Đam mê Hóa học, nữ sinh nghiên cứu loại băng gạc giảm đau hiệu quả

12:59 07/11/2024     777

3 Phong trào   “Mê mẩn” môn Hóa từ những ngày đầu tiếp xúc, nữ sinh Trần Hoàng Thanh Hân đã quyết tâm theo đuổi bộ môn này để thỏa sức làm thí nghiệm. Với niềm đam mê và sự sáng tạo, Hân đã đạt được thành tích đáng nể khi nghiên cứu thành công loại băng gạc giảm đau mới trong điều trị vết thương hở.

Trần Hoàng Thanh Hân - sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa vinh dự trở thành 1 trong 20 nữ sinh nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam 2024.

Đam mê nghiên cứu từ lớp 8

Từ những giờ Hóa đầu tiên vào lớp 8, Thanh Hân đã bị cuốn hút bởi sự diệu kỳ của các phản ứng hóa học. Mỗi lần chứng kiến ống nghiệm đổi màu hay các kết tủa kỳ lạ xuất hiện, nữ sinh lại càng thêm tò mò về các quy luật ẩn sau những hiện tượng thú vị đó. Niềm yêu thích ấy đã thôi thúc Hân không ngừng tìm tòi, khám phá và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. “Lúc đó, em đã nghĩ chắc chắn sau này phải học ngành nào đó liên quan đến Hoá để thỏa sức thực hiện các nghiên cứu”, nữ sinh chia sẻ.

 

Trần Hoàng Thanh Hân - sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng

 

Chính vì lẽ đó, Hân quyết tâm thi vào lớp chuyên Hóa của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM). Để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, nữ sinh tích cực tham gia các nhóm nghiên cứu và chăm chỉ thực hành để mở rộng kiến thức. Nỗ lực của Hân đã được ghi nhận khi đạt giải Nhì môn Hóa học trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố năm 2019 - 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức.

Nhận ra niềm đam mê đã “chín muồi”, Hân đặt mục tiêu thi vào ngành Kỹ thuật hóa học của Đại học Tôn Đức Thắng. Với danh tiếng là một môi trường nghiên cứu năng động, nữ sinh tin rằng đây sẽ là môi trường phù hợp để bản thân theo đuổi ước mơ.

Nghiên cứu loại băng gạc giúp giảm đau

Trong các ứng dụng hóa học, Hân đặc biệt hứng thú với kỹ thuật tái tạo mô - một nhánh quan trọng trong Y học tái tạo. Xót xa khi thấy nhiều bệnh nhân phải chịu đau đớn vì không có đủ mô và cơ quan để cấy ghép, nữ sinh và nhóm bạn quyết tâm nghiên cứu về những vật liệu sinh học có thể giúp quá trình điều trị vết thương nhẹ nhàng hơn. Nổi bật trong số đó là nghiên cứu về loại băng gạc có khả năng thúc đẩy quá trình lành thương một cách hiệu quả.

 

Từ những giờ Hóa đầu tiên vào lớp 8, Thanh Hân đã bị cuốn hút bởi sự diệu kỳ của các phản ứng hóa học

 

Được chế tạo từ silk fibroin, chitosan và montmorillonite, loại băng gạc này sở hữu cấu trúc xốp hỗ trợ sự bám dính, tăng sinh và phát triển của tế bào mô. Với tính tương thích sinh học cao, loại băng này có khả năng cầm máu, kháng khuẩn và tăng sinh mạch máu, giúp những vết thương hở nhanh chóng lành lặn. Trong khi các loại băng truyền thống chỉ có tác dụng cầm máu và bảo vệ vết thương, tấm băng này tích hợp nhiều “tính năng” hơn, từ đó rút ngắn thời gian hồi phục và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.

Công bố khoa học này đã mở ra một hướng đi mới trong điều trị vết thương hở và giải quyết bài toán thiếu hụt mô và cơ quan trong quá trình điều trị, vốn là một vấn đề nhức nhối trong Y học tái tạo.

 

Thanh Hân (ngoài cùng bên phải) đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi Nghiên cứu Khoa học

 

Sau những kết quả nghiên cứu hữu ích, Hân lại càng thêm yêu thích lĩnh vực này. "Trong khi các loại Y học khác đi sâu vào phòng ngừa và chữa bệnh, Y học tái tạo lại tập trung sử dụng những vật liệu y sinh có khả năng chữa lành và tái tạo mô cơ thể, mở ra hy vọng cho những người có tổn thương mô nghiêm trọng.

Đây là lĩnh vực vô cùng tiềm năng cho Y học trong tương lai, bởi nó không chỉ giúp con người phục hồi nhanh chóng hơn mà còn góp phần giải quyết những vấn đề y tế chưa có giải pháp hiệu quả", nữ sinh cho hay.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã mang lại kết quả xứng đáng khi Thanh Hân liên tiếp đạt giải Nhất và Nhì trong các Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Công nghệ cấp trường, là đồng tác giả của 3 bài báo quốc tế và 2 bài báo trong nước về lĩnh vực hoá học.

Theo Hân, nghiên cứu khoa học tuyệt đối không được giữ tư tưởng chỉ kế thừa những cái có sẵn, mà luôn phải sáng tạo để khám phá hướng đi tiên tiến và hiệu quả hơn. "Bên cạnh đó, cần trang bị thêm tinh thần không ngại thất bại, xem thất bại là bàn đạp để tìm ra cách tiếp cận mới mẻ”, Thanh Hân nói.

Nữ sinh cho biết, cô sẽ tiếp tục kiên trì với con đường nghiên cứu để tìm ra nhiều giải pháp hữu ích hơn cho xã hội và đóng góp thêm các sáng kiến mới cho ngành Y học tái tạo.

Theo TPO