Cô giáo trẻ với ý tưởng dùng rơm rạ cải tiến mặt sân giúp tăng năng suất muối

15:32 21/10/2021     1972

3 Phong trào   ĐTN: Cô giáo trẻ Lê Thị Hảo - trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu – Youth for Climate Innovation Contest” với ý tưởng “Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân vùng sản xuất muối ven biển”.

Cuộc thi do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, thiết thực, có tính địa phương, vùng miền liên quan đến truyền thông sáng tạo để nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu; khởi nghiệp kinh doanh có trách nhiệm với biến đổi khí hậu hay các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai thuận tự nhiên và dựa vào tự nhiên.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa, không gắn bó với đồng muối từ nhỏ nhưng khi về công tác và lập gia đình tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, cô giáo Lê Thị Hảo lại giành nhiều tâm huyết cho hạt muối nơi đây. Cô giáo Lê Thị Hảo cho biết: Nhận thấy, sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa tình trạng đốt rơm, rạ lộ thiên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường hết sức trầm trọng. Bên cạnh đó, những hạn chế trong quy trình sản xuất muối với sân bê tông truyền thống, áp dụng nguyên lý hấp thu ánh sáng tốt hơn của màu đen so với màu bạc của sân bê tông truyền thống trong sản xuất muối. Trước tình trạng đó, tôi đã cùng các đồng nghiệp đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân vùng sản xuất muối ven biển”.

 

Cô Lê Thị Hảo - giáo viên trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu – Youth for Climate Innovation Contest” 

 

Để triển khai đề tài, cô giáo Lê Thị Hảo thực hiện thí nghiệm qua 5 bước: Bước 1: Thu gom rơm, rạ đốt trong môi trường yếm khí; Bước 2: Trộn xi măng với than rơm, rạ theo tỉ lệ 3 xi măng, 1 than; Bước 3: Hòa xi măng và than với một lượng nước vừa phải và sau đó quét lên bề mặt sân bê tông để tạo bề mặt sân màu đen; Bước 4: Để khô khoảng 12 tiếng, sau đó dùng nước rửa sạch mặt bê tông; Bước 5: Đo nhiệt độ của bề mặt bê tông phù hợp để dẫn nước vào.

Sau nhiều lần thí nguyện, kết quả thu về số lượng và chất lượng muối ở sân bê tông cải tiến tăng từ 20% đến 30% so với bề mặt sân bê tông truyền thống. Điều đặc biệt nữa trong sáng kiến này đó là việc đốt rơm, rạ để thành than được thực hiện trong môi trường yếm khí, không phát thải ra CO2, CH4, N2O các chất gây hiệu ứng nhà ứng và biến đổi khí hậu. Cô giáo Lê Thị Hảo cho biết thêm: “Trong quá trình đốt rơm, rạ theo cách đốt thông thường sẽ thải ra bụi mịn, CO2, CH4, N2O các khói, khí gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Còn khi đốt trong môi trường yếm khí sẽ giảm từ 95% -98% các chất, các khí gây hiệu ứng nhà kính. Phương pháp đốt rất đơn giản, khi tiến hành thu gom rơm rạ đã được phơi khô, sau đó cho vào thùng hoặc bi và đậy nắp lại và đốt trong môi trường không có oxy nhằm không phát thải ra các khí, các chất gây hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và biến đổi khí hậu”.        

Đây là phương pháp đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế gắn liền với phát triển bền vững trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe, và biến đổi khí hậu. Với nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, phương pháp làm đơn giản, dễ ứng dụng, hoàn toàn có khả năng nhân rộng tại địa phương. Sáng kiến được triển khai sẽ góp phần nâng mức doanh thu từ 22 triệu đồng /ha/mùa lên mức 30 triệu đồng/ha/mùa cho nông dân Quảng Phú

Cô giáo Lê Thị Hảo chia sẻ: Trong mùa làm muối sắp tới, tôi sẽ tuyên truyền, hướng dẫn bà con tại địa phương hướng dẫn phương pháp đốt than rơm, rạ trong môi trường yếm khí nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm, rạ tại địa phương; trộn than với xi măng theo tỷ lệ 3:1. Với phương pháp cải tiến đơn giản, không đòi hỏi yêu cầu khoa học- kỹ thuật cao phù hợp với trình độ dân trí và đặc tính của bà con Nhân dân ở địa phương như lao động siêng năng, chăm chỉ, cần cù.

Dự án của cô giáo Lê Thị Hảo được hội đồng Ban giám khảo của Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” đánh giá cao, giản dị, dễ thực hiện, tính hiệu quả cao và tính hiện thực tốt.

Vượt qua hơn 400 ý tưởng từ khắp mọi miền đất nước, đề tài của cô giáo Lê Thị Hảo đã đạt được giải nhì của cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu. Đây là thành quả xứng đáng cho những cố gắng tìm tòi, nghiên cứu của cô giáo Lê Thị Hảo cùng đồng nghiệp trường THCS Quảng Phú trong 4 năm qua. Cô Hảo cho biết: “Đó cũng là động lực để cô cùng các đồng nghiệp biến những ý tưởng trở thành hiện thực, nâng cao giá trị hạt muối của diêm dân xã Quảng Phú đồng thời góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân nông thôn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Bằng tình yêu và sự gắn bó với hạt muối cùng quá trình thực nghiệm đạt những kết quả khả quan, tin rằng những ý tưởng của cô giáo Lê Thị Hảo và đồng nghiệp sẽ được áp dụng rộng rãi, đem lại những kết quả tích cực hơn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu trong tương lai và đảm bảo một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam./.

 

Lệ Quyên