Đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro
02:41 29/11/2018 1759
3 Phong trào Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất 2018, chiều 28/11, các đại biểu tập trung thảo luận chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh”, nêu vai trò của trí thức trẻ trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay.
Các đại biểu thảo luận để làm rõ thêm các chủ đề tại Diễn đàn
Cần chính sách thiết thực để thu hút nhân lực
Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam xếp thứ 45 trên thế giới và thứ 4 Đông Nam Á (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan) theo bảng xếp hạng Global Innovation Index 2018. Theo ThS Nguyễn Bích Ngọc, Đại học Kinh tế Quốc dân, ở các nước phát triển, đổi mới sáng tạo thể hiện rõ nhất ở quá trình tạo ra tri thức mới. Còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đó là quá trình tiếp cận tri thức mới thông qua nhập khẩu, chuyển giao công nghệ.
Đề xuất thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo quốc gia
Nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Hoàng (Đại học Szent István, Hungary) chia sẻ về mô hình Hội đồng đổi mới sáng tạo tại Thụy Điển. Hội đồng này gồm các chuyên gia học thuật về các lĩnh vực khác nhau, các CEO của các tập đoàn hàng đầu Thụy Điển, 4 bộ trưởng... “Tư duy đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, tùy theo thế mạnh riêng ở từng khu vực, vấn đề quản lý của từng khu vực. Mỗi năm, Hội đồng này họp 4 lần, các cuộc họp sẽ được tổ chức tại các vùng khác nhau, do Thủ tướng chủ trì”, anh Hoàng chia sẻ và đề xuất thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo quốc gia với cơ chế trao quyền cho các thành viên.
Thực tế hiện nay đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp mới chỉ thể hiện ở việc đưa yếu tố công nghệ vào quá trình sản xuất, ở các quá trình khác chưa thể hiện rõ. “Vai trò của Chính phủ trong đổi mới sáng tạo là tạo môi trường thuận lợi và ưu đãi, tạo điều kiện cho quá trình đổi mới sáng tạo, khởi xướng và kết nối các đơn vị nhà nước với các doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp, cần nhìn nhận thách thức từ thị trường để lựa chọn những ý tưởng mới có giá trị cao, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”, ThS Ngọc nói.
Về vai trò của trí thức trẻ trong đổi mới sáng tạo, TS Đỗ Anh Đức, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định trí thức trẻ Việt Nam là bản lề tạo nên đổi mới sáng tạo; tối ưu hóa những cơ hội kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và nước ngoài với các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phát huy ứng dụng của nghiên cứu cũng như đem lại năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, TS Lê cho rằng cần nhìn nhận xem việc thu hút lực lượng trí thức trẻ từ nước ngoài có đang hiệu quả hay không? Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nguồn nhân lực cao này đã đủ để thu hút hay chưa? Đó là vấn đề cần giải quyết để thu hút lực lượng trí thức trẻ cống hiến.
Chấp nhận rủi ro khi khởi nghiệp
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay. Đó là dựa trên những đổi mới về khoa học công nghệ để thương mại hóa và tạo ra lợi nhuận. Theo TS Đoàn Quang Huy, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chưa có gì nhiều. Về chính sách, Việt Nam mới có Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2015 và Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Những chính sách này mới chỉ xuất hiện khoảng 1 - 2 năm trở lại đây và chỉ như vài viên gạch đặt nền móng ban đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”, TS Huy nhận định.
Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Với chủ đề “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0”, TS Nguyễn Trọng Hồng Phúc (Đại học Cần Thơ) chia sẻ về các mô hình giáo dục STEM trên thế giới và tính khả thi khi đưa vào Việt Nam. Theo TS Phúc, trên thế giới, STEM đã phát triển từ rất lâu và rất thành công. Lí do thành công của họ là sự đồng bộ của giáo dục STEM, bao gồm chính sách, cơ sở hạ tầng giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá. Thành công còn đến từ sự tham gia của các thành phần: nhà trường, gia đình, xã hội.
Trả lời câu hỏi làm sao phát triển được nguồn nhân lực để có thể thúc đẩy giáo dục STEM ở Việt Nam, TS Phúc cho rằng phải có được đội ngũ quản lý am hiểu về giáo dục STEM, tiếp đến đội ngũ giảng viên, sinh viên sư phạm và giáo viên các cấp. Đồng thời, cần có cơ sở vật chất - cơ sở dữ liệu; có các khoá huấn luyện về giáo dục STEM; chính sách giáo dục phù hợp. TS Phúc đề xuất với các nhà quản lý giáo dục cần phải thiết lập chính sách khuyến khích giáo dục STEM, tạo bộ khung chuẩn cho STEM Việt Nam.
TS Huy cho rằng, các nhà khởi nghiệp phải mang tinh thần khởi nghiệp: muốn khởi nghiệp, đam mê khởi nghiệp và chấp nhận rủi ro khi khởi nghiệp. “Chúng ta có một vài vườn ươm khởi nghiệp nhưng cũng chỉ nổi lên trong thời gian gần đây. Muốn xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ cần thay đổi nhận thức về hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp, phải chấp nhận đầu tư khởi nghiệp là đầu tư mạo hiểm và có nguy cơ mất trắng nếu đầu tư. Có thể đầu tư 10 dự án nhưng chúng ta chỉ cần 1-2 dự án sống khỏe”, TS Huy đề xuất.
Nguồn TPO-BA Tweet