03 "bóng hồng" đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023
09:18 20/10/2023 12581
3 Phong trào ĐTN: Bằng tài năng, sự đam mê và tận tụy với công việc, 03 nhà khoa học nữ đã xuất sắc đạt Giải thưởng Khoa học, công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023 với nhiều sản phẩm nghiên cứu hiệu quả, là chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình khoa học chất lượng cao thuộc danh mục Q1.
Nữ tiến sĩ mong muốn thay đổi nhận thức xã hội về chăm sóc sức khỏe tâm thần
Từ trải nghiệm cùng người thân khám chữa bệnh trầm cảm, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, đã quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học ngành Thần kinh học để thay đổi thực trạng và nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương là trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, hiện nay nhóm nghiên cứu Brain Health Lab do chị thành lập đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khoẻ não bộ, nhất là các bài toán đặc trưng cho bối cảnh ở Việt Nam, điển hình như thiết kế các phương pháp can thiệp giúp hạn chế suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, hay để giảm Stress.
Năm 2020, Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương là nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Early Career Award từ Tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh.
Trước đó, năm 2012, Tiến sĩ Thanh Hương giành được học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành thần kinh học tại trường Đại học danh giá Stanford (Mỹ). Khi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2018, nữ Tiến sĩ quay trở lại Việt Nam và chọn công việc giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Chia sẻ về con đường đến với nghiên cứu khoa học, TS Thanh Hương cho biết cả ba và mẹ đều là giáo viên dạy sinh học và hoá học, có lẽ vì vậy chuyện học tập các môn khoa học đối với chị khá suôn sẻ, nhẹ nhàng. Nhưng mãi tới khi lên cấp 3 học chuyên Sinh tại trường Phổ thông Năng khiếu, theo chân người thân đi khám tại các bệnh viện tâm thần, chị mới nhận thấy được những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam, từ đó nhen nhóm trong lòng mong muốn cải thiện tình trạng đó.
Sau đó, chị may mắn được theo học cô PGS.TS. Hồ Huỳnh Thuỳ Dương, Thầy GS. TS. Nguyễn Linh Thước và rất nhiều vị giáo sư đầu ngành tại trường Khoa học Tự nhiên, chính các thầy cô đã truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho chị, khi qua Đại học Stanford du học ngành Thần kinh học chị thực sự được thui rèn để có được bản lĩnh đi trên con đường nghiên cứu này.
Nói về lựa chọn trở về Việt Nam để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, TS Thanh Hương cho biết trước khi đi du học, chị đã có ý định trở về rồi. Vì động lực đi du học của chị là mong muốn thay đổi cách xã hội hiểu về sức khỏe tâm thần, để mọi người biết rằng tâm thần là bệnh lý chứ không phải do người bệnh muốn như vậy. Trong não của người bệnh thực sự có sự thay đổi về các phân tử, các chất hóa học khiến cho người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, cư xử và hành động khác đi so với trước khi bị bệnh. Các bác sĩ cũng cần sử dụng phương pháp chính xác trong quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.
“Bạn không thể đơn thuần gặp một người trầm cảm mà nói là bớt trầm cảm, bớt buồn bã đi hay gặp một bệnh nhân rối loạn lo âu và bảo họ bớt lo âu đi. Tương tự với việc bạn gặp một bệnh nhân Alzhemeir và nói họ hãy cố gắng nhớ. Bởi vì họ thực sự không làm được như vậy. Tôi muốn về Việt Nam để thay đổi quan điểm đó, cũng như đóng góp vào quá trình thay đổi”
Tâm sự về những khó khăn, áp lực khi là phụ nữ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học TS Thanh Hương cho biết: “Có một số người hỏi tôi vì sao có thể vừa theo đuổi nghiên cứu khi khó khăn muôn trùng như vậy? Thực sự đúng là nghiên cứu khó thật. Viết báo cũng khoai, xin quỹ tài trợ nghiên cứu cũng khó, tìm kiếm đối tác từ phía lâm sàng cũng rất vất vả. Nhưng bù lại, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt sáng rực của các em sinh viên, thấy các em trưởng thành hơn, theo đuổi được ước mơ du học của mình, hay khi hay tin có bệnh nhân dùng sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện Quân y 175 và có tiến triển tốt, thì tôi cảm thấy mọi thử thách đều xứng đáng. Lượng kiến thức lớn chưa bao giờ làm tôi nhụt chí, tôi tự nhủ mỗi ngày đều phải học hỏi thêm từ đồng nghiệp, từ các em sinh viên, chỉ có như vậy mình mới tốt hơn được. Có lẽ những gì tôi đã làm chưa thay đổi ngay được bức tranh tổng thể về sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam, nhưng các đồng nghiệp của tôi, các bạn sinh viên khoá sau sẽ tiếp tục con đường này”.
Nhân dịp 20.10, nữ Tiến sĩ đã có những chia sẻ đối với các bạn nữ khi theo đuổi đam mê khoa học: “Phụ nữ ở thế kỷ 21 thực sự có rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Sẽ không còn nhiều người đánh giá bạn nếu bạn chọn làm cầu thủ bóng đá, hay luật sư, hay nghiên cứu khoa học. Nhưng không có nghĩa là con đường bạn đi ít gian nan, ít thử thách. Chỉ muốn chúc bạn chân cứng đá mềm trên bất kỳ con đường nào bạn chọn, cố gắng không chỉ cho bản thân và còn cho những thế hệ mai sau. Cộng đồng khoa học nữ ở Việt Nam có rất nhiều tấm gương sáng, tôi hy vọng sẽ có cơ hội học hỏi từ các chị nhiều hơn, và nếu được thì cùng bắt tay làm chung điều gì đó để giúp đỡ các nữ sinh yêu thích khoa học.”
Nữ tiến sĩ đam mê bất tận với căn bệnh dị ứng
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, Nghiên cứu viên Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh nuôi “mộng” trở thành bác sĩ từ năm 8 tuổi, chỉ với suy nghĩ đơn giản là sẽ chữa được bệnh cho bố mẹ. “Người đầu tiên truyền cảm hứng cho tôi chính là bố tôi, ông là giảng viên Đại học, nên từ khi còn nhỏ tôi đã ấn tượng với cảnh bố nghiền ngẫm đọc sách, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu để soạn bài giảng. Khi cùng bố mẹ đi khám bệnh lúc nhỏ, tôi bắt đầu bén duyên y khoa, tôi đã có ấn tượng tốt và vô cùng ngưỡng mộ những bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện. Họ như những thiên sứ không quản ngày đêm, nắng mưa để làm mọi cách cứu sống con người, chống chọi với những rủi ro, nguy cơ hiểm nghèo và giúp đỡ, đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua bệnh tật” TS.BS Kim Tú chia sẻ.
Quá trình theo học đại học, nhận thấy việc học y không chỉ khám lâm sàng, mà còn có mảng NCKH, chị đã mạnh dạn tham gia phụ cho một số đề tài nghiên cứu sinh của các thầy cô ở trường rồi bén duyên với hướng đi này. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, đi làm một thời gian, Kim Tú vẫn muốn trải nghiệm và tham gia vào làm nghiên cứu chuyên sâu.
Được sự định hướng của thầy cô, anh chị đi trước, đặc biệt là PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, TS.BS Phạm Lê Duy, năm 2014, Kim Tú tiếp tục theo học chương trình kết hợp Thạc sĩ – Nghiên cứu sinh, chuyên ngành Khoa học Y khoa (Medial Science), tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng dưới sự hướng dẫn của GS Hae-Sim Park, Bệnh viện Đại học Ajou, Hàn Quốc.
Chia sẻ kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình, TS.BS Kim Tú cho biết năm 2014 tôi mới qua Hàn Quốc, từ một bác sĩ lâm sàng chỉ biết khám chữa bệnh, bắt đầu làm quen với phòng thí nghiệm. Giáo sư Hae-Sim Park giao cho một loại thuốc và yêu cầu thử nghiệm trên mô hình tế bào – động vật cho bệnh hen suyễn. Lúc ấy, chị khá hoang mang vì chưa bao giờ làm những thí nghiệm này trước đây, đồng thời trăn trở rằng học trên tế bào, động vật như thế này thì sau này về nước làm sao có thêm kinh nghiệm lâm sàng được. Lúc ấy, Giáo sư hướng dẫn biết được và đã động viên chia và giải thích lý do một bác sĩ nên biết về thí nghiệm và nghiên cứu khoa học. Khi làm các thí nghiệm, chúng ta sẽ hiểu hơn lý thuyết của khoa học cơ bản và từ đó, hiểu thêm về triệu chứng lâm sàng, cơ chế thuốc tác động trên người bệnh. Bản thân giáo sư cũng đã từng lăn lộn ở phòng thí nghiệm trước đây trước khi có được thành quả như bây giờ. Những lời đó đã động viên chị tiếp tục con đường nghiên cứu sinh, mày mò trong phòng thí nghiệm những năm sau đó.
Những khó khăn trên con đường nghiên cứu khi là nữ tham gia nghiên cứu khoa học chị chia sẻ, trong bất kỳ nghề nghiệp nào, dù là đàn ông hay phụ nữ thì đều phải đối diện và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Những khó khăn này có thể xuất phát từ công việc, gia đình hoặc chính bản thân. Trong công việc, bản thân chị luôn đặt mục tiêu làm hết việc thay vì làm hết giờ. Có những lúc thí nghiệm kéo dài, hoặc cần xử lý mẫu bệnh gấp, thì chị sẽ ở lại đến khuya hay làm xuyên cuối tuần để có kết quả tốt nhất. Thời điểm khó khăn nhất đối với chị là khi vừa về nước, xây dựng nhóm nghiên cứu Dị ứng Miễn dịch từ đầu. Bắt đầu viết đề án xin quỹ nghiên cứu, làm quen với các thủ tục nghiên cứu y khoa trong nước, kết nối các nơi có điều kiện để thực hiện thí nghiệm, tìm hiểu đặc điểm lâm sàng bệnh nhân Việt Nam…. Cũng đôi khi bản thân đã cảm thấy rất mệt mỏi, thất vọng khi bị từ chối, dự án gặp trở ngại, kết quả không như mong đợi..v..v.. Những lúc đó, chị sẽ để cho bản thân một thời gian cân bằng và suy ngẫm lại, tìm hiểu thêm về vấn đề đã trải qua, nhờ đó, chị đã vượt qua để tiếp tục cống hiến cho khoa học.
Khi được hỏi động lực nào giúp chị vượt qua khó khăn để theo đuổi đam mê và đến được với thành công như ngày hôm nay TS Tú không ngại ngần trả lời động lực lớn nhất có lẽ là tình yêu nghề Y, ngoài ra có được những người đồng nghiệp nhiệt huyết, cùng chung ước mơ và chí hướng, trong nhóm nghiên cứu Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, kết hợp bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược, và nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm Trung tâm Y Sinh học phân tử. Cuối cùng, vinh dự khi nhận Giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng năm 2023, ắt hẳn sẽ là động lực để bản thân theo đuổi đam mê trong thời gian tới.
Chia sẻ của TS. Kim Tú gửi tới các bạn nữ khi theo đuổi đam mê khoa học “Tôi tin là khi được trao cơ hội và điều kiện để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học nữ sẽ có thể đạt được nhiều thành tựu rực rỡ không thua kém các đồng nghiệp nam. Để thực hiện việc đó, cần có sự ủng hộ chia sẻ từ gia đình, sự công nhận của xã hội, và rất cần các chính sách hỗ trợ nhà khoa học nữ. Nhân dịp 20/10, xin chúc cho các bóng hồng trong giới khoa học luôn vui tươi, hạnh phúc và mãi giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học; mong cho vai trò của người phụ nữ trong khoa học sẽ ngày càng được nâng cao.
Cô gái với đam mê vật liệu mới
Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Vật liệu Hoá, Sinh và Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang nghiên cứu về Khoa học vật liệu đây là chủ đề nghiên cứu liên ngành bao gồm vật lý, hóa học, ứng dụng kỹ thuật và quy trình sản xuất công nghiệp, trong nhóm nghiên cứu thiết kế, tổng hợp cho từng ứng dụng cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực hóa học xúc tác, sinh học và môi trường.
Chia sẻ về niềm đam mê hiện tại, Thùy Linh cho biết Hóa học và môn học thu hút em trong suốt những năm học tại cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Những tiết học thực tập hóa tại trường đại học Khoa học Tự nhiên luôn là những giờ học hiệu quả nhất bởi sự thú vị đến từ dụng cụ, hóa chất, hiện tượng, và nội dung lý thuyết được sáng tỏ. Cơ hội được làm thực tập sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với những nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực MOF/ZIF (GS. Omar Yaghi, GS. O’Keeffe), phòng thí nghiệm hiện đại và trang thiết bị nghiên cứu chuyên sâu đã hình thành niềm đam mê nghiên cứu khoa học, khát vọng về những công bố chất lượng cao và sự nghiêm túc trong công việc nghiên cứu.
Bên cạnh niềm đam mê, Thùy Linh cũng gặp không ít khó khăn, những khó khăn thử thách trong việc tiếp cận các kiến thức mới, hạn chế về trang thiết bị máy móc, và sự phát triển nhanh “chóng mặt” của đồng nghiệp trong và ngoài nước là những điều mà nhiều nhà khoa học và ngay cả Thùy Linh luôn phải đối mặt trong hành trình nghiên cứu khoa học. Riêng đối với nhà khoa học nữ, gia đình và con cái cũng là niềm trăn trở trong hành trình chinh phục những đỉnh cao khoa học. Trong hành trình đã qua, những thách thức ấy có thể làm bản thân buồn nhưng không nản chỉ bởi chúng giúp Thùy Linh nhận ra niềm đam mê nghiên cứu, những hạn chế của bản thân, suy nghĩ vượt qua những gì đã làm được và hướng đến những thử thách mới.
Thùy Linh chia sẻ, em tin rằng, không có thử thách nào dễ dàng và phụ nữ có những lợi thế riêng của họ. Trên thực tế, đã có nhiều nhà khoa học nữ đã và đang thành công trong và ngoài nước được vinh danh như GS. TS. Nguyễn Thục Quyên (Đại học California), PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân (Đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM),.... Chính vì vậy, khi hướng dẫn sinh viên nữ làm nghiên cứu khoa học, em thường khuyên các bạn hãy tận dụng sự khéo léo, sự tỉ mỉ, và kiên trì bởi những điều ấy quyết định phần lớn đến kết quả công việc.
Ths. Thùy Linh gửi đến các bạn nữ khi theo đuổi đam mê khoa học “Xã hội ngày này đã có những thay đổi và những thành công và nỗ lực của phụ nữ thể hiện trên khắp mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học Nguyễn Thục Quyên, Hồ Thị Thanh Vân, Lưu Lệ Hằng, Huỳnh Mỹ Hằng... là những nhà khoa học nữ người Việt nổi danh thế giới nhờ công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Em hy vọng rằng, những nhà khoa học nữ hãy luôn tin tưởng vào bản thân, luôn phấn đấu để có thể thỏa niềm đam mê và đóng góp nhiều hơn cho xã hội”./.
KA Tweet