Vải đỏ, áo xanh, nhiệt thành tuổi trẻ
14:29 28/06/2021 1760
3 Phong trào ĐTN: Bằng sự sáng tạo, nhiệt thành của mình, thanh niên Bắc Giang đã làm nên một mùa hè rực rỡ sắc máu - mùa hè của “vải đỏ, áo xanh, tấm lòng vàng”, góp phần cùng địa phương vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đến thời điểm này, vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 170.000 tấn, đạt gần 86% tổng sản lượng. Trong điều kiện đặc biệt khó khăn, dịch bệnh Covid bùng phát dữ dội, việc vải thiều “xuôi chèo mát mái”, không phải “giải cứu”, giá bán ổn định là thành công rất lớn của tỉnh.
Năm nay cũng là năm cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, trong đó không thể không nhắc tới vai trò xung kích của tổ chức Đoàn.
Công văn xin… việc
Vụ vải thiều năm 2021 diễn ra trong bối cảnh Bắc Giang trở thành tâm dịch Covid-19 như một lần “thử lửa” khắc nghiệt với chính quyền và người trồng vải. Không thể bán hàng theo kiểu truyền thống, không thể có cảnh mua bán tấp nập, chợ vải kéo dài cả cây số… Trong cái khó, Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã ló ý tưởng làm cầu nối đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh truyền thông, nâng tầm quả vải.
“Mọi năm, cứ đến đầu tháng 6 chúng tôi mới phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè nhưng năm nay thật đặc biệt, không theo kế hoạch nào và triển khai ngay từ những ngày đầu tháng 5”, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang Thân Trung Kiên mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang vào ngày 7/5/2021, liên tiếp những ngày sau lây lan với tốc độ chóng mặt thì cũng là lúc thanh niên vào việc. Đội thanh niên xung kích “Phòng tuyến áo xanh” lập nên ở khắp nơi, có mặt ở cả tuyến đầu hỗ trợ y, bác sĩ nhập dữ liệu truy vết xét nghiệm, trực chốt đến việc thiết lập các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; tiếp nhận, vận chuyển nhu yếu phẩm…
Năm nay cũng là năm đầu tiên, vừa xung kích tình nguyện, Tỉnh Đoàn đứng ra kết nối, tiêu thụ dưa, dứa cho bà con ở Lục Nam, Yên Dũng… Dù mới thực hiện, chưa bài bản, chưa rộng khắp nhưng hiệu quả bước đầu khá tốt. Dưa, dứa được nhiều tỉnh, thành đoàn mở điểm cân hỗ trợ, không bị tồn kho, mất giá.
"Khi làm dưa, dứa, chúng tôi đã hình dung ra việc tiêu thụ vải thiều sẽ khó khăn hơn gấp bội. Bởi sản lượng quá lớn, thời gian thu hoạch lại ngắn và điều quan trọng nhất Bắc Giang đang ở tâm dịch, rất khó lưu thông, vận chuyển", anh Kiên tâm sự.
- Và đó là cơ sở cho một công văn xin việc của Đoàn Thanh niên với tỉnh? Tôi hỏi.
- Đúng vậy! Thanh niên có thế mạnh về công nghệ thông tin, kết nối mạng xã hội. Trong khi tỉnh có chủ trương phân phối vải thiều trên các sàn thương mại điện tử. Vậy tại sao thanh niên lại đứng ngoài, không chung tay góp sức cùng địa phương.
Được biết, tại Công văn số 1586- CV/TĐTN-VP ngày 22 tháng 5 năm 2021 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn “xin” được đề xuất phối hợp với các cơ quan liên quan làm ba việc. Một là xây dựng các sản phẩm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quả vải. Hai là đưa thương gia các sàn thương mại điện tử vào thu mua vải thiều và hướng dẫn nông dân chốt hàng qua mạng, livestream bán hàng. Ba là kết nối phân phối vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.
Ngày 25/5, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn nhất trí với các đề xuất của Tỉnh Đoàn, trong đó nhấn mạnh trước hết tập trung đẩy mạnh truyền thông để tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử cũng như các phương tiện truyền thông khác.
“Lâu nay nói tới Đoàn nhiều người cứ nghĩ thanh niên chỉ vui vẻ, hát hò, làm phong trào. Thực tế không phải thế! Chúng tôi muốn góp sức cùng địa phương tham gia phát triển kinh tế, tiêu thụ vải thiều, nâng giá trị quả vải, nhất là trong dịch bệnh”.
Đẩy mạnh truyền thông, đưa vải lên sàn
Việc giới thiệu, bán hàng trên nền tảng số với người dân thành thị không mới nhưng với nông dân Bắc Giang, người trồng vải thì chưa từng có. Với hàng hóa cũng vậy, đặc biệt là sản phẩm hàng hoa, khó bảo quản như vải thiều. Vậy làm thế nào để vải thiều lên được sàn, người dân biết tới nhưng khi đến tay vẫn bảo đảm chất lượng, tươi ngon mới là điều khó.
Với vai trò là cầu nối, ngay sau khi được UBND tỉnh nhất trí, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Sen đỏ (Sendo), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) chính thức giới thiệu, bán vải thiều Lục Ngạn trên “Gian hàng Việt” của Sendo.vn. Tỉnh Đoàn cam kết cung cấp cho Sendo những hợp tác xã (HTX) trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hướng dẫn bà con quay phim, chụp ảnh, livestream giới thiệu sản phẩm. Sàn thương mại điện tử chủ động thỏa thuận với bà con về giá, phương thức giao hàng…
“Chúng tôi giới thiệu với Sendo 15 HTX đủ điều kiện nhưng sau khi thống nhất, Sendo chọn HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền và bắt đầu bán từ ngày 6/6, bởi khi đó vải mới vào độ chín ngon.”- anh Kiên thông tin thêm.
Để bảo đảm chất lượng, sau khi khách chốt đơn trên sàn, HTX mới thu hoạch vải, đóng thùng xốp, giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển bằng xe lạnh, lên máy bay tiêu thụ ở Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Trang chủ giới thiệu và bán sản phẩm vải thiều của Sendo được thiết kế trình bày khá ấn tượng với dòng chữ nổi bật: “Chung tay ủng hộ vải Lục Ngạn, Bắc Giang”, chương trình “ Áo xanh- Vải đỏ- Tấm lòng vàng” với những câu hỏi thiết thực: Giá vải bao nhiêu? Làm thế nào để mua hàng ủng hộ nông dân Bắc Giang? Quy cách sản phẩm; Đặt hàng như thế nào; Tại sao thanh niên tham gia chiến dịch…
Đặc biệt, cách tiếp cận, quảng bá của thanh niên khá khác biệt. Các bạn viết: “Đây không phải là chương trình “giải cứu” mà chúng ta đang hỗ trợ người nông dân số hóa để bán sản phẩm. Đồng thời người mua được trải nghiệm với sản phẩm chất lượng, thuận lợi khi mua hàng”.
Với cách tiếp cận duyên dáng, tươi trẻ, công khai giá, cam kết chất lượng, không qua trung gian và thường xuyên livestream trực tiếp tại vườn, Sendo đã chiếm được cảm tình và cả sự tò mò của nhiều khách hàng khó tính. Hiện Bắc Giang có 7 sàn thương mại điện tử tiêu thụ vải cho bà con, ước tiêu thụ vài nghìn tấn thì riêng Sendo tiêu thụ được khoảng150 tấn và còn nhiều đơn hàng đang chờ chốt.
Anh Phan Văn Thái, thôn Phì, xã Phì Điền, thành viên HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền cho biết: Lần đầu tiên được hướng dẫn livestream, bán vải trên mạng, ban đầu tôi lóng ngóng, ngại làm. Sau quen, thấy ham vì trực tiếp tương tác với khách hàng, giới thiệu được sản phẩm và quan trọng là bán được nhiều hơn. Cảm giác ngồi dưới gốc vải livestream rất thú vị!
Ngoài đưa vải lên sàn, Tỉnh Đoàn còn liên hệ, đề nghị các Tỉnh đoàn, thành đoàn trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ bằng các gian hàng thanh niên. Quan điểm và cam kết ở các gian hàng này là không bán những sản phẩm rẻ nhất mà chỉ bán những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất. Lợi nhuận được ủng hộ cho quỹ vắc xin phòng, chống Covid. Thống kê chưa đầy đủ, lượng vải tiêu thụ qua kênh này của Tỉnh Đoàn đạt gần 1 nghìn tấn, số lượng chưa từng có từ trước tới nay với thanh niên.
Chị Nguyễn Thùy Dung, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội khi mua hàng ở các gian hàng thanh niên bày tỏ: Thông qua sàn điện tử, người tiêu dùng có cơ hội được mua vải thiều Lục Ngạn chính hãng. Quả thực ngon hơn rất nhiều những sản phẩm trước đây tôi từng mua. Chuẩn “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày”, hương vị thanh mát.
Trên Facebook, Zalo, các trang mạng xã hội ngập tràn hình ảnh tươi đẹp, đỏ thắm của quả vải thiều xen lẫn với mầu áo xanh tình nguyện, lời bài hát trẻ trung, vui nhộn. Đó là cách mà thanh niên tiếp cận và quảng bá về hình ảnh Bắc Giang, con người Bắc Giang và vải thiều Bắc Giang tới nhiều người. Và qua kênh bán hàng online, dù lần đầu tham gia song tuổi trẻ Bắc Giang đã thể hiện sự tiên phong, thích ứng, dám nghĩ, dám làm, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là khi nông dân gặp khó, dịch bệnh hoành hành.
CTV Tweet