Biến phế thải thành vật liệu xây dựng

14:27 14/01/2025     87

3 Phong trào   Nhóm sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Ngoại thương bắt tay triển khai Dự án Vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp, tạo bước đột phá mới về vật liệu thân thiện môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Sớm thương mại hóa sản phẩm

Dự án sử dụng các phế thải nông nghiệp (rơm rạ,..) và phế thải công nghiệp (Gypsum - phế thải trong quá trình sản xuất phân bón DAP) để chế tạo ra loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, giá thành rẻ. Sản phẩm có thể được sử dụng vào nhiều công dụng khác nhau như tấm trần, tấm vách ngăn tường, tấm panel, tấm PU giả đá... Đặc biệt, các sản phẩm có nhiều ưu điểm hơn các vật liệu cùng phân khúc trên thị trường như chống cháy, cách âm, cách nhiệt, chịu mài mòn tốt, có khả năng hút ẩm nhưng vẫn giữ nguyên được những tính chất cơ lý vốn có ban đầu.

Trưởng nhóm Cao Đức Tâm, sinh viên năm cuối Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, sản phẩm của dự án sử dụng 70% là phế thải, do đó, khi sản phẩm được sản xuất quy mô lớn sẽ xử lý được lượng phế thải nông nghiệp và lượng Gypsum khổng lồ đang dư thừa.

Phế thải Gypsum được sử dụng làm chất độn, gia tăng khả năng chống cháy cho sản phẩm. Nhựa PU có 2 thành phần gồm Polyol và Isocyanate được sử dụng làm chất nền. “Trộn các thành phần theo phối liệu cùng một lượng nhỏ phụ gia, dưới sự nở ra của bọt xốp PU trong khuôn, sẽ tạo ra được sản phẩm vật liệu thân thiện với môi trường”, Cao Đức Tâm chia sẻ.

Với những tính năng ưu việt đó, trong gần 1 năm qua, dự án liên tục đạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi khởi nghiệp, như giải Nhì cuộc thi UAVS Startup challenge tại Australia; giải Nhất cuộc thi Sinh viên sáng tạo khởi nghiệp Huce-InTech 2023 tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp công nghệ Techstart 2024 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội; top 10 Startup Wheel 2024. Mới đây, nhóm tiếp tục đoạt giải Nhì cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp 2024 do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

 

Cao Đức Tâm (ở giữa) cùng các bạn nhận giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp công nghệ Techstart 2024 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội

 

Tại cuộc thi UAVS Startup challenge, Ban giám khảo đánh giá cao Dự án Vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp. Ban giám khảo cho rằng, dự án này rất ý nghĩa, vượt tầm của sinh viên và khuyên nhóm kết nối, kêu gọi thêm các “cá mập”, quỹ đầu tư, hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trưởng nhóm Cao Đức Tâm cho biết, trong năm hoạt động đầu tiên, dự án dự kiến huy động 4,5 tỷ đồng để vận hành, phát triển.

 

 

Trưởng nhóm Cao Đức Tâm cho biết, theo kế hoạch dự kiến, nhóm sẽ thành lập công ty vào quý II/2025 và thương mại hóa sản phẩm vào quý III/2025. Hiện, nhóm đã ký kết được với một số đối tác cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm và đang tích cực phát triển thêm các đối tác mới để khi công ty đi vào hoạt động sẽ vận hành trơn tru.

 

400 lần thất bại

Để có được những thành quả ấn tượng đó, Cao Đức Tâm và các thành viên đã trải qua hành trình nghiên cứu, làm việc không biết mệt mỏi. Tâm cho biết, ý tưởng dự án này nảy sinh từ bài học trên lớp về bộ môn phát triển bền vững. Được sự hỗ trợ từ thầy cô giáo, từ tháng 7/2023, Tâm lập nhóm triển khai dự án. Sau hơn 1 năm, nhóm đã tuyển 200 thành viên và cũng đã loại đi gần 200 thành viên. Hiện giờ, chỉ có 4 người kiên nhẫn đi cùng nhau, gồm: trưởng nhóm Cao Đức Tâm, Đỗ Văn Hùng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), Khương Việt Hằng, Lê Nhật Thành (Trường Đại học Ngoại thương).

“Lợi ích của dự án được đặt lên hàng đầu, bất kỳ ai, kể cả tôi làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của dự án đều bị loại khỏi nhóm để dành chỗ cho người xứng đáng hơn “chiến đấu” đến cùng”, Tâm chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất là quá trình thử nghiệm cấp phối số liệu với 1.000 mẫu, mỗi mẫu thử 8 tính chất để xây dựng nên vật liệu thân thiện với môi trường. “Chúng tôi thử mấy trăm lần đều thất bại, mỗi lần ra một số liệu khác nhau. Đến tháng thứ 3 chôn chân trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm lần thứ 400 vẫn thất bại, cả nhóm mệt mỏi, chán nản, muốn bỏ cuộc. Lúc đó, thầy giáo hướng dẫn tập trung chúng tôi lại phân tích, động viên, và cho chúng tôi 3 ngày suy nghĩ xem có tiếp tục dự án nữa hay không”, Tâm kể.

Hai tuần sau, các thử nghiệm bắt đầu cho kết quả khả quan và đến lần thứ 1.000 cho ra kết quả mỹ mãn như mong đợi. “Lúc đó, cả nhóm ôm nhau vỡ oà hạnh phúc, sung sướng. Vì để có được thành công này, tất cả chúng tôi không có ngày nghỉ. Mỗi ngày, chúng tôi làm việc liên tục trong phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến đêm, sau đó, về nhà lên mạng đọc tài liệu, bài báo khoa học bằng tiếng Anh, nhiều hôm thức trắng”, Tâm nói.

Mục tiêu của nhóm đặt ra, sau 5 năm công ty đi vào hoạt động, thương mại hoá, sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La - tinh.

 

Theo TPO