Ý nguyện không đổi thay

21:57 04/11/2012     2516

3 Phong trào   Gần hai năm lăn lộn với thực tiễn vùng gian khó, chia ngọt sẻ bùi cùng đồng bào vùng cao, các trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại khu kinh tế- quốc phòng thuộc huyện Mường Chà và Mường Nhé (Điện Biên) đã có nhiều trải nghiệm thú vị.
a
TTTTN Đội 8, Nông trường 2, huyện Mường Nhé chăm sóc vườn rau mô hình của Đội.
Khó khăn không ít, thiếu thốn cũng nhiều, thế nhưng hầu hết trong số họ đều mong mỏi được sống với ý nguyện ban đầu: Đem sức trẻ “khơi thông” vùng gian khó.

Trải nghiệm để trưởng thành


Tiếp xúc với bạn trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN), điều chúng tôi hết sức trân trọng là nhiều bạn có thể xin được việc làm ở những nơi có điều kiện thuận lợi, nhưng họ vẫn viết đơn xung phong đi tình nguyện tại khu kinh tế - quốc phòng ở Mường Chà và Mường Nhé.

Đặng Thị Hồng Nhung, sinh năm 1989 (quê Thanh Chương, Nghệ An), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Vinh tháng 9-2010. Chưa đầy một tháng sau, Nhung đã ở trong đội hình TTTTN khoác ba lô lên Mường Nhé. Nhung tâm sự với chúng tôi: “Khi tôi đọc thông báo tuyển TTTTN đến công tác tại khu kinh tế - quốc phòng của Đoàn 379, tôi rất muốn được thử sức mình, được trải nghiệm ở nơi còn nhiều gian khó này”. Vậy là, bằng mọi cách, Nhung thuyết phục gia đình, bỏ qua lời can ngăn của bạn bè và nộp hồ sơ đăng ký. Buổi chia tay người thân để lên đường công tác, Nhung không tổ chức liên hoan với những lời chúc tụng, ngược lại Nhung nhận được nhiều câu hỏi: Đi tình nguyện thì được cái gì? Lên đó, thân gái dặm trường, ai lo...? Nhưng với ý chí quyết tâm, Nhung vượt chặng đường hơn 1000km đèo dốc, với 2 lần chuyển ô tô, một lần đi bộ nhiều giờ mới đến được Đội 8, Nông trường 2, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 đóng ở huyện Mường Nhé.

Cuộc sống trên vùng đất mới gian khó, công việc Nhung được giao là xây dựng mô hình VAC giúp đỡ bà con của xã Mường Nhé. Những kiến thức được học ở trường không đúng với chuyên ngành công tác, Nhung đã cố gắng học hỏi, đọc sách kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… Ban ngày, Nhung xuống bản giúp đỡ bà con trồng rau, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và làm nương. Tối đến, Nhung ở lại dạy chữ cho các em học sinh trong bản. Công việc bận rộn không có thời gian cho nỗi nhớ nhà, nỗi buồn vì thiếu thốn. Nhung nói với chúng tôi: “Giờ hết hợp đồng dự án đợt một, chia tay bà con dân bản lại thấy buồn, nhớ da diết ánh mắt của những đứa trẻ mong chờ đến buổi tối học bài”. Nhung cười hồn nhiên, trong sáng, khẳng khái nói: “Đó chính là câu trả lời đi làm TTTTN thì được cái gì mà trước khi khoác ba lô từ biệt quê hương, đã có người hỏi tôi như vậy. Cái được đó là trải nghiệm cuộc sống, trưởng thành trong gian khó, thử thách”.

Thêm một gương mặt TTTTN mà chúng tối hết sức ấn tượng, đó là Lò Thị Hà, ở thị xã Mường Lay. Khi đi tình nguyện, Hà vừa tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Điện Biên và tròn 20 tuổi. Cô TTTTN có khuôn mặt tươi rói ấy, không ngại khó khăn, vất vả khoác ba lô vào xã Na Cô Sa (huyện Mường Nhé) đảm nhận chức phó bí thư đoàn. Kể về kỷ niệm trong những ngày công tác, Hà không thể nào quên, công tác vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động và xây dựng chi đoàn vững mạnh. Khi Hà đến nhận công tác thì Đoàn xã Na Cô Sa có 50% chi đoàn cơ sở thuộc loại yếu, kém. Vừa chân ướt, chân ráo ra trường, còn ít tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm trong công tác đoàn, lại bất đồng ngôn ngữ nên không ít lần đi vận động, Hà nói chỉ để mình nghe. Bế tắc, Hà đã nghĩ đến việc bỏ về nhưng sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, Hà xuống ở hẳn cơ sở, hằng ngày giúp đỡ gia đình khó khăn và tranh thủ học tiếng qua giao tiếp, qua những buổi làm ruộng, làm nương. Bởi vậy, cô TTTTN đã được bà con quý mến, tin yêu và các đoàn viên, thanh niên học tập làm theo.

Mong được gắn bó lâu dài


Ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) bộc bạch với chúng tôi: “Các TTTTN đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, chịu khó học hỏi, bám nắm địa bàn. Đặc biệt, họ đã làm rất tốt các hoạt động tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, tạo dựng được lòng tin yêu của chính quyền và đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn. Điều đáng mừng nữa, họ đã hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng, làm thay đổi cách nhìn, chuyển biến một bước về nhận thức của nhân dân, cải biến tâm lý sinh hoạt, xóa bỏ dần cách làm ăn tự cung tự cấp và các hủ tục. Bên cạnh đó, Dự án TTTTN còn giải quyết việc làm cho một số trí thức trẻ mới ra trường là con em đồng bào địa phương. Nhờ vậy, khi thực hiện các nhiệm vụ đã phát huy được tính đồng thuận cao, mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp tới từng hộ dân”.

Hầu hết các TTTTN kết thúc hợp đồng dự án đợt một khi được hỏi tâm tư, nguyện vọng, ai cũng muốn tiếp tục quay trở lại nơi mình đã từng công tác và mong ước được gắn bó lâu dài. Trong thời gian qua, những việc họ làm đã minh chứng rằng vùng đất gian khó và người dân nơi đây đang rất cần những bàn tay, khối óc giàu sinh lực của họ. 

Nỗi niềm tâm tư của TTTTN cũng là nỗi trăn trở của Đại tá Đặng Xuân Tình, Trưởng Ban quản lý Dự án 174, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, về việc xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút các đội viên tình nguyện tham gia và có thể ở lại công tác, lập nghiệp lâu dài trên địa bàn triển khai thực hiện dự án; tìm ra các phương án tối ưu để bố trí công việc đầu ra cho các TTTTN sau khi hoàn thành nhiệm vụ, như: Sắp xếp thi vào công chức của địa phương; tuyển vào làm việc tại các đoàn kinh tế - quốc phòng; vào các đơn vị sự nghiệp có thu, các doanh nghiệp ở địa phương... Thế nhưng, để các phương án đó khả thi, rất cần có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan.