện tinh thần quyết tâm của các nhà sáng tạo trẻ, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xanh và bền vững.
“Với các dự án có tính khả thi cao, Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố cố gắng huy động các nguồn lực để hỗ trợ các sinh viên, từ ý kiến chuyên gia đến tài chính, nguồn lực tổ chức. Thời gian qua, các đội đã được kết nối với các chuyên gia trong chiến lược kinh doanh, mô hình tài chính để có thể đưa các dự án, ý tưởng, sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố tiếp tục kết nối với các vườn ươm, hỗ trợ các dự án để các bạn trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp”, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ thêm.
Dương Linh - Chu Hoa Tweet